Doanh nghiệp thua lỗ, cổ phiếu vẫn tăng bằng lần
Không khó để điểm danh những cổ phiếu tăng giá bằng lần trong gần 2 tháng qua, CEO, RGC, NOS, PVH, JOS, HAF, PPI, VHG… Trong đó, CEO đã có mức tăng 252% tính từ đầu tháng 10 đến 25/11 – mức tăng mà trước đó ít ai có thể nghĩ đến với tình cảnh ngành bất động sản khó khăn, còn CEO thì chìm trong thua lỗ từ nhiều quý nay.
Đà tăng của CEO đến từ kỳ vọng sau khi “tái hoạt động” sau thời gian giãn cách, các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có CEO nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bán hàng ở các dự án.
Các nhà đầu tư mong chờ sự bứt phá lợi nhuận của CEO trong tương lai khi dự án nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đón khách trở lại, kế hoạch mở bán dự án 20 ha ở TP. Mê Linh, dự án sắp mở bán 83,5 ha ở TP. Rạch Giá, Kiên Giang, hay dự án “khủng” Phú Quốc gần 400 ha đã hoàn tất thi công chờ đón khách và bán shophouse.
Giá cổ phiếu CEO sẽ không vô lý nếu khả năng bán hàng ở các dự án trên thuận lợi, mang về dòng tiền và lợi nhuận tốt cho Công ty. Nhưng ngược lại, đặt trong bối cảnh vừa trải qua thời gian giãn cách, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được giới chuyên gia đánh giá chưa thể phục hồi ngay, đồng nghĩa việc bán hàng và triển khai dự án vẫn có thể tiếp tục không như kế hoạch.
Thị trường chứng khoán là thị trường của kỳ vọng, những nhà đầu tư mua cổ phiếu CEO ở vùng giá 10.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu đang có hiệu suất sinh lời đáng mơ ước, và vị thế đầu tư cũng rất tốt. Nhưng kỳ vọng cần có cơ sở, nên những nhà đầu tư đến sau nếu không hiểu thấu đáo doanh nghiệp, chạy theo những thông tin trên mạng xã hội, rồi cũng kỳ vọng quá đà để đua theo giá cổ phiếu cao ngất ngưởng là tự tăng rủi ro cho chính mình.
Khá khẩm hơn khi đang có lãi, cổ phiếu LDG tăng 113% từ 1/10/2021 so với vùng giá đỉnh 15.400 đồng/cổ phiếu (15/11) và tăng 73% tính đến cuối tuần trước. Diễn biến cổ phiếu LDG tăng thẳng đứng và vài phiên tuần trước khi thị trường có những phiên giảm sâu đối với hàng tăng nóng, hàng đầu cơ, LDG cũng có hiện tượng trần, sàn ngay trong phiên. Cùng diễn biến đó, Chủ tịch đăng ký bán ra 3 triệu cổ phiếu, 2 phó tổng cũng đăng ký thoái vốn.
Với LDG, giới đầu tư chia thành hai nhóm kỳ vọng: Thứ nhất là câu chuyện có cuộc M&A âm thầm ở doanh nghiệp này - thông tin này chưa được xác thực. Thứ hai là xu hướng của cổ phiếu bất động sản thời gian qua, ước tính quỹ đất quy ra giá thị trường để định giá, bất kể tình trạng pháp lý của đất, khả năng triển khai, năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Cổ phiếu PTC của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng vẫn duy trì sắc tím với chuỗi tăng nóng bất chấp diễn biến chung của thị trường, hiện đạt mức tăng 151% tính từ đầu tháng 11, đưa cổ phiếu từ vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu lên 27.900 đồng/cổ phiếu (25/11). Từ một cổ phiếu gần như không có giao dịch, khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này tăng lên đến hàng trăm nghìn đơn vị trong những phiên gần đây.
Đi ngược với diễn biến giá cổ phiếu, hoạt động kinh doanh của PTC bết bát khi bốn quý gần nhất doanh nghiệp không ghi nhận bất cứ nguồn thu nào từ hoạt động kinh doanh chính.
Cổ phiếu PTC vẫn chưa thoát khỏi diện kiểm soát từ năm 2018 do "những vấn đề ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán tồn tại đã lâu, công ty chưa khắc phục và có khả năng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như tình hình tài chính".
Động thái mới nhất, Hội đồng quản trị PTC thông qua phương án bán 1,7 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 1,8 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ), tương ứng 9,4% khối lượng cổ phiếu niêm yết. Với giá tối thiểu 15.000 đồng/cổ phiếu, nếu bán thành công, PTC có thể thu về ít nhất 25,5 tỷ đồng.
Rủi ro từ “bánh vẽ”
Nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam “đang tốt”, trong môi trường lãi suất thấp, các kênh đầu tư gặp khó khăn, lượng tiền mới đổ vào thị trường quá dồi dào giúp thị trường liên tục phá kỷ lục.
Đã có nhiều nhà đầu tư tăng tài sản rất tốt nhờ thị trường 2 năm nay, nhưng cũng chính vì điều kiện thị trường như vậy khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang trạng thái vô kỷ luật và cái giá phải trả sau này sẽ lớn khi chỉ biết chạy theo sự may rủi, hơn là tuân thủ phương pháp và nguyên tắc trong đầu tư chứng khoán.
