Thưa ông, có ý kiến rằng, trong khó khăn chung của nền kinh tế, một số cơ quan báo chí phải chật vật tìm lối đi để có thể “sống”, do đó, ảnh hưởng nhất định tới chất lượng thông tin. Chưa kể, thông tin báo chí trong lĩnh vực kinh tế dường như càng khó hơn, nhiều vấn đề trở nên “nhạy cảm” hơn?
Trước hết, tôi muốn khẳng định, trong mọi hoàn cảnh, thông tin báo chí phải thể hiện được trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo đối với xã hội, với đất nước và nhân dân.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thông tin báo chí lại càng phải thể hiện vai trò đó. Nghĩa là, báo chí càng phải thông tin chính xác, đúng định hướng, mang tính xây dựng, nhân văn. Bởi lẽ, nếu ví đời sống xã hội lúc khó khăn như một cơ thể không được khỏe, thì những thông tin không chính xác, không xây dựng, thiếu trách nhiệm không khác gì luồng gió độc, những vi-rút làm cơ thể ngã bệnh, thậm chí, bệnh nặng.
Do đó, cái “nhạy cảm” trong thông tin kinh tế như bạn hỏi, theo tôi chính là đòi hỏi ở cơ quan báo chí và nhà báo trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân lớn hơn. Tất nhiên, cũng không nên viện dẫn khó khăn mà cho phép cơ quan báo chí và nhà báo lơi lỏng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình với xã hội.
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông chia sẻ gì với khó khăn của các cơ quan báo chí?
Các cơ quan báo chí đang gặp áp lực không nhỏ với sự phát triển của mạng xã hội, của các phương tiện truyền thông khác trên Internet, do đó, phải cạnh tranh, chạy đua thông tin. Quảng cáo, phát hành báo in suy giảm, trong khi báo điện tử chưa thực sự khẳng định được vị thế cần có.
Tôi muốn nói rằng, nếu ai đó sử dụng mạng xã hội, blog cá nhân đúng quy định của pháp luật, họ sẽ góp phần làm phong phú thêm hoạt động truyền thông, có thể góp ích cho xã hội. Nhưng nếu làm ngược lại, đưa thông tin sai, tùy tiện, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, nhân phẩm, đời tư của cá nhân, họ sẽ tạo ra hậu quả tiêu cực, khó lường. Báo chí chính thống biết “sống chung” với mạng xã hội, biết tận dụng mặt tích cực và đấu tranh với mặt tiêu cực của nó.
Trong xu thế mới, các cơ quan báo chí cần nắm và vận dụng tốt thời cơ, lợi thế, khắc phục hạn chế, yếu kém, vận hành tòa soạn theo mô hình hội tụ truyền thông, đa dạng hóa nội dung, hình thức, cách thức thông tin; nâng cao khả năng chi phối thông tin với xã hội. Thông tin đúng, nhanh chóng, bổ ích, hấp dẫn thì không có lý do gì lại không giành được niềm tin ở độc giả, dư luận.
Về nguyên tắc, vi phạm pháp luật về báo chí thì bị xử phạt. Rất mừng là bên cạnh số ít báo vi phạm phải xử lý, thì phần lớn các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò của mình.
Ông có thể đánh giá cụ thể hơn về những mặt báo chí đã làm được?
Báo chí ta đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tập trung cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực quan trọng như doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính…
Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã kịp thời lên tiếng đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Báo chí cũng đã thông tin kịp thời, khách quan, khi một số kẻ xấu lợi dụng các hành động biểu tình yêu nước của người Việt Nam để kích động đập phá nhà máy của một số nhà đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh…, gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư và tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài.
Hay khi Quốc hội thảo luận các dự thảo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…, nhiều cơ quan báo chí vừa phản ánh kịp thời ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân, vừa phản biện chính sách, giúp các cơ quan soạn thảo có cái nhìn đa chiều, từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp trong nền kinh tế để bổ sung, hoàn thiện các dự luật này.
Tôi được biết, Báo Đầu tư đã có phóng viên xuống các địa phương tìm hiểu, phản ánh hoạt động của các doanh nghiệp bị thiệt hại do kẻ xấu phá hoại; thông tin kịp thời về chính sách của Nhà nước, của các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, củng cố niềm tin của nhà đầu tư… Về các dự luật quan trọng đang được hoàn thiện, Báo Đầu tư cũng có các chuyên mục ghi nhận ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế…
Những đóng góp đó của Báo Đầu tư là rất thiết thực và đó chính là cách nâng cao chất lượng thông tin, nâng cao uy tín của tờ báo mà Báo Đầu tư nên tiếp tục phát huy.
Nhân dịp Báo Đầu tư kỷ niệm 23 năm thành lập, tôi chúc Báo Đầu tư không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, tiếp tục thực hiện tốt phương châm là bạn đồng hành của doanh nghiệp và nhà đầu tư, giữ vững vị thế là cơ quan báo chí kinh tế hàng đầu trong công cuộc hội nhập của đất nước.