Sức cầu của nền kinh tế bị nén chặt vì dịch bệnh.

Sức cầu của nền kinh tế bị nén chặt vì dịch bệnh.

Cần tính toán kỹ kịch bản “bình thường mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết luận của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện vắc-xin bao phủ diện rộng được