Đồng ý rằng, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế, ở khắp các quốc gia, nhưng vẫn có những ngành nghề, những doanh nghiệp kinh doanh tốt, thậm chí còn mở rộng được thị phần thì dòng tiền vẫn còn địa điểm để kỳ vọng.
Như đã nói, thị trường chứng khoán là thị trường niềm tin, là thị trường mua bởi sự kỳ vọng tốt hơn trong tương lai - và hiện nay, kỳ vọng doanh nghiệp có sự hồi phục, có sự tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn dịch bệnh là điều mà ai cũng mong chờ và được dự báo.
Và cũng theo đó, nếu các doanh nghiệp thua lỗ chỉ là tạm thời do giãn cách, hay bản chất doanh nghiệp kinh doanh bết bát kéo dài chưa thể cải thiện.
Rõ ràng, lợi dụng uptrend, vàng thau lẫn lộn, nhiều cổ phiếu rác đã lên ngôi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả trưng ra những “bánh vẽ” để dụ dỗ nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm. Cổ phiếu họ Louis là bài học mới nhất nhưng có vẻ vẫn chưa thấm tháp vào đâu trong cơn say “đánh cổ phiếu ăn bằng lần dễ dàng” của các nhà đầu tư hiện nay.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, hàng đầu cơ thường tăng nóng, được dẫn dắt có chủ đích bởi các nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư lớn và thường là không có nền tảng cơ bản tốt, tận dụng theo một xu hướng nào đó trên thị trường để kéo giá, như xu hướng cổ phiếu bất động sản thời gian qua.
Cổ phiếu tăng trần, rồi trần - sàn ngay trong phiên khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ mất kiểm soát, thực tế đã cho thấy các cổ phiếu không tăng bền vững từ cơ bản thì sẽ điều chỉnh giảm sâu, thậm chí có thể làm mất hết thành quả của nhà đầu tư vì yếu tố kéo đẩy quá cao. May mắn cho các nhà đầu tư trong điều kiện hiện nay vì dòng tiền quá dồi dào và luân chuyển liên tục qua các nhóm để tìm cơ hội, nên trong ngắn hạn, nếu có những “sai lầm” vẫn đang có thể lấy lại được.
Thị trường đang giai đoạn “tiền điên” nên cổ phiếu cũng tăng điên rồ ngoài sức tưởng tượng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ thêm, có hiện tượng “tạo kỳ vọng” - như thuyết âm mưu ở nhiều cổ phiếu, điển hình là câu chuyện tiếp cận dòng vốn vay ngân hàng, trái phiếu giai đoạn này khá khó khăn, trong khi thị trường cổ phiếu sôi động, nên động cơ kéo giá cổ phiếu – đi kèm sẽ là các thông tin tích cực như lợi nhuận tăng tốt (bản chất có thể là từ thủ thuật tài chính) để thực hiện phát hành thu tiền về là hoàn toàn có.
Bản chất thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hữu hiệu cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp huy động vốn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh là tốt, nhưng theo ông Minh, rõ ràng, nhiều tình huống, doanh nghiệp bán giấy lấy tiền về, còn dự án thì bao năm vẫn không thấy hoàn thành.
Một rủi ro khác mà ông Minh muốn nhắc đến, “chơi” hàng đầu cơ không bền và dễ mất thanh khoản khi quay đầu giảm, khi đó không chỉ thiệt hại ở riêng cổ phiếu đó, mà còn đối diện rủi ro call margin. Nếu mất thanh khoản, các cổ phiếu khác trong danh mục của nhà đầu tư hoàn toàn có thể bị bán nếu nhà đầu tư không bổ sung tiền mặt vào tài khoản để đảm bảo tỷ lệ an toàn khi vay margin.
Tình huống dễ nhận thấy thời gian qua là “bắt đáy”, cứ cổ phiếu đang tăng mà giảm sàn là đua nhau vào bắt để trung bình giá xuống, thậm chí còn sử dụng margin. Nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm cho rằng, việc vội vàng bắt đáy trung bình giá xuống nếu sai thì mức độ thiệt hại chắc không kém hơn so với đu đỉnh.
Thị trường đang giai đoạn “tiền điên” nên cổ phiếu cũng tăng điên rồ ngoài sức tưởng tượng. Nhà đầu tư trở nên bận rộn hơn bao giờ hết do sở thích mua bán liên tục.
Cả chuyên gia và nhiều nhà đầu tư Fn nhấn mạnh, không có cổ phiếu nào tăng mãi, đặc biệt hàng đầu cơ thì rủi ro rất cao, những phiên hồi là cơ hội để thoát hàng. Cho giai đoạn tới, nên tìm kiếm, phân tích những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, ngược lại, nếu xấu thì cổ phiếu xác định sẽ xa bờ.
Với các nhà đầu tư cá nhân có khẩu vị trading, vẫn có thể tiếp tục, nhưng cần đặt ra các nguyên tắc cắt lỗ phù hợp, vẫn có thể đi theo các cổ phiếu có “game” như game tăng vốn để tối ưu hoá lợi nhuận, và chỉ nên mua ở những phiên có giá điều chỉnh mạnh, có điểm mua. Đặc biệt, cần hiểu mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân để phân bổ tiền – cổ phiếu – margin hợp lý.