Đến hẹn lại lên, các ngân hàng đồng loạt đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất dịp cận Tết

Đến hẹn lại lên, các ngân hàng đồng loạt đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất dịp cận Tết

Cẩn trọng vay vốn ưu đãi cuối năm

(ĐTCK) Đón đầu nhu cầu vốn gia tăng trong tháng cuối năm, các ngân hàng gần đây liên tục tung ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Tuy nhiên, khách hàng cần chú ý đến thời hạn ưu đãi, bởi hầu hết ngân hàng chỉ áp dụng mức lãi suất thấp trong thời gian đầu.

Ngân hàng đua ưu đãi dịp cận Tết

Chương trình “vay lãi suất ưu đãi chỉ từ 6.99% cùng Maritime Bank” theo đại diện ngân hàng này là để hỗ trợ và chia sẻ với những khó khăn về tài chính của khách hàng đang có nhu cầu mua nhà, mua xe hay kinh doanh dịp cuối năm.

Theo đó, khách hàng có thể vay vốn tại Maritime Bank với thời gian tối đa lên đến 25 năm, cùng hạn mức vay lên đến 70% giá trị tài sản thế chấp thông qua 1 trong 3 gói lãi suất ưu đãi.

Dù vậy, mức lãi suất ưu đãi nhất là 6,99%/năm cũng chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu với các khoản vay từ 24 tháng trở lên, mức 7,99% áp dụng trong 12 tháng đầu đối với khoản vay từ 36 tháng trở lên, còn mức 8,99% là trong 18 tháng đầu áp dụng cho khoản vay từ 48 tháng trở lên.

Lãi suất cho vay ra khó có thể giảm sâu khi chi phí đầu vào vẫn cao

- Ông Nguyễn Đình Tùng,
Tổng giám đốc OCB.

Tại OCB có gói “vay nhanh giá rẻ” với các ưu đãi như lãi suất vay chỉ từ 5,99%/năm, giải ngân nhanh trong vòng 2 giờ, giá trị vay lên đến 100% nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng chỉ được OCB duy trì trong 3 tháng đầu tiên, sau đó sẽ lấy lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng thêm biên độ từ 3-3,5%/năm, tương đương mức tổng lãi suất khoảng 10-11,5%/năm.

TPBank đưa ra chương trình cho vay với lãi suất chỉ từ 7,2%/năm, cố định trong 6 tháng đầu. Hay mới đây, tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Sacombank tổ chức, ngân hàng này tiếp tục dành nguồn vốn ưu đãi 3.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,9%/năm đối với vay ngắn hạn, từ 9%/năm đối với vay trung-dài hạn nhằm hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp chuyển đổi, hộ kinh doanh, tiểu thương trên địa bàn TP.HCM.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tiểu thương trên địa bàn Thành phố, Sacombank đã dành nhiều nguồn vốn ưu đãi để kịp thời hỗ trợ khách hàng và đến thời điểm này, số vốn hỗ trợ nguồn đã lên đến 15.300 tỷ đồng.

“Bên cạnh đó, Sacombank còn triển khai thêm 9 gói cho vay ưu đãi khác trị giá gần 14.000 tỷ đồng để phục vụ tiêu dùng, bình ổn thị trường, phát triển nông nghiệp, hỗ trợ vốn sản xuất-kinh doanh… với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,2%/năm. Dù vậy, mức lãi suất này chỉ áp dụng trong thời gian ngắn từ 3-6 tháng và chỉ tập trung cho vốn vay ngắn hạn”, bà Chi cho hay.

Thận trọng với “bẫy” lãi suất

Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng thời gian qua đã tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm so với lãi suất ngắn hạn thông thường từ 7-8%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung-dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống khoảng 8%/năm từ mức phổ biến 9-10,5%/năm.

“Dù vậy, trên thực tế, người cần vốn vẫn phải trả lãi cao, bởi việc giảm lãi suất chỉ được áp dụng trong một thời gian nhất định. Đó là chưa kể không phải khách hàng nào cũng được ưu tiên”, vị lãnh đạo này nói.

Đồng tình với đánh giá trên, TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu vốn của khách hàng tăng, nhưng do chi phí huy động vốn đầu vào chưa giảm, nên ngân hàng cũng khó có thể cắt giảm được lãi suất đầu ra, kể cả khi chủ trương giảm lãi suất được nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nhận định, tín dụng của hệ thống ngân hàng tiếp tục được cải thiện trong những tháng trước Tết Nguyên Đán. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng, theo đánh giá của ông Tùng, hiện khá dồi dào.

“Dù vậy, do các ngân hàng sắp tới phải đáp ứng các chuẩn mới theo quy định của Basel II, nên luôn phải tăng huy động. Vì thế, lãi suất cho vay ra khó có thể giảm sâu khi chi phí đầu vào vẫn cao”, ông Tùng nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, lãi suất hiện vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp trong tiếp cận ngân hàng và sử dụng vốn vay. Theo ông Hiếu, ngân hàng thậm chí đang phải “đỏ mắt” tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay lãi suất rẻ, thậm chí còn thấp hơn cả lãi suất huy động, nhưng đa phần khách hàng thuộc nhóm này lại chưa có nhu cầu sử dụng nhiều vốn vay lúc này.

Để tránh rủi ro và lãi suất vay cao trong những tháng cận Tết, các chuyên gia tài chính khuyến nghị, các khách hàng, nhất là với cá nhân, nên thận trọng xem xét các gói tín dụng ưu đãi được đưa ra từ ngân hàng, đặc biệt là các chương trình ưu đãi lãi suất 0%, bởi đổi lại khách hàng phải trả các khoản phụ phí khá cao khác, nên không cẩn trọng người vay dễ bị “sập bẫy” lãi suất.

Tin bài liên quan