Cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải trực tiếp tới Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi triển khai tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp đến các cảng lớn tại Ấn Độ vào cuối tháng 8/2024, cảng Chu Lai tiếp tục mở rộng tuyến hàng hải quốc tế, kết nối trực tiếp đến thị trường Mỹ.
Tàu quốc tế cập cảng Chu Lai, mở tuyến hàng hải trực tiếp đến Mỹ

Tàu quốc tế cập cảng Chu Lai, mở tuyến hàng hải trực tiếp đến Mỹ

“Thẳng đường” sang Mỹ

Ngày 18/11, tại cảng Chu Lai, lô 400 sơ mi rơ moóc (SMRM) của Tập đoàn THACO INDUSTRIES được xếp lên tàu bắt đầu hành trình đến cảng Jacksonville, bờ Đông nước Mỹ.

Đây là chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ Chu Lai, vận chuyển hàng xuất khẩu đến thị trường Mỹ mà không cần phải trung chuyển qua tàu mẹ như trước đây.

Hành trình của tàu đi qua các cảng lớn gồm: Kanda (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Chu Lai (Việt Nam), Nantong (Trung Quốc), trước khi đến điểm cuối cùng tại Jacksonville (Mỹ).

Với tuyến hàng hải này, cảng Chu Lai mở ra cơ hội giúp hàng hoá của doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng các thị trường lớn tại châu Á và Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Lô hàng xuất khẩu được THILOGI vận chuyển đường bộ đến cảng.

Lô hàng xuất khẩu được THILOGI vận chuyển đường bộ đến cảng.

Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ, thị trường châu Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với các nhóm hàng có thể vận chuyển hai chiều bằng đường biển như: sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải, linh kiện phụ tùng… Vì vậy, việc cảng Chu Lai mở tuyến hàng hải trực tiếp sang Mỹ là rất cần thiết, giúp hàng hóa xuất khẩu tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên lược bỏ bước trung chuyển, đồng thời nếu kết hợp vận chuyển đối lưu hàng nhập khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí”.

Giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp xuất khẩu

Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ của các doanh nghiệp tại miền Trung đang rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, cảng Chu Lai mở rộng hợp tác với nhiều hãng tàu quốc tế, tăng cường khai thác các tuyến hàng hải, kết nối với nhiều cảng lớn tại bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ như: Savannah, Los Angeles, Long Beach, Chicago, New York, Jacksonville, Seattle​… với tần suất 4 chuyến/tháng.

Đặc biệt, cảng Chu Lai cung ứng dịch vụ tàu chuyến (lịch trình linh hoạt), giúp doanh nghiệp vận chuyển nhanh chóng khi sản lượng tăng cao hoặc đơn hàng gấp mà không phải phụ thuộc vào tàu quốc tế (lịch trình cố định).

Cảng Chu Lai tiếp nhận các tàu quốc tế cập cảng và làm hàng.

Cảng Chu Lai tiếp nhận các tàu quốc tế cập cảng và làm hàng.

Ông Phan Văn Kỳ, Giám đốc cảng Chu Lai cho biết, kể từ khi đưa vào khai thác cầu cảng nước sâu, với khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000 DWT cùng thiết bị xếp dỡ hiện đại, công suất lớn, cảng Chu Lai đã thu hút nhiều hãng trong nước và quốc tế hợp tác, gia tăng tần suất qua cảng.

Việc phát triển tuyến hàng hải trực tiếp sang Mỹ sẽ giúp các doanh nghiệp tại KCN Chu Lai, Tam Thăng, Thuận Yên (Quảng Nam), VSIP (Quảng Ngãi)… khi xuất khẩu tiết giảm chi phí trung chuyển đến các cảng lớn ở hai miền Nam, Bắc.

Bên cạnh đó, việc THILOGI đăng ký thành công giấy phép FMC của Ủy ban hàng hải liên bang Mỹ đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu qua cảng Chu Lai tránh được những rủi ro và chi phí phát sinh tại nơi giao hàng hay các điểm chuyển tải, bởi Mỹ là thị trường nghiêm ngặt về các quy định khai báo hàng hóa, thông quan…

Từ đầu năm đến nay, cảng Chu Lai đã đón gần 1.000 lượt tàu với đa dạng các tuyến dịch vụ, mang đến nhiều giải pháp vận chuyển tối ưu cho các doanh nghiệp. Thời gian tới, cảng tiếp tục mở rộng thị trường, đẩy mạnh khai thác nguồn hàng xuất khẩu từ các cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế tại miền Trung, Tây Nguyên, Lào, Campuchia… nhằm thu hút các hãng tàu mới hợp tác, mở thêm các tuyến hàng hải quốc tế.

Ngoài ra, cảng Chu Lai đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tối ưu hóa quy trình cung ứng dịch vụ và khai thác cảng… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu trở thành “cảng xanh” trong tương lai.

Giờ đây, cảng Chu Lai không chỉ là cửa ngõ kết nối chiến lược, mà còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, và mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Tin bài liên quan