Thậm chí, không phải chỉ là cẩn trọng, mà phải theo dõi sát tình hình, đánh giá tác động để có giải pháp ứng phó kịp thời, nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dịu bớt, mà có xu hướng gia tăng.
Minh chứng là, ngay sau khi Mỹ tuyên bố tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ngày 13/5, phía Trung Quốc đã đáp trả bằng cách công bố áp thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngừng lên tiếng cảnh báo rằng, con số sẽ không dừng ở 200 tỷ USD, mà có thể bao gồm cả 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại chưa bị áp thuế trừng phạt.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 6/2019 bên lề Hội nghị G20, nhưng cũng chưa có gì chắc chắn về khả năng hai nước sẽ “đình chiến”.
Việc 11 vòng đàm phán trong suốt 1 năm qua không mang lại kết quả cụ thể không chỉ ảnh hưởng tới thương mại song phương, mà còn đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang, tất yếu cả Mỹ và Trung Quốc sẽ phải chịu “nỗi đau kinh tế”. Nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chỉ ra rằng, cuộc chiến thương mại này sẽ khiến kinh tế Mỹ và Trung Quốc giảm 0,5% tăng trưởng. Còn theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, không chỉ là Mỹ hay Trung Quốc, tổn hại mà cuộc chiến gây ra với kinh tế thế giới có thể lên tới 360 tỷ USD.
Nếu đúng như vậy, thì như vị chuyên gia của Công ty Nghiên cứu tài chính Oxford Economics nhận định sẽ “không có ai chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại, kể cả những nước không tham gia”.
Khi cả Mỹ và Trung đều là những bạn hàng lớn, là đối tác đầu tư quan trọng, rất có thể, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến này. Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng đã nhắc đến dòng đầu tư sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc để vào các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Nhưng hệ lụy cũng khôn lường, nhất là với một nền kinh tế có độ mở rất cao, hiện phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, cũng như nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào sản xuất như Việt Nam. Một khi kinh tế thế giới suy giảm do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại, thì cũng sẽ ảnh hưởng tới tổng thể kinh tế Việt Nam, tới thị trường xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam đang tham gia. Thêm vào đó, cuộc chiến này còn có thể dẫn tới những rủi ro về tỷ giá, do những biến động của đồng Nhân dân tệ, cũng như đồng USD. Rủi ro tỷ giá gia tăng tất yếu sẽ ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô của Việt Nam và đến xuất nhập khẩu.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nếu xem là cơ hội, thì cần có giải pháp để tận dụng cơ hội. Nhưng xét về tổng thể và lâu dài, hệ lụy mới là điều cần tính tới, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Càng cần phải quan tâm hơn cuộc chiến này khi Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ không sớm chấm dứt, bởi nhiều quan điểm khẳng định, đây không chỉ là cuộc chiến thương mại nhằm khẳng định vai trò bá chủ của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. Bối cảnh đó sẽ đặt ra không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nếu muốn tăng tốc, bứt phá trong giai đoạn sau.