Nhập nhèm xuất xứ
Chợ Long Biên, một trong những chợ đầu mối lớn tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày nhập về hơn 300 tấn rau, củ, quả được vận chuyển về từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Tại thời điểm này, nông sản chủ đạo dội về chợ đầu mối Long Biên là khoai tây, cà rốt, bắp cải, gừng, tỏi, cà chua, chanh tươi…
Điều đáng chú ý là, số hàng này có xuất xứ ngoại, song sau khi được đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh tại Hà Nội, các địa phương lân cận, hệ thống nhà hàng, lại đều được gắn mác hàng sản xuất trong nước. Hàng triệu người dân trong nước đang tiêu thụ hàng trăm tấn rau củ quả có xuất xứ từ nước ngoài mỗi ngày.
Đại diện Ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt cũng vừa xác nhận, chỉ trong tháng 7/2014, đã có khoảng 100 tấn khoai tây ngoại được vận chuyển trực tiếp từ biên giới phía Bắc và từ TP.HCM về Lâm Đồng để “bôi đất đỏ Đà Lạt”, một tiểu xảo nhằm biến thành khoai tây xuất xứ Đà Lạt, rồi đem bán rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Cần phải nói thêm rằng, hiện tại không phải là chính vụ khoai tây ở trong nước, song khoai tây nhập khẩu gắn mác Việt Nam vẫn được bày bán tràn lan, với giá bán lẻ chỉ 13.000-15.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá khoai tây chính hiệu Đà Lạt có giá bán khoảng 15.000 đồng/kg tại vườn.
Tương tự, cà chua chính vụ trong nước bắt đầu từ vụ Thu Đông cho hết Đông Xuân, sang vụ Hè Thu thì vẫn có cà chua trái vụ, nhưng giá cao và mẫu mã không đẹp như chính vụ. Thế nhưng, cà chua ngoại nhập đang tràn ngập các chợ với giá bán lẻ 18.000-20.000 đồng/kg.
Chị Hoàng Vân, tiểu thương tại chợ Ngõ 105, Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, tại chợ đầu mối Long Biên, giá khoai tây dao động ở mức 8.000 - 10.000 đồng/kg, cà chua là 12.000 đồng/kg, cà rốt 10.000 đồng/kg, lấy về bán lẻ được tăng thêm từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg (tùy mặt hàng). “Khách hàng hầu như không có khả năng phân biệt đâu là hàng Việt hay có xuất xứ ngoại”, chị Vân nói.
Cảnh báo về chất lượng
Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NAFIQAD), năm 2013 có 280 tấn củ, quả nhập khẩu từ nước ngoài có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định đã được tiêu thụ tại Việt Nam. Nguy hại hơn, toàn bộ số hàng này đều được các tiểu thương mượn nhãn mác Việt.
Tình trạng nhiều loại nông sản nhập khẩu (chưa qua kiểm dịch, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép) đã được đẩy ra thị trường tiêu thụ đang là mối nguy hại lớn cho người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Diệu Linh, đại diện Cửa hàng Nông sản ngon, chuyên cung cấp nông sản sạch (224 - Hoàng Ngân, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, nhiều loại nông sản dù không phải là chính vụ trồng ở trong nước, nhưng được bày bán tràn lan với giá rẻ, hình thức bắt mắt. Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng lại không mấy để ý đến thực tế này.
Được biết, nếu là rau củ được trồng tại Đà Lạt, Ba Vì, Mộc Châu…, sản lượng thường có hạn, hình thức không bắt mắt và giá đắt gấp 2, 3 lần giá rau, củ nhập ngoại.
“Tại hệ thống các cửa hàng nông sản của Nông sản ngon tại Hà Nội, chúng tôi chỉ bán nông sản theo mùa. 100% hàng hóa đều được sản xuất tại các vùng chuyên canh rau củ quả có thế mạnh xung quanh Hà Nội”, bà Diệu Linh nói.
Thái độ dè chừng của một bộ phận người tiêu dùng với các loại nông sản nhập khẩu tạo điều kiện cho việc xuất hiện ngày một nhiều hơn của các cửa hàng, điểm bán nông sản sạch, như Nông sản ngon, Rau hữu cơ, Rau sạch Ánh Dương, Rau hữu cơ Tràng An… Tuy nhiên, số cửa hàng rau sạch nội địa dù có xuất hiện nhanh tới đâu vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu•tiêu dùng nông sản của người tiêu dùng.
Ngoài ra, với thói quen tiêu dùng của phần lớn người dân là mua bán tại các chợ dân sinh, chợ cóc nhỏ…, thì nông sản chưa qua kiểm dịch, nhập nhèm xuất xứ, chất lượng không đảm bảo đang có đất tốt để tiêu thụ.
Trong khi cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng nông sản dường như bất lực với việc kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu, thì người tiêu dùng dù có muốn bảo vệ mình tới đâu cũng khó, bởi hàng nông sản chưa rõ chất lượng vẫn bán ngập thị trường.
Với kinh nghiệm của nhà cung cấp hàng nông sản, bà Diệu Linh đại diện Nông sản ngon khuyến cáo, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng nông sản trái vụ; nên mua rau củ quả đúng mùa, sản phẩm không quá đẹp mã để gia tăng sự an toàn cho gia đình.