DN cần được hỗ trợ để “khoẻ” trong dài hạn, chứ không chỉ bằng miễn giảm thuế hoặc cho vay ưu đãi.

DN cần được hỗ trợ để “khoẻ” trong dài hạn, chứ không chỉ bằng miễn giảm thuế hoặc cho vay ưu đãi.

Cần xây “bệnh viện doanh nghiệp”

(ĐTCK-online) Nhà nước có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nhưng theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các hình thức này phần nhiều dừng lại ở các chính sách hỗ trợ “trên giấy”. Bởi vậy, thực tế, DNVVN chưa nhận được sự hỗ trợ tương xứng với những đóng góp cho nền kinh tế và điều này đã đến lúc cần thay đổi.

Lâu nay, khi đưa ra các đề xuất, kiến nghị hỗ trợ DN nói chung, trong đó có DNVVN, bản thân các DN, các hiệp hội, thậm chí cả cơ quan quản lý thường “kêu”, nhằm tìm cách giảm, miễn thuế hoặc cho DN vay vốn ưu đãi. Tư duy ưu đãi quá “dính dáng” đến tiền kiểu này, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), đã đến lúc cần thay đổi. Bởi lẽ, khi triển khai các hình thức hỗ trợ này, vừa không góp phần giúp DN “khoẻ” lên về dài hạn, vừa làm méo mó môi trường kinh doanh. Hơn nữa, hình thức hỗ trợ này còn tăng gánh nặng tài chính lên vai Nhà nước. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, không phù hợp với “luật chơi” của thị trường.

Tại hội thảo “Đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tư nhân: Một số kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan và bài học cho Việt Nam”, do CIEM tổ chức ngày 2/11, khi đề xuất hướng thay đổi tư duy hỗ trợ DNVVN, ông Hiếu gợi mở: điều quan trọng là cần hỗ trợ DN giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, giúp họ thực sự “khoẻ” lên bằng sức mạnh nội tại. Muốn vậy, Nhà nước nên xây dựng các “bệnh viện DN”. Ngoài triển khai hoạt động tư vấn để phòng bệnh, nhiệm vụ quan trọng của “bệnh viện DN” là kịp thời chữa trị các căn bệnh mà DN mắc phải. Nhiều nền kinh tế trên thế giới triển khai mô hình này rất thành công, trong đó Đài Loan là một ví dụ. Để mô hình này vận hành hiệu quả, cần có nhiều hoạt động “ăn theo”.

Cụ thể, đối với các hoạt động tư vấn, ngoài có trang website, đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của DN về những khó khăn mà họ đang gặp phải, Đài Loan còn có 147 luật sư chuyên tư vấn pháp lý miễn phí cho các DN. Nội dung tư vấn không dừng lại ở các vụ tranh chấp pháp lý DN đang đối mặt, mà còn mở rộng ra các vấn đề liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển của DN.

Đối với hoạt động “chữa bệnh” cho DN, một kinh nghiệm hay của quốc tế mà Việt Nam có thể tham khảo để áp dụng, theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM, là cần tách bạch cơ quan hoạch định chính sách độc lập với cơ quan thực thi chính sách. Điều này không chỉ tránh được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” thường xảy ra ở các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn hình thành được một đội ngũ cán bộ công quyền có kinh nghiệm và kỹ năng kinh doanh không kém DN, để từ đó có ý tưởng tổ chức thực thi chính sách sao cho hỗ trợ DN sát thực, hiệu quả nhất. Cán bộ của hệ thống cơ quan tổ chức thực thi chính sách là những người chuyên trách triển khai các chính sách quản lý, hỗ trợ DN, mà không tham gia xây dựng chính sách. Bởi vậy, khi DN “mắc bệnh”, nhờ trình độ am hiểu sâu sắc về hệ thống chính sách, cũng như “tâm tính” của DN, chính những cán bộ này như những “bác sỹ” sẽ chẩn trị bệnh hiệu quả cho DN, thông qua các hoạt động tham gia hỗ trợ DN vượt qua các khó khăn hiện tại, cũng như đề ra chiến lược phát triển hiệu quả trong dài hạn. Ưu tiên khám chữa bệnh của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách là vận dụng tối đa quy định pháp lý hiện hành để tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong trường hợp nỗ lực này thất bại, họ sẽ đề xuất sửa đổi chính sách.

 

và các tổ chức trung gian

Theo CIEM, Nhà nước nên hình thành các tổ chức trung gian để hỗ trợ DNVVN. Muốn hiện thực hoá ý tưởng này, cần thành lập Quỹ phát triển DNVVN, để sử dụng chính cho thành lập các công ty phát triển DNVVN. Các công ty này trực tiếp hỗ trợ vốn cho DNVVN thông qua đầu tư vốn. Tuy nhiên, hình thức hỗ trợ quan trọng hơn là các công ty phát triển DN thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho DNNVN về kỹ năng quản trị, chiến lược phát triển thị trường, đầu tư

công nghệ…

Mô hình trung gian thứ hai mà CIEM khuyến nghị nên triển khai để hỗ trợ DNVVN là hình thành các trung tâm kết nối DN. Theo ông Hiếu, ban đầu, đây là các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận, với nhiệm vụ chính là kết nối các DN có liên quan vào một mạng lưới sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đắc lực cho nhau. Trong đó, lấy một công ty lớn làm trung tâm và xung quanh nó là các DNVVN như là các công ty vệ tinh. Điều này tương tự như thay vì hình thành các khu công nghiệp với các DN hoạt động trong các lĩnh vực riêng rẽ, thì cho ra đời các khu, cụm công nghiệp thu hút các DN có các lĩnh vực sản xuất liên quan, hỗ trợ đắc lực cho nhau, với vai trò mỗi DN là một mắt xích trong chuỗi sản xuất khép kín. Điều này giúp DNVVN hoạt động chủ động và hiệu quả, do toàn bộ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm luôn gắn rất chặt với các DN lớn.