(ĐTCK) Ngày 6/5/2014 vừa qua, CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept - GMD) tổ chức khai trương Cảng Nam Hải Đình Vũ tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Thành phố Hải Phòng. Đây được xem là một bước đi chiến lược của Gemadept trong việc mở rộng hoạt động khai thác cảng tại khu vực phía Bắc.
Vị trí chiến lược
Hải Phòng là đầu mối xuất nhập khẩu của cả miền Bắc nhờ vào vị trí cửa ngõ giao thương của miền Bắc, cửa ngõ ra biển kết nối với thế giới; là thành phố nằm trong vùng kinh tế Duyên hải Bắc Bộ (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định...) với lợi thế thành phố cảng, có nhiều khu công nghiệp phát triển. Hải Phòng có lợi thế rất lớn trong việc phát triển dịch vụ cảng biển. Lượng hàng hóa qua cảng liên tục tăng cao, hệ thống cảng theo đó cũng không ngừng mở rộng. Nhiều cảng đã linh hoạt trong giá cước để giữ khách hàng, đặc biệt là các cảng nhỏ và không có các dịch vụ hỗ trợ khác. Nhưng điều đó không làm mất đi tính hấp dẫn đối với những công ty có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác cảng. Vì vậy, sau 3 năm đưa cảng Nam Hải đi vào khai thác với hiệu quả tốt, Gemadept đã quyết định đầu tư thêm cảng Nam Hải Đình Vũ. Kết quả mang lại từ hai cảng này đang chứng tỏ quyết định của Gemadept là đúng đắn.
Cảng Nam Hải Đình Vũ nằm ở hạ lưu sông Cấm, đón đầu cửa ngõ vào luồng sông Cấm. Với độ sâu trước bến 11,5 m và khu vực quay tàu 250 m, cảng Nam Hải Đình Vũ có lợi thế lớn so với các cảng khác tại Hải Phòng, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 tấn ra vào làm hàng.
Nhiều lợi thế
Khởi công từ tháng 3/2012, sau hơn 1 năm xây dựng, cảng Nam Hải Đình Vũ đã hoàn thiện và đi vào khai thác, chính thức đón chuyến tàu đầu tiên ngày 10/12/2013. Đây là dự án lớn và trọng điểm của Gemadept tại thị trường phía Bắc, được đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, với 450 m cầu tàu và 150.000 m2 bãi. Vì được đầu tư mới từ đầu nên cảng Nam Hải Đình Vũ có trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, gồm 2 cẩu giàn QC và 2 cẩu chân đế Tukan. Đặc biệt, với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động và phần mềm quản lý, khai thác cảng hiện đại, hoạt động khai thác giải phóng tàu, xếp dỡ hàng hóa đảm bảo chính xác, nhanh chóng và an toàn.
Cảng Nam Hải Đình Vũ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cảng biển của Gemadept trải dọc từ Bắc tới Nam, tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Đây là cảng thứ tư của Gemadept đã đi vào khai thác bên cạnh cảng Phước Long, cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất và cảng Nam Hải.
Cảng Nam Hải Đình Vũ có trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, công suất thiết kế 500.000 TEU/năm
Gemadept hiện là DN hàng đầu trong nước về dịch vụ cảng và logistics. Các dịch vụ cảng của Gemadept có lợi thế rất lớn từ các dịch vụ hỗ trợ của vận tải nói riêng và logistics nói chung, tạo nên vòng tuần hoàn khép kín, hỗ trợ nâng cao sức mạnh của tất cả các hoạt động trong Tập đoàn, mang đến cho khách hàng các dịch vụ với chất lượng cao nhất và giá cả hợp lý nhất. Mối quan hệ đối tác tốt với các cảng khác trong khu vực cũng là điểm mạnh của Gemadept, nhờ đó cảng Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải có được sự linh hoạt trong việc thu xếp cầu bến và các giải pháp khai thác.
Triển vọng doanh thu
Hiện nay, cảng Nam Hải Đình Vũ đang đón từ 4 - 5 chuyến tàu mỗi tuần và con số này dự kiến sẽ nâng lên 7 - 8 chuyến trong thời gian tới, đảm bảo hoạt động đến 60% công suất thiết kế, tương đương với 300.000 TEU/năm trong năm 2014 và đạt công suất tối đa 500.000 TEU/năm vào năm 2015.
Khai thác cảng là một trong hai hoạt động kinh doanh chính của Tập đoàn Gemadept bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ logistics. Gemadept khẳng định sẽ tiếp tục định hướng phát triển này, tập trung đầu tư mạnh vào cảng và logistics trong những năm tiếp theo.
Gemadept có trên 20 năm kinh nghiệm trong hoạt động khai thác và quản lý cảng, vì thế, Cảng Nam Hải Đình Vũ hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao và đóng góp đáng kể vào kết quả kinh chung của Tập đoàn trong thời gian tới.
Năm 2013, Gemadept đạt doanh thu thuần hợp nhất hơn 2.525 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ khai thác cảng chiếm 29,2% và doanh thu hoạt động logistics 67,43%. Với việc đưa cảng mới đi vào khai thác, chỉ riêng phần đóng góp của cảng Nam Hải Đình Vũ dự kiến sẽ là 10 - 15% tổng doanh thu thuần của cả Tập đoàn, nếu tính cả cảng Nam Hải thì mức đóng góp này sẽ khoảng 20%.