Cẩn trọng thanh khoản thấp dễ có những tín hiệu “giả”

Cẩn trọng thanh khoản thấp dễ có những tín hiệu “giả”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ở những lúc thanh khoản thấp, dân trader chuyên nghiệp không có gì để làm, lâu lâu họ tạo ra “bĩ cực” đó để anh em chứng sĩ ùa theo 1 chiều.

Vấn đề thanh khoản thị trường đang khô kiệt được nhiều nhà đầu tư đặt ra cho các chuyên gia của chương trình Bí mật đồng tiền số 61.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, trưởng ban đào tạo và phát triển SSI Research cho rằng, với thị trường chứng khoán, đây là yếu tố quan trọng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi phân tích về ngành chứng khoán thì xem đây là volume game – trò chơi về khối lượng, khi nào voloume lớn thì kết quả kinh doanh CTCK tốt, ngược lại, voloume giảm thì kết quả xấu hơn. Còn ở thời điểm này, cũng đang rơi vào vùng trũng thông tin (tốt hay xấu thì đều có thể tạo ra volume lớn hơn), chờ thêm kết quả kinh doanh quý 1 và mùa ĐHCĐ thì có thể sôi động hơn.

Về góc độ kỹ thuật, ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập Finpeace chia sẻ thêm, có 2 game lớn trên thế giới, game đối kháng và game “khám phá”. Trong chứng khoán thường hay gọi là “game” vì bản chất cung cầu chứng khoán rất hay, và phân tích kỹ thuật sinh ra là để “xem game đó”, như xem bảng biểu hiện tỷ số. Nhiều người rất quan tâm giá – thường là nhà đầu tư mới với quan điểm rất quan tâm việc thắng – thua; còn những người “làm nghề” thì quan tâm hơn tới volume vì đây mới thực sự cho thấy các tay chơi lớn đang đi như thế nào.

"Chẳng hạn, 1 trader chuyên nghiệp đi lệnh rất hung hăng, vào cổ phiếu tăng trưởng chẳng hạn, nhưng hoá ra họ chỉ giải ngân 1% NAV, còn 99%NAV đang cầm tiền mặt, thì rõ ràng nếu nhà đầu tư bắt chước theo thì rất vô nghĩa, vì rõ ràng người ta chỉ mới đang dò đường", ông Tuấn Anh nói.

Vậy khi thanh khoản thấp thì thường rất dễ đưa ra tín hiệu “giả” cho những nhà đầu tư thích đánh theo dấu chân người khổng lồ, tức rất dễ bị lừa cả hai đầu bull và bear trap. Lý do khác, theo ông Tuấn Anh, ở những lúc thanh khoản thấp, dân trader chuyên nghiệp không có gì để làm, lâu lâu họ tạo ra “bĩ cực” đó để anh em chứng sĩ ùa theo 1 chiều.

Lấy ví dụ đơn giản là khi ai cũng đưa nhận định tích cực thì ngay hôm sau có phiên phủ nhận lập tức. Tại sao? Vì rõ ràng họ thấy đám đông ùa theo 1 chiều và họ sẵn sàng đánh theo chiều ngược lại, và chỉ xảy ra trong 1 nửa phiên giao dịch. Theo đó, nhà đầu tư phải rất cẩn thận khi thị trường có thanh khoản thấp.

Giải thích hiện tượng dòng penny đang hút dòng tiền vào, ông Tuấn Anh cho rằng, thanh khoản thấp điều này càng rõ ràng. Nhiều nhà đầu tư đầu tư chứng khoán một thời gian đủ dài, họ có xu hướng suy nghĩ số tiền của mình đủ tác động lên giá – cảm giác này rất đơn thuần và cũng rất khó chịu, bởi rõ ràng cảm giác chỉ cần 1 lệnh có thể tác động lên giá, nhưng nếu ra hàng thì 1 lệnh cũng có thể làm vỡ hỗ trợ chẳng hạn, cũng tác động lên giá.

