Cẩn trọng với mối nguy Covid-19 dịp Tết Nguyên đán

0:00 / 0:00
0:00
Theo WHO hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể JN.1 của Covid-19 có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể trước đây và nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn được đánh giá ở mức độ thấp ở cấp độ toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp.

Ngày 2/2, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I năm 2024. Tại cuộc gặp mặt, PGS-TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế cho biết, hiện nay, tại một số khu vực trên thế giới đang trong mùa đông với thời tiết giá lạnh, gió mùa là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp lây lan;

Ngoài ra, số mắc Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ghi nhận gia tăng trong thời gian vừa qua và nhiều trường hợp phải nhập viện.

Với Covid-19, biến thể JN.1 đã phát hiện các trường hợp mắc tại Việt Nam; đây là biến thể thuộc nhóm cần quan tâm (VOI), theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của Omicron, đã gia tăng nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực thời gian gần đây.

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, biến thể JN.1 được đánh giá có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin cũng như né tránh miễn dịch, tuy nhiên theo WHO hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này có độc lực cao hơn, gây bệnh nặng hơn các biến thể trước đây và nguy cơ sức khỏe cộng đồng vẫn được đánh giá ở mức độ thấp ở cấp độ toàn cầu.

Vì vậy, WHO vẫn tiếp tục khuyến cáo triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 mũi tăng cường, mũi bổ sung ở các đối tượng nguy cơ cao như nhân viên y tế, trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

Bộ Y tế đã đề nghị các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gene phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh.

"Đồng thời, tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai…", ông Tâm nói.

Tại nước ta, thời tiết vẫn diễn biến bất thường, tại khu vực miền bắc đang là mùa giá lạnh, hanh khô, xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm sắp tới; nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp và trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác phòng, chống dịch mùa đông xuân và trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội đầu năm.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gene phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ mang thai...

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế khẩn trương tham mưu UBND các tỉnh, thành phố sớm ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bố trí kinh phí, huy động nguồn lực và tham mưu HĐND ban hành định mức chi các nội dung phạm vi lĩnh vực y tế dự phòng, phòng chống dịch để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch ngay từ đầu năm.

Về dịch Covid-19 theo chuyên gia, vắc-xin phòng Covid-19 vẫn là giải pháp quan trọng và cần thiết để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội.

Các nghiên cứu cũng như thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của vắc-xin trong việc làm giảm mức độ nặng của bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Các đối tượng chưa tiêm hay tiêm chưa đủ mũi, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao (bệnh nền, người lớn tuổi, phu nữ mang thai…) nên đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng.

Cũng về vắc-xin theo PGS-TS.Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kho của Viện đang bảo quản hơn 432.000 liều vắc-xin Covid-19 Pfizer, hạn sử dụng đến cuối tháng 9/2024. Đây là số vắc-xin Covid-19 dự trữ cho những vùng có ổ dịch hoặc có nguy cơ cao.

Cũng theo bà Hồng, hiện có gần 50.000 người đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19. Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo nhu cầu vắc-xin trong năm 2024 để có kế hoạch cung ứng, cập nhật hướng dẫn tiêm chủng cho các nhóm đối tượng theo khuyến cáo của WHO.

Để toàn dân được đón xuân vui tươi, mạnh khỏe, an toàn thì mỗi cá nhân cần tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế về việc tiêm vắc-xin đúng, đủ liều.

Khi có dấu hiệu hội chứng cúm (sốt, ho đau họng, đau nhức cơ khớp...), cần đến cơ sở y tế khám bệnh để được thầy thuốc chẩn đoán, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị hiệu quả. Hạn chế tiếp xúc nếu nghi nhiễm Covid-19, tránh tiếp xúc với người bị bệnh.

Ngoài ra, người dân cần đảm bảo thông khí nhà ở, đeo khẩu trang ở nơi đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng (hoặc dung dịch sát khuẩn khi cần). Các hành động này không chỉ phòng chống Covid-19, mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh hô hấp khác.

Tin bài liên quan