Giá nào cũng có
Hiện nay, trên thị trường có các chủng loại camera an ninh thuộc nhiều thương hiệu khác nhau như Vantech (Việt Nam), Questek, Avtech, Vivotek (Đài Bắc, Trung Hoa), Kbvision (Mỹ), Hikvision, Dahua, Xiaomi (Trung Quốc)... và điều đáng nói là giá nào cũng có, đặc biệt tại các khu chợ trời hoặc các cửa hàng nhỏ lẻ.
Trong vai khách hàng có nhu cầu tìm mua thiết bị camera an ninh cho gia đình, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản ghé vào một số cửa hàng bán thiết bị camera quan sát trên địa bàn quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp (TP.HCM), thì đều được tư vấn khác nhau.
Cụ thể, tại cửa hàng Thiện Tâm trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, phóng viên được chủ cửa hàng giới thiệu cho những loại camera mang thương hiệu Xtech và Xiaomi với giá từ 400.000 - 600.000 đồng/sản phẩm.
Tương tự, tại một cửa hàng khác trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, phóng viên được tư vấn, nếu muốn loại giá tầm vừa thì nên mua loại của Dahua, nếu tốt hơn thì chọn hãng HikVision.
Theo bảng báo giá từ cửa hàng này, một sản phẩm của Dahua có giá khoảng từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng. Còn đối với những sản phẩm của thương hiệu HikVision dao động từ 1 - 5 triệu đồng/sản phẩm.
“Nếu anh chỉ lắp trong nhà, không bị ảnh hưởng thời tiết và không có nhu cầu lưu trữ thông tin cao, thì nên dùng loại không dây (IP), giá chỉ 300.000 đồng, nhưng rất tiện và dễ sử dụng, không mất tiền lắp đặt”, anh Cường, chủ cửa hàng này nói.
Có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng này, anh Cường cho biết thêm, mỗi sản phẩm có một đặc điểm khác nhau. Chẳng hạn, camera có dây thì độ phân giải được tíng bằng đơn vị TVL (tv lines - chỉ số TVL càng lớn, thì camera càng nét), còn những camera không dây thường tính độ phân giải bằng megapixel. Chưa kể, mỗi một hãng sẽ sử dụng một công nghệ để xử lý trong thiết bị khác nhau và cũng “tiền nào của nấy” như các mặt hàng khác.
Khách hàng nên cẩn trọng
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến cuối năm 2017, trong hơn 316.000 camera giám sát tại Việt Nam, có khoảng 147.000 camera đã được kết nối công khai trên mạng, tồn tại lỗ hổng bảo mật. Còn số liệu từ Ban điều hành Diễn đàn an ninh mạng thuộc Tập đoàn BKAV cho biết, 76% camera an ninh tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng và có nguy cơ bị khai thác.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng Ban điều hành Diễn đàn an ninh mạng BKAV cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc này là xuất phát từ những thiết bị rẻ tiền, tồn tại lỗ hổng bảo mật. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác, như thiết lập không đúng cách, sử dụng những tài khoản và mật khẩu mặc định..., đặc biệt là đội ngũ lắp đặt không trung thực, cố tình lưu lại tài khoản và mật khẩu của khách hàng.
“Nhiều người do quá bận nên khi gọi dịch vụ lắp đặt thường phó mặc cho thợ tự cài đặt, rồi sau đó chỉ việc yêu cầu kỹ thuật cung cấp tài khoản và mật khẩu để truy cập vào hệ thống camera. Như vậy, bên cạnh việc cung cấp thông tin cho khách hàng, nhân viên kỹ thuật cũng lưu lại những tài khoản đó để có thể truy cập từ xa”, anh Cường nói.
Khi camera an ninh bị kẻ xấu xâm nhập, đầu tiên là những hình ảnh riêng tư bị khai thác. Nguy hiểm hơn, kẻ xấu cũng có thể kiểm soát được mọi hoạt động của gia đình, biết được những vị trí quan trọng, nơi cất giữ tài sản, rồi lên kế hoạch cho việc đột nhập một cách dễ dàng. Còn đối với những công ty, tập đoàn lớn, thì những bí mật hay thông tin quan trọng cũng sẽ bị lộ.
“Về nguyên tắc, thiết bị nào cũng có nguy cơ bị khai thác, nhưng đối với những thiết bị có khả năng ghi âm, ghi hình, khách hàng dễ bị lộ thông tin riêng tư hơn. Ngoài camera an ninh, còn những thiết bị như tivi thông minh cũng có khả năng ghi âm, hay loa thông minh hiện nay cũng là một trong những mối nguy cơ”, anh Cường nói.
Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng “gậy ông đập lưng ông”, người tiêu dùng phải nên chọn những thiết bị có nhãn mác rõ ràng từ các thương hiệu uy tín. Đồng thời, người dùng cũng nên bỏ thói quen xấu là sử dụng tài khoản mặc định do nhà sản xuất cung cấp hay dùng một mật khẩu cho nhiều loại tài khoản khác nhau. Ngoài ra, phải thường xuyên cập nhật những bản nâng cấp của nhà sản xuất để tránh bị kẻ xấu khai thác.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com