Tốc độ tăng trưởng cao quý I/2018 dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng, gây lơ là trong triển khai các nhiệm vụ đề ra

Tốc độ tăng trưởng cao quý I/2018 dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng, gây lơ là trong triển khai các nhiệm vụ đề ra

Cẩn trọng xu thế giảm, doanh nghiệp đi tìm động lực tăng trưởng

(ĐTCK) Hai kịch bản kinh tế năm 2018 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đều cho thấy một đặc điểm nổi bật khác biệt so với mọi năm, đó là xu thế tăng đều từng quý không còn duy trì theo mô hình tăng trưởng cũ mà theo trật tự ngược lại, tức là tăng trưởng mạnh ngay từ quý I và có xu hướng giảm dần.

Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh, tăng trưởng GDP năm 2017 đã có sự bứt phá mạnh giữa các quý với nhân tố tác động chính là sự gia tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu của Samsung bắt đầu từ tháng 5 và Nhà máy Formosa bắt đầu hoạt động và có sản lượng vào tháng 7. Diễn biến này đã tạo ra nền tảng tăng trưởng rất cao ở các quý sau trong năm 2017, dù quý I chỉ đạt mức rất thấp là 5,15%.

“Trong điều kiện giả định tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tương đối ổn định, những yếu tố mang tính bứt phá là chưa rõ ràng và không có các yếu tố đột biến diễn ra tương ứng cùng thời điểm như năm 2017, thì so với đặc điểm mô hình tăng trưởng theo quý và lũy kế của năm 2017, kết quả của năm 2018 có xu hướng giảm dần là tất yếu”, ông Mạnh nhận định.

Cũng theo ông Mạnh, một đặc điểm nổi bật khác của năm 2018 là tuy tăng trưởng diễn ra đồng đều ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, song động lực tăng trưởng chính, có khả năng tạo bứt phá cho năm 2018 nằm ở khu vực công nghiệp chế biến chế tạo. Đây trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

2 đặc điểm này sẽ dẫn tới sức nặng rất lớn đặt lên vai ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong khi đó, đối với các lĩnh vực khác, để đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng trong bối cảnh chưa có yếu tố tạo đột phá thì rất cần tìm kiếm động lực phát triển mới.

Đặc điểm diễn biến tăng trưởng các quý năm 2018 có xu hướng giảm dần, khác hẳn với mô hình truyền thống là tăng dần, trong đó tốc độ tăng quý I là cao nhất, đạt gần 7,4% - mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nên rất dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được, dẫn tới lơ là, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra. Đồng thời tâm lý kỳ vọng quá nhiều vào mô hình truyền thống, quý sau cao hơn quý trước dễ dẫn tới việc bị thất vọng, mất động lực và niềm tin vào việc triển khai các nhiệm vụ khi kết quả thực tiễn không như kỳ vọng.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực cũng như toàn bộ nền kinh tế được khuyến nghị cần tập trung kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng, tránh tâm lý hài lòng sớm, thất vọng sau dẫn tới những hệ lụy tiêu cực, tác động tới mục tiêu tăng trưởng.

Nhận thức về trách nhiệm là động lực kỳ vọng tạo đột phá tăng trưởng cho kinh tế năm 2018, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc Công ty Samsung Electronics Display nhấn mạnh, Công ty sẽ nỗ lực duy trì sản xuất và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu như năm 2017 là 7 - 8%. Doanh nghiệp này cũng sẽ không chậm lại tiến trình mở rộng đầu tư để tiếp tục mở rộng sản xuất.

Đại điện cho ngành công nghiệp có mức đóng góp lớn cho tăng trưởng và xuất khẩu, ông Trương Văn Cẩn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất cần đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành nhằm thực hiện mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 34 tỷ USD năm 2018.

“Chúng tôi mong muốn nhanh chóng giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp ngành dệt may liên quan tới vấn đề thuế phí hải quan; đánh thuế phế liệu phế phẩm; giảm kiểm tra kiểm định bông nhập khẩu để giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sớm tháo gỡ các nút thắt trong khâu dệt nhuộm để tăng năng lực cung ứng nguyên liệu cho sản xuất”, ông Cẩn kiến nghị.

Trong khi đó, đối với ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt 33 tỷ USD, trong đó riêng tôm đạt trên 10 tỷ USD, nỗ lực đẩy mức tăng xuất khẩu từ 10 - 12%, dù xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn gần đây.

Theo ông Nam, để thực hiện được mục tiêu này, rất cần Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cơ quan chức năng hỗ trợ truy quét tình trạng thu gom xuất lậu cá tiểu ngạch, xuất khẩu hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới hoạt động của toàn ngành. Đồng thời hỗ trợ đàm phán giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn dẫn tới tăng hàng rào nhập khẩu, áp thuế bán phá giá tại các thị trường lớn để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.   

Tại 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, kịch bản 1 tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức cao (6,7%), trong đó quý I GDP đạt mức tăng cao nhất 7,38%, quý II đạt 6,83%, quý III 6,61%, quý IV đạt 6,15%. Kịch bản 2 ở mức cao hơn với mức tăng trưởng cả năm đạt 6,8%, các quý từ II - IV tăng thêm 0,1 - 0,25%/quý, chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Tin bài liên quan