Cần ưu đãi mới để thu hút nhà đầu tư lớn

Làm gì để khôi phục kinh tế sau đại dịch là nỗi lo của các vị đại biểu, sau 4 phiên Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, từ cuối tuần trước đến đầu tuần này.
Đại biểu Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, cần có hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Đại biểu Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, cần có hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Doanh nghiệp nội vẫn phải chạy lòng vòng

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho rằng, tại thời điểm hiện nay, cần ưu tiên cao cho việc khôi phục kinh tế, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Ông Tùng nhận xét, thời gian qua, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét, giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

"Nhiều doanh nghiệp phải mất 3 - 4 năm cho việc chạy lòng vòng và khi bước dần qua các thủ tục này thì thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí. Thiết nghĩ, chúng ta đang "dọn tổ đón đại bàng" thì cũng nên "rắc thóc cho chào mào, chim sẻ" để thực sự có một sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế", ông Tùng góp ý.

Cũng dành sự quan tâm cho doanh nghiệp trong nước, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phân vân việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ được dành cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỷ đồng và có số lao động đang có hợp đồng đóng bảo hiểm xã hội dưới 100 người.

Ông Bình cho rằng, có những doanh nghiệp doanh thu bị giảm sút và không có doanh thu, nhưng vẫn giữ lao động, vẫn trả lương, vẫn đóng bảo hiểm, thì nên khuyến khích, vì thế, không nên hạn chế ở tiêu chí dưới 100 lao động.

Để Thủ tướng chủ động phương án đàm phán với nhà đầu tư

Nhận định Việt Nam có cơ hội và nhiều lợi thế để đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, nhân cơ hội này, phải có những hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn toàn cầu, có tiềm lực về tài chính và công nghệ, đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Việt Nam đã có nhiều ưu đãi trong Luật Đầu tư, nhưng để thu hút tập đoàn hàng đầu của thế giới, cần có những ưu đãi mới, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác. Từ quan điểm này, đại biểu Hoa đề nghị mạnh dạn xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở mức cao hơn, để Thủ tướng có thể chủ động các phương án đàm phán với nhà đầu tư.

Theo bà Hoa, đi kèm với những đột phá này là trách nhiệm giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thì Chính phủ có thể báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Vị đại biểu Nam Định cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch. Đề xuất với Quốc hội sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn một luật sửa nhiều luật và kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến để kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành những chính sách mới, có tính chất đột phá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Thậm chí, có thể nghiên cứu triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội để sửa đổi kịp thời các luật nêu trên.

Theo đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), các chính sách phát triển trong thời gian tới cần khôi phục được các yếu tố cốt lõi để nền kinh tế chuyển biến theo hướng chất lượng, hiệu quả, dự phòng được những tác động của các yếu tố phát sinh trong thời gian tới.

Đại biểu Hằng cũng lưu ý, bên cạnh chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tránh việc các nhà đầu tư vào Việt Nam chỉ để lợi dụng xuất xứ hàng Việt Nam, không đem lại giá trị gia tăng, ảnh hưởng việc kinh doanh chân chính của doanh nghiệp trong nước.

Tiếp tục đề cập làn sóng dịch chuyển của các nhà đầu tư, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị Chính phủ cần có chiến lược với tầm nhìn xa, hành động kịp thời, cùng với chính sách thu hút hấp dẫn đặc thù hơn so với những đặc thù đã từng có, đủ sức cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực, nhất là phải điều hành, quản lý ở tầm quốc gia, tạo nền tảng cho các địa phương có cơ chế thu hút hiệu quả nhất các nhà đầu tư vào Việt Nam làm ăn.

Còn nhiều việc phải làm để đón nhà đầu tư lớn

Phát biểu vào cuối giờ chiều 15/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, hiện là cơ hội vàng để Việt Nam thu hút đầu tư có chọn lọc.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ trình Quốc hội chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Chính phủ sẽ chủ động điều hành các chỉ tiêu ngân sách, kế hoạch đầu tư công phù hợp với thực tế, phấn đấu đạt mức cao nhất trong năm 2020.

Bộ trưởng nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng nhất là duy trì, củng cố nền tảng vĩ mô, an toàn dịch bệnh, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ, phản ứng nhanh nhằm chớp thời cơ, tận dụng cơ hội phát triển. Tập trung hỗ trợ ngay khu vực tư nhân trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, tránh tình trạng doanh nghiệp bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm giá rẻ.

Dự báo tình hình tăng trưởng 2020, Bộ trưởng Dũng cho rằng, mức độ chính xác, tính khả thi của các dự báo phụ thuộc vào thời điểm kết thúc đại dịch và sản xuất được vaccine phòng Covid-19.

Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ có nhiều giải pháp mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, trước mắt là thực hiện mạnh mẽ hơn các giải pháp đã có, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính.

Liên quan vấn đề tận dụng cơ hội thu hút đầu tư, ông Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập tổ công tác đặc biệt đón sóng đầu tư mới.

Tuy nhiên, để thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, theo Bộ trưởng, còn nhiều việc phải làm, như cải cách hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; chuẩn bị tốt các điều kiện hạ tầng đất đai, quy hoạch; chính sách phải ổn định nhất quán, kịp thời. Ngoài ra, cần lựa chọn các dự án có sức lan toả, gắn kết, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi công nghiệp hỗ trợ.

Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn để thu hút các tập đoàn đa quốc gia có vốn lớn, đứng đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh gay gắt, Việt Nam cần chính sách ưu đãi kịp thời, cạnh tranh hơn để đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc.

Đề nghị thẳng thắn đánh giá trách nhiệm điều hành xuất khẩu gạo

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, mặc dù có sự gián đoạn nhất định trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, nhưng xét tổng thể, công tác điều hành xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đã bảo đảm được những yêu cầu quan trọng nhất. Đó là bảo đảm được cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia; tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá tốt (tăng hơn 25% so với năm 2019).

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ), việc tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 3/2020 được quyết định quá nhanh và khi cho xuất khẩu lại càng nhanh hơn, khi phải bắt đầu từ lúc 0 giờ, mà không phải trong giờ hành chính. Sự việc này đã thể hiện sự nóng vội, vai trò tham mưu của bộ, ngành có nhiều bất cập. Quyết định này đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với các đối tác, do không xuất hàng đi được và phải tốn thêm chi phí. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng nhất định đến cơ hội xuất khẩu giá cao, có lợi cho người sản xuất.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn đánh giá trách nhiệm của cơ quan tham mưu, phương pháp điều hành liên quan việc dừng và mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại trong thời gian tới.

Chống “virus” trì trệ chưa thành công

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho biết, ông hết sức băn khoăn khi những tồn tại, hạn chế như cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tình trạng nợ đọng, ô nhiễm môi trường, nạn tham nhũng, trục lợi chính sách… đã diễn ra trong nhiều năm như một căn bệnh kinh niên, nhưng vẫn thiếu giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả.

Nhắc lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói một cách hình tượng là phải chống hai loại virus là corona và virus trì trệ, đại biểu Hiền nhấn mạnh, những vấn đề nêu trên đã kéo dài từ năm này qua năm khác, từ ngành này sang ngành khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Điều đó cho thấy, chúng ta chưa thành công trong việc chống “virus” trì trệ.

“Mặc dù chúng ta đã nhiều lần đưa ra giải pháp đột phá, những khẩu hiệu hành động đầy quyết liệt, nhưng đâu vẫn hoàn đấy”, đại biểu Hiền nhận xét.

Tin bài liên quan