Không nằm ngoài những dự đoán, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga đã chính thức công bố tạm ngừng nhập khẩu cá tra, basa của các DN Việt Nam kể từ ngày 20/12/2008.
Lý do mà phía Nga đưa ra cho quyết định này hoàn toàn không mới, đó là sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam bị nhiễm vi sinh, lẫn tạp chất và lớp mạ băng dày hơn yêu cầu. Số lô hàng vi phạm chất lượng theo yêu cầu của năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, là 38 lô so với 16 lô.
Thị trường của cá tra, cá basa Việt Nam đang bị thu hẹp do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục bị co lại. Bất lợi rất lớn đang nghiêng về phía DN kinh doanh và cả những hộ nông dân nuôi cá tra, basa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cần phải nhắc lại rằng, ngay hồi đầu tháng 12, trong cuộc làm việc giữa các đại sứ Việt Nam ở các nước và đại diện một số hiệp hội, DN Việt Nam, ông Bùi Đình Dĩnh, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga đã lên tiếng yêu cầu các DN Việt Nam cẩn trọng và tôn trọng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga. Ngay tại buổi làm việc này, ông Dĩnh khẳng định, nhu cầu tiêu thụ hàng thuỷ sản Việt Nam của Nga rất lớn. Đang có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng thuỷ sản của Việt Nam sang Nga được chính các DN nhập khẩu phía bạn trực tiếp đưa ra. Mấu chốt cho sự thành công của các thương vụ này hoàn toàn nằm ở phía các DN Việt Nam với các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật mà phía bạn đã công khai.
"Nhiều DN Nga đã rất bức xúc khi trao đổi với tôi rằng, họ không muốn mất tiền để nhập băng đá về đất nước của băng đá. Tỷ lệ mạ băng của hàng thuỷ sản Việt Nam thường cao hơn yêu cầu gấp đôi. Như vậy, nhà nhập khẩu của Nga phải trả tiền cho phần băng đá dư thừa đó", ông Dĩnh nói và cho rằng, việc coi thị trường Nga là dễ tính đến mức không tôn trọng cam kết đang ảnh hưởng rất lớn tới uy tín hàng hoá Việt Nam tại thị trường truyền thống của DN Việt Nam.
Điều đáng nói, trong vòng vài năm trở lại đây, những quyết định tương tự đã được đưa ra khá nhiều từ phía các thị trường lớn của Việt Nam. Vào năm ngoái, Nga cũng đã có lúc phải ra quyết định cảnh cáo gạo của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản cũng buộc phải ngừng nhập khẩu tôm của Việt Nam khi dư lượng thuốc kháng sinh liên tục vượt ngưỡng…
Các chuyên gia đang cảnh báo bài học về chất lượng hàng hoá với nguồn gốc xuất xứ mà nước láng giềng Trung Quốc đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nguồn lực hạn chế, các thị trường nhập khẩu đang trong giai đoạn cơ cấu lại nguồn hàng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục cảnh báo DN Việt Nam về khả năng bị đẩy ra ngoài cuộc chơi do không tuân thủ luật trong giai đoạn cơ cấu này.
"Khi tâm lý tiêu dùng đang quyết định khá nhiều sự lựa chọn hàng hoá, thay vì giá cả, nguồn gốc xuất xứ, như trước kia, thì hàng kém chất lượng rất dễ bị tẩy chay. Song, cũng phải khẳng định rằng, nếu các DN Việt Nam lựa chọn hướng đi đúng, thì trong bối cảnh thị trường thế giới cơ cấu lại, nhiều nguồn gốc hàng tai tiếng sẽ bị thải loại lại là cơ hội cho những DN đi sau, trong đó có DN Việt Nam", ông Lộc phân tích.
Cái khó của DN Việt Nam hiện nay, theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế hội nhập quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) là thiếu công cụ chống "sốc", chống rủi ro. Mặc dù bài học về những vụ việc như cá tra, cá basa cũng như các vụ kiện chống bán phá giá đã dần quen thuộc với DN Việt Nam, song giải pháp, phương pháp để ứng phó, giải quyết tận gốc vấn đề lại không được nhiều DN lựa chọn. Thậm chí, có những DN không thực hiện bất kỳ một công cụ nào. Điều này trở nên rất rủi ro cho DN khi hàng loạt hàng rào kỹ thuật, thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm được nhiều thị trường ngày càng coi trọng.
Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan quản lý đầu mối chất lượng hàng hoá trước khi xuất khẩu cũng cần được xem xét lại. Khi Cục Quản lý chất lượng, nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqaved) để lọt hàng kém chất lượng đến mức một thị trường lớn của cá tra, basa đóng cửa thì cũng không thể không xem xét trách nhiệm liên đới.