"Vậy quay lại với những nhà đầu tư có quy mô NAV nhỏ hơn, thì họ thu về những câu chuyện nhỏ hơn (như đầu tư công), mà họ nghĩ họ điều tiết được. Đấy là họ nghĩ. Nhưng cần nhớ, thị trường sẽ quyết định tất cả, mình không thể cố gắng đi ngược dòng, cố gắng đưa một cổ phiếu đi ngược diễn biến chung", ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Kinh nghiệm từng làm tự doanh của ông Tuấn Anh là nếu nhìn thấy thanh khoản một cổ phiếu mà khô kiệt đến mức ảnh hưởng đến 1/3 số lượng hàng đang cầm, hoặc 1/4 thôi thì đấy chính là “nguy hiểm đến nơi rồi” và phải tìm cách hạ tỷ trọng ngay.

Liên quan đến cơ hội đầu tư, nhóm đầu tư công liệu có còn dư địa dẫn sóng ngắn hạn được đặt ra, ông Tuấn Anh chia sẻ, cứ mỗi khi thị trường hết câu chuyện thì nhà đầu tư lấy đầu tư công ra để kỳ vọng. Quan điểm của ông Tuấn Anh là phải xác định sẽ chọn nhóm cổ phiếu tấn công hay phòng thủ, và đầu tư công thuộc là công hay thủ.

“Tôi mong chờ ở những giai đoạn tăng trưởng, rất thích format là “lúc thị trường tăng trưởng mạnh và đánh dòng mạnh nhất”, không đi dòng nước ngược”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Về đầu tư công, theo góc nhìn rất gần thị trường của ông Tuấn Anh, đây chỉ là một câu chuyện có số lượng tiền rất nhỏ tham gia vào dòng này, dù rằng cũng đã có vài chuỗi những pha tăng vừa qua nhưng để tiếp diễn tiếp thì chưa chắc, chưa lan toả. Các dòng lớn thì nhóm này vẫn chưa ảnh hưởng được, như tài chính ngân hàng thì không phản ứng gì.

Với ngành điện thì điện khí, điện than hay thủy điện Việt Nam liệu có lợi hơn khi Việt Nam và cả trên thế giới đang điện khí hoá mạnh. Quan điểm của ông Hưng cho rằng, bối cảnh Việt Nam hiện nay trong dài hạn thì năng lượng tái tạo sẽ có tiềm năng, còn nói chuyện đầu tư thì trong ngắn hạn có một số vấn đề với ngành điện, chẳng hạn số sản xuất của Việt Nam trong 2 tháng hơi kém, số 2 tháng ngành điện cũng giảm 5% cho 2 tháng đầu năm. Tức có áp lực nhất định đến kết quả kinh doanh trong quý 1 cho ngành điện. Kể cả như thuỷ điện thì phần huy động cũng đang kém.

Chủ đề vĩ mô cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm là chỉ số CPI tăng 0,45% so với tháng 1, tăng 4,31% so với cùng kỳ, con số này có tín hiệu gì cần chú ý và tác động tới thị trường chứng khoán? Ông Tuấn Anh nhấn mạnh lại phương pháp đầu tư sẽ có góc nhìn lớn cả năm, trong đó nhìn nhận nửa đầu năm 2023 sẽ không tích cực lắm, nhưng rất tích cực vào cuối năm. Với góc nhìn này, các diễn biến giai đoạn từ đầu năm đến nay, có vẻ vẫn đang đi theo những gì đã dự báo.

Còn theo ông Hưng, con số lạm phát lõi vẫn cao, hơn 5% cho 2 tháng là cao hơn nhiều so với bình thường, cần suy nghĩ thấu đáo. Mọi người thường nghĩ rằng số cao thì kiểu gì cũng giảm. Tuy nhiên, số liệu trên thế giới, như lạm phát Mỹ cũng không thể từ mức cao mà lao thẳng xuống được mà có thể kéo trong cả quý II. Như vậy, Việt Nam còn đối đầu với các thứ tăng giá mà chưa công bố hiện nay như giá điện, tăng lương chưa xảy ra, tăng giá dịch vụ y tế… tức là áp lực còn nhiều. Việc hạ nhiệt một chút trong tháng 2 là do năm ngoái lệch về tháng tết, đến tháng 3 không thể đảm bảo mọi thứ quay đầu giảm.

Theo ông Hưng, dẫn đầu mức tăng là nhóm giao thông, nhà ở, vật liệu xây dựng, những nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu này cần chú ý gì không khi giá các nhóm hàng này tăng, hay diễn biến này là đến hạn lại lên. Cái cần nhìn ở CPI, giống như trên thế giới, là giá thuê nhà đang tăng – chiếm tỷ lệ lớn trong lạm phát lõi.

Tin bài liên quan