Cẩn trọng bẫy “nâng khống tài sản“

Cẩn trọng bẫy “nâng khống tài sản“

(ĐTCK) Việc tạo nên lợi thế thương mại trong một thương vụ mua bán tài sản là điều bình thường, tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp đang lợi dụng hạng mục này để đẩy lỗ và nợ vào tài sản.

Lợi thế thương mại tăng cao

Trong bối cảnh không ít thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) diễn ra nhộn nhịp thời gian qua, một chuyên gia tài chính nhận định, loại tài sản tăng mạnh nhất trong năm 2017 chính là lợi thế thương mại.

Trong năm 2017, sau khi thoái vốn khỏi Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư phát triển An Pha và CTCP Sài Gòn Cửu Long, CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP) đã tiến hành mua thêm cổ phần tại một số doanh nghiệp, bao gồm: 49% tại Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thành Đạt, 49% Công ty TNHH Tân Đại Phát, 49% Công ty TNHH Vinh Quang và 201% CTCP Ngọn Lửa Thần. Ngoài ra, ASP chi thêm 13,5 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào cửa hàng LPG của CTCP Nam Gas.

Tuy không thuyết minh chi tiết lợi thế thương mại cho từng thương vụ mua cổ phần trên song trong năm ngoái, lợi thế thương mại của ASP tăng thêm 120 tỷ đồng.

Lợi thế thương mại được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán là khoản tiền bên mua (ASP) bỏ thêm ngoài những giá trị tài sản hữu hình, tức là giá trị cho các tài sản vô hình của bên bán như thương hiệu, thị phần, mối quan hệ với khách hàng…

Tuy nhiên, hầu hết những công ty mà ASP mua thêm trong năm vừa qua không phải tên tuổi lớn trên thị trường, ngoại trừ CTCP Ngọn lửa thần là đơn vị phân phối gas, bếp gas có chuỗi cửa hàng lớn tại Hà Nội.

Trước đó, một doanh nghiệp mạnh tay trong việc tiến hành M&A và ghi nhận lợi thế thương mại lớn phải kể đến CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG).

Cụ thể, năm 2016, Công ty mua 100% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương từ Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh với tổng giá trị chuyển nhượng là 1.650 tỷ đồng. Lợi thế thương mại ghi nhận từ thương vụ này là 168,8 tỷ đồng.

Tới tháng 12/2016, HNG mua 99,9% vốn tại CTCP Cao su Trung Nguyên với tổng giá phí hợp nhất kinh doanh là 3.277 tỷ đồng. Lợi thế thương mại từ giao dịch này lên tới 2.667 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại giao dịch này, cả 3 công ty cao su trên đều có quan hệ với HNG.

Kỳ vọng IFRS

Việc hạch toán và xử lý lợi thế thương mại đã được bổ sung và thay đổi qua quá trình phát triển của kế toán. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam mà hiện hầu hết các doanh nghiệp nội đang áp dụng (VAS/VFRS), lợi thế thương mại dương sẽ được phân bổ vào chi phí trong tối đa không quá 10 năm. Trường hợp lợi thế thương mại âm, hay còn gọi là mua rẻ đối với bên mua, khoản lợi nhuận này sẽ được hạch toán ngay vào thu nhập trong kỳ.

Theo đánh giá của chuyên gia, việc tạo nên lợi thế thương mại trong một thương vụ mua bán tài sản là điều bình thường, tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp đang lợi dụng hạng mục này để đẩy lỗ và nợ vào tài sản, còn được gọi là kỹ thuật “Big bet on the future”.

Với những doanh nghiệp thực hiện thủ thuật gian lận này, lợi thế thương mại sẽ chính là dạng tài sản sẽ tạo ra các khoản lỗ trong tương lai gần, mà trường hợp của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (HKB) là một ví dụ điển hình.

Năm 2017, HKB lỗ tới 67,4 tỷ đồng, đánh dấu năm đầu tiên lỗ kể từ khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ngoài việc doanh thu giảm mạnh, HKB còn ghi nhận một khoản chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 59,6 tỷ đồng, tăng 139% so với năm 2016.

Trước đó, vào năm 2016, HKB đã tăng vốn lên gấp đôi và tiến hành góp vốn vào CTCP Lumex Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Hưng Lộc Gia Lai với mức giá lần lượt là 330 tỷ đồng và 80 tỷ đồng. Nhờ 2 thương vụ này, HKB ghi lợi thế thương mại lên tới 451 tỷ đồng, tương ứng chiếm tới 54% tổng tài sản doanh nghiệp.

Thực tế, giá trị hai công ty được mua không lớn như mức giá HKB đã trả, dẫn đến việc Công ty phải gánh hậu quả ngay trong năm tài chính tiếp theo khi buộc phải chịu chi phí quản lý mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng. Quý I/2018, HKB tiếp tục lỗ, cổ phiếu đã rơi vào diện cảnh báo và giao dịch dưới mốc 2.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, đối với các thương vụ mua bán công ty tư nhân, việc đánh giá giá trị các tài sản vô hình chủ yếu nhờ “thuận mua vừa bán”, bởi Việt Nam chưa có đầy đủ công cụ để xác định giá trị hợp lý của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tài chính, chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa cập nhật, phản ánh đúng bản chất, khiến mức độ minh bạch của báo cáo tài chính doanh nghiệp chưa được đánh giá cao.

Nhiều công ty sử dụng các thủ thuật để “nâng khống” tài sản. Do vậy, muốn chấm dứt tình trạng này, thị trường vẫn đang kỳ vọng vào việc chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được áp dụng từ năm 2020.

Cụ thể, theo chuẩn mực IFRS 3, lợi thế thương mại phát sinh khi hợp nhất kinh doanh sẽ không phân bổ dần vào chi phí. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tiến hành đánh giá lại lợi thế thương mại của mình hàng năm, hoặc ngay khi có sự giảm sút về mặt giá trị hợp lý, phần giảm giá trị này sẽ được ghi nhận vào chi phí của doanh nghiệp.      

Tin bài liên quan