Canada đồng ý khoản trợ cấp lên tới 9,7 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin của Volkswagen

Canada đồng ý khoản trợ cấp lên tới 9,7 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất pin của Volkswagen

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính phủ Canada đã đồng ý khoản trợ cấp có thể lên tới 13 tỷ CAD (9,7 tỷ USD) trong 10 năm để xây dựng một nhà máy sản xuất pin xe điện của Volkswagen AG, đây sẽ là nhà máy đầu tiên bên ngoài châu Âu.

Số tiền này được cung cấp thông qua một hợp đồng chưa từng có được thương lượng bởi bộ trưởng công nghiệp của Trudeau, François-Philippe Champagne.

Theo các quan chức chính phủ, Canada sẽ cung cấp các khoản trợ cấp sản xuất hàng năm cũng như trợ cấp cho chi phí vận hành của nhà máy để phù hợp với những gì nhà sản xuất ô tô Đức có thể nhận được thông qua Đạo luật Giảm phát thải của Mỹ.

Thỏa thuận này đưa ra một ví dụ rõ ràng về cách các đối tác thương mại của Mỹ đang cố gắng bắt kịp các ưu đãi tài chính có trong luật khí hậu do Tổng thống Joe Biden ký năm ngoái. Bộ trưởng cho biết, nhà máy này là một phần của đơn vị PowerCo của Volkswagen, có khả năng sẽ là nơi sản xuất lớn nhất ở Canada.

Champagne và các quan chức chính phủ khác tin rằng, hỗ trợ tài chính cho Volkswagen là cần thiết để bảo vệ vị thế của Canada trong lĩnh vực ô tô ở Bắc Mỹ khi nước này ngừng sử dụng động cơ đốt trong, đồng thời để đảm bảo Canada không chỉ được coi là nhà cung cấp khoáng sản quan trọng mà cũng là một nguồn sản xuất tiên tiến về ngành công nghệ xanh.

Bộ trưởng cho biết, chính phủ cũng đang đàm phán về hỗ trợ tài chính cho một nhà máy mà LG Energy Solution và Stellantis NV có kế hoạch xây dựng ở Ontario. Nhà máy này sẽ tiêu tốn khoảng 7 tỷ CAD để xây dựng, có diện tích bằng 350 sân bóng đá và sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm ở khu vực xung quanh St. Thomas, thành phố phía nam Ontario.

Champagne lập luận rằng, giá trị kinh tế của việc đưa một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đến Canada lần đầu tiên với các chuỗi cung ứng mà nó sẽ tạo ra đáng giá hơn nhiều so với chi phí trợ cấp cho chính phủ.

Tuy nhiên, kinh phí của các trợ cấp này rất đáng chú ý. Chỉ riêng hỗ trợ sản xuất dự kiến ​​sẽ dao động từ 8 - 13 tỷ CAD trong 10 năm, tùy thuộc vào số lượng nhà máy sản xuất. Hợp đồng được soạn thảo để các khoản trợ cấp sản xuất của Canada sẽ chỉ được giữ nguyên chừng nào Đạo luật Giảm phát thải còn hiệu lực. Nếu Mỹ giảm các ưu đãi đối với sản xuất năng lượng xanh, thì Canada sẽ giảm tương ứng.

Trên hết, Canada đang cung cấp khoảng 700 triệu CAD tài trợ chi phí vốn cho Volkswagen thông qua Quỹ đổi mới chiến lược, và có thể có nhiều tiền hơn từ chính quyền tỉnh Ontario.

Đạo luật Giảm phát thải IRA đang ban hành các khoản trợ cấp quy mô lớn cho các ngành công nghiệp ít carbon, đặc biệt là thông qua các khoản ưu đãi thuế sản xuất. Những ưu đãi tương đối hào phóng đó đến từ Mỹ, có thể vượt quá chi phí ước tính chính thức là 370 tỷ đô la, tùy thuộc vào mức độ chúng được sử dụng rộng rãi như thế nào.

Đạo luật này đã gây áp lực lớn lên Canada và các đối tác thương mại khác của Mỹ trong việc cung cấp tiền hoặc các khoản đầu tư mới sinh lợi vào nền kinh tế xanh. Trong một bài phát biểu tại Washington gần đây, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã cảnh báo rằng, các nền dân chủ cần tránh cuộc chạy đua về trợ cấp doanh nghiệp vốn có thể làm xói mòn ngân sách của thuế và mạng lưới an sinh xã hội của họ.

Thỏa thuận của Volkswagen ở Canada cũng đặt ra câu hỏi về việc các nhà sản xuất ô tô và sản xuất pin khác có thể nhận được con số bao nhiêu từ hỗ trợ tài chính. Năm ngoái, LG và Stellantis đã công bố một liên doanh trị giá 4 tỷ đô la ở Windsor, Ontario gần đó, đối diện với Detroit.

Ông Champagne cho biết: Người Canada sẽ hiểu tại sao chính phủ lại chi nhiều tiền như vậy để thu hút Volkswagen. Ông lập luận rằng, tác động kinh tế của nhà máy trong 5 năm đầu tiên sẽ bằng toàn bộ ngân sách của chính phủ dành cho nó. Và trong 30 năm tới, nhà máy sẽ tạo ra giá trị hơn 200 tỷ CAD cho Canada.

Tin bài liên quan