Chịu tác động từ bên ngoài
Những lời đe dọa thuế quan có tính rủi ro cao của Tổng thống Trump, kết hợp các cuộc đàm phán vào phút chót với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ đang trở thành “bình thường”. Trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát của Mỹ tăng trở lại, do giá hàng hóa, dịch vụ chịu tác động của việc tăng thuế nhập khẩu, USD là đối tượng hưởng lợi chính.
UOB dự báo chỉ số USD-Index (DXY) sẽ tăng lên mức 112,6 điểm trong quý II/2025. Dự báo của UOB về một đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay hiện đang trái ngược rõ rệt với mức dự kiến cắt giảm 75 điểm cơ bản từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), 100 điểm cơ bản từ Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) và 125 điểm cơ bản từ Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) trong thời gian còn lại của năm 2025. Sự chênh lệch lãi suất ngày càng mở rộng này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy USD tăng giá so với các đồng tiền chính khác
UOB cũng đánh giá triển vọng tỷ giá USD/VND đứng trước những bất định. Tỷ giá đã có một khoảng thời gian tạm lắng trong tháng 1/2025, khi Tổng thống Trump không áp dụng thuế ngay từ ngày đầu tiên đối với Trung Quốc. Điều này đã khiến tỷ giá USD/VND rút khỏi mức cao kỷ lục gần 25.500, giảm xuống khoảng 25.100 trong suốt tháng 1. Tuy nhiên, sự bình ổn này nhanh chóng bị phá vỡ sau khi ông Trump công bố thuế đối với Mexico, Canada và Trung Quốc vào đầu tháng 2, khiến tỷ giá USD/VND tăng lên khoảng 25.300. Với lập trường thận trọng hơn của Fed về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025, cùng với những bất ổn từ thuế quan và Trung Quốc, USD/VND được dự báo có khả năng duy trì xu hướng tăng.
Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phát sinh Ngân hàng Shinhan Việt Nam kỳ vọng, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vững chắc như cán cân thanh toán ổn định, dòng vốn FDI tích cực cộng với việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến USD khó tăng cao... là yếu tố làm giảm áp lực lên VND. Song mức độ giảm có thể bị hạn chế, phụ thuộc vào khả năng phục hồi của các nền kinh tế ngoài Mỹ như châu Âu, Trung Quốc…
Các chuyên gia phân tích của HSBC Việt Nam nhận định, tỷ giá USD/VND năm nay tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, chẳng hạn, lạm phát Mỹ có giảm xuống mức mục tiêu như kỳ vọng của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới hay không. Việc Fed chưa vội cắt giảm lãi suất, những chính sách của chính quyền mới của Mỹ, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và xung đột địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới…, nhất là chính sách thuế quan của Mỹ có thể khiến đồng USD tăng giá, tạo thêm áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Khó dự báo
Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong bối cảnh rủi ro toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới phân tích nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực hiện nhiều điều chỉnh lớn với tỷ giá và lãi suất nhằm duy trì trạng thái cân bằng vĩ mô. Tỷ giá hiện là một vấn đề cần cân nhắc khác đối với Ngân hàng Nhà nước và nhiều khả năng cơ quan này sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách để chống lại áp lực mất giá đối với đồng nội tệ.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tỷ giá USD/VND sẽ biến động trong khoảng 3% trong năm 2025, đồng thời kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đi ngang và lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp.
Theo đánh giá từ nhóm phân tích, xu hướng chính của các ngân hàng trung ương trên thế giới là hạ lãi suất và kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khả quan, do đó, nhiều khả năng Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất. Những yếu tố này giúp đồng USD gia tăng sức mạnh so với các đồng tiền khác. Ngoài ra, các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.
Dù vậy, VCBS cho rằng, thị trường ngoại hối năm 2025 có thể ghi nhận những yếu tố tích cực nhờ vào xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho dòng tiền đầu tư vào những quốc gia có nền kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, kiều hối kỳ vọng được duy trì, khi ba năm gần đây đều trên ngưỡng 13 tỷ USD; cán cân thương mại dự báo tiếp tục thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi. Trước áp lực tỷ giá, nhà quản lý với bộ máy nhân sự đã ổn định, có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ cũng như chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.
Song với sự không chắc chắn trong tương lai về chu kỳ điều chỉnh lãi suất chính sách của Fed và căng thẳng địa chính trị/thương mại sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức, UOB kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách của mình trong thời điểm hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được giữ ở mức 4,5%/năm. Bởi thị trường đã điều chỉnh lại dự báo với ít đợt cắt giảm lãi suất của Fed hơn trong nhiệm kỳ Trump 2.0, có nghĩa là sức mạnh của đồng USD sẽ tiếp tục được hỗ trợ, tăng giá. VND có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Trump và xu hướng của đồng Nhân dân tệ. Với những bất lợi bên ngoài khó có thể biến mất trong thời gian ngắn, VND có khả năng sẽ tiếp tục giảm so với USD.
UOB dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 25.600 trong quý I/2025, 25.800 quý II/2025, 26.000 quý III/2025 và 25.800 quý VI/2025.
HSBC cũng cho rằng, tỷ giá vẫn tiếp tục biến động khó lường, không thể đưa ra kịch bản rõ nét trong thời gian tới. Để đạt các mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất điều hành ở mức 4,5%/năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mới đây cho hay, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ. Trước đó, trong năm 2024, tỷ giá USD/VND đã có nhiều biến động, với 2 lần tăng mạnh buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp. Còn với lãi suất, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bởi nếu giảm lãi suất quá sâu sẽ làm tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.