Sau khi chạm ngưỡng 22.780 đồng/USD, tỷ giá tiếp tục nhích lên khiến cho nhiều người đứng ngồi không yên, vì cho rằng, đã không kịp tay nắm ngoại tệ trước đó, nhằm đón đầu xu hướng tăng của “đồng bạc xanh” cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và tỷ giá tiền đồng khó tránh áp lực điều chỉnh thêm.
Thế nhưng, theo nhìn nhận của các nhà phân tích tài chính, “lướt sóng” tỷ giá trong lúc này cũng không kém phần rủi ro và việc giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn USD, khi lãi suất huy động ngoại tệ đã được kéo về 0%/năm.
Diễn biến tỷ giá cuối tuần qua cho thấy, mức giá giao dịch được các ngân hàng niêm yết vẫn kịch trần biên độ cho phép so với tỷ giá trung tâm (22.780 đồng/USD). Vietcombank và Eximbank niêm yết tỷ giá ở mức 22.680 – 22.780 đồng/USD (mua-bán). Tại ACB, giá bán ra được niêm yết thấp hơn 10 đồng/USD so với 2 nhà băng trên…
"Tỷ giá được dự báo sẽ tăng thêm, nhưng chắc chắn sẽ ở biên độ rất nhỏ vì nguồn cung ngoại tệ tại Việt Nam đang rất tốt, thế nên bài toán kiếm lời từ việc mua vào ngoại tệ không khả thi"
- TS. Cấn Văn Lực.
Sức nóng của tỷ giá trong hơn 1 tuần qua khiến không ít cá nhân và cả nhà đầu tư tiếc rẻ, vì cho rằng, đã không nhanh tay “gom” ngoại tệ. Đặc biệt là trước đó, khá nhiều dự báo tỷ giá sẽ tăng bởi việc Fed tăng lãi suất vào tháng 12 tới là gần như chắc chắn.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù không đề cập đến thời điểm tăng lãi suất, những tuyên bố trên của Chủ tịch Fed đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc cơ quan này sẽ thực hiện động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay. Hiện tỷ lệ nhà đầu tư dự đoán khả năng Fed tăng lãi suất tại kỳ họp diễn ra vào ngày 15/12 đã lên đến khoảng 95%.
Với việc Fed tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào giữa tháng 12 tới gần như đã được định đoạt, các nhà đầu tư thậm chí còn đánh giá sâu hơn về triển vọng lãi suất “đồng bạc xanh” vào năm tới. Khả năng Fed còn tăng thêm lãi suất trước tháng 6/2017 cũng hiện đã lên đến 50%.
Không nên vội vã mua ngoại tệ
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng đưa ra nhận định, xác xuất tăng lãi suất của Fed là rất cao và một khi điều đó xảy ra không chỉ tác động đến tỷ giá, mà có cả thị trường chứng khoán.
“Tuy nhiên, chạy theo ‘bước sóng’ tỷ giá lúc này được các nhà phân tích cho là khá rủi ro”, ông Khánh cho biết.
Tỷ giá được dự báo sẽ có áp lực khi Fed tăng lãi suất, cho dù mức độ tác động được cho là không quá lớn, vì biên độ tăng lãi suất lần này của Fed có thể chỉ bằng năm đợt tăng lãi suất lần trước, tức là cộng thêm mức 0,25%/năm. Tuy nhiên, trước sức nóng của “đồng bạc xanh” trước và sau khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá tiền đồng được đánh giá sẽ còn áp lực, nhất là khi nhu cầu thanh khoản ngoại tệ của doanh nghiệp tăng trong dịp cuối năm.
Thực tế ghi nhận trên thị trường, những người đang nắm ngoại tệ cũng không vội bán ra, nhưng cũng có những người đã mua thêm ngoại tệ bởi kỳ vọng tỷ giá còn tăng thêm.
Câu hỏi hiện tại là hành động đầu tư vào ngoại tệ lúc này liệu có lợi?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, quan điểm điều hành tỷ giá năm nay đã được NHNN đưa ra là ổn định và thực tế, điều này đã diễn ra trong suốt gần 1 năm qua. Vì thế, với việc tỷ giá tăng hơn 1% trong tuần vừa qua, theo TS. Lực, cũng là điều phù hợp với chủ trương trên.
“Vấn đề ở chỗ, tỷ giá được dự báo sẽ tăng thêm, nhưng chắc chắn sẽ ở biên độ rất nhỏ vì nguồn cung ngoại tệ tại Việt Nam đang rất tốt, thế nên bài toán kiếm lời từ việc mua vào ngoại tệ không khả thi”, TS. Lực cho biết.
Hiện nếu nắm giữ tiết kiệm bằng VND, người dân đang được hưởng mức lãi suất cao nhất 7%/năm (kỳ hạn 6 tháng) và 7,5-7,8%/năm cho kỳ hạn 12-15 tháng. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, lãi suất chỉ là 0%/năm. Với mức chênh lệch lãi suất được hưởng tới 7%/năm, rõ ràng, việc tăng giá của ngoại tệ là không thể bù đắp.
Theo đánh giá được đưa ra từ TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, khi Fed tăng lãi suất, đồng USD sẽ mạnh lên với hầu hết các ngoại tệ khác, trong đó có tiền đồng. Nhưng áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ không quá lớn vì kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, giá trị VND cũng được nâng lên, cung cầu ngoại tệ không căng thẳng…
Cũng theo TS. Thành, đầu năm nay, có nhiều dự báo đưa ra rằng, năm 2016 tỷ giá có thể tăng thêm mức 5%, nhưng thực tế cho thấy, tỷ giá mới chỉ tăng 1% đến thời điểm này.
“Với diễn biến thị trường trong năm nay, mức điều chỉnh trên dưới 2% là chấp nhận được. Điều quan trọng ở đây là vẫn phải gắn với niềm tin của thị trường, ổn định tâm lý”, TS. Thành nói.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc chạy theo đồng USD lúc này là không có lợi, thậm chí còn có thể thua lỗ khi tỷ giá đảo chiều.
Mặc dù tỷ giá liên tục có sóng trong những ngày qua và tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng liên tiếp với mức tăng 12 đồng/USD, đưa tỷ giá trung tâm trong ngày 21/11 lên cao nhất từ đầu năm 2016 đến nay khi chạm mức 22.137 đồng/USD, nhưng trong thông cáo phát đi tuần trước của NHNN đã cho biết, đây là điều hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường, kể cả việc NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường.