"Cần xây lại cơ chế gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vốn đã có nhưng những vướng mắc về cơ chế và đồng bộ trong triển khai chính sách đang làm khó cho việc giải ngân gói 120.000 tỷ đồng và thúc đẩy chiến lược 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người dân.

Đây là quan điểm được nhiều chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp” do Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng sáng nay 28/6 tại Hà Nội.

Câu chuyện về đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" hiện vẫn đang là chủ đề nóng các diễn đàn, sự kiện hội nghị.

Nguồn vốn để thúc đẩy mục tiêu tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Quan điểm của Chính phủ trong việc thực hiện gói 120.000 tỷ đồng là để chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Mức lãi suất áp dụng thấp từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bằng đồng Việt Nam bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) trên thị trường trong từng thời kỳ. Theo đó, lãi suất cho vay dành cho chủ đầu tư là 8,7%/năm và 8,2% dành cho người mua nhà. Lãi suất điều chỉnh 6 tháng một lần.

Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc gia, thực tế mức lãi suất 8,7%/năm dành cho chủ đầu tư, 8,2%/năm dành cho người mua nhà là chưa hấp dẫn. Sau hơn 1 tháng triển khai trên toàn quốc, hiện chỉ có 100 dự án được cấp phép đầu tư xây dựng.

Thực tế, đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng chưa thể giải ngân. Nhiều địa phương chưa thể công bố công khai danh mục dự án được hưởng ưu đãi do đang tiếp tục rà soát. Trong số những dự án mà địa phương đã rà soát và gửi về Bộ Xây dựng, có nhiều dự án chưa đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí về tính pháp lý.

Hơn nữa, về phía người đi vay, sau 5 năm, lãi vay sẽ được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Đây là điều rất rủi ro đối với công nhân. Với số đông công nhân, người có thu nhập thấp, thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ 15-17 triệu/tháng đang đặt ra thách thức rất lớn với người đi vay.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng lãi suất cho vay để mua, phát triển nhà ở xã hội nên từ 5-6%/năm, tương tự như gói vay 30.000 tỷ đồng trước, đây mới thực sự là hỗ trợ doanh nghiệp bỏ vốn, vay ngân hàng để làm nhà ở xã hội.

"Cần có cơ chế thiết thực hơn theo hướng ngân hàng thương mại vẫn cho vay theo lãi suất thương mại nhưng Nhà nước đứng ra cấp bù lãi suất, điều này mới thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia", ông Đính nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng cho rằng, trần lãi suất của gói này không quá 10%/năm. Bởi nếu không có quy định, 5 năm sau, lãi suất trên thị trường có thể bật lên sẽ rất nguy hiểm cho cả người đi vay và người cho vay.

“Có ai bảo đảm lãi suất sau 5 năm thấp hơn so với mức lãi suất hiện tại. Việc thả nổi lãi suất, điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho cả người đi vay và người cho vay, người đi vay là rủi ro vỡ nợ và rủi ro thu hồi nợ đối với người cho vay” ông Hiếu đánh giá.

Ông Hiếu cho biết thêm, có thể thấy gói 120.000 tỷ đồng này không "hoàn hảo" như gói hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội trước đây. Đây chỉ nên là chương trình cho vay ưu đãi, trong khi gói hỗ trợ phải có các quy định, điều kiện hoàn chỉnh. Do đó, cần đổi tên "gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân" thành "chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Theo ông Hiếu, nếu như gói hỗ trợ trước đây, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại 3%, các ngân hàng thương mại cho vay ra với lãi suất 5%, thì hiện tại Ngân hàng Nhà nước có thể tái cấp vốn với lãi suất 4% và các ngân hàng cho vay ra với mức 7% - nằm trong khả năng trả nợ của người dân, đặc biệt là người dân nghèo.

Chưa kể, ngoài lãi suất, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cần xác định thời gian cho vay là bao lâu, ví dụ 10 năm, 20 năm hay 30 năm. “Đây là cơ sở để khách hàng vay tính toán được khả năng trả nợ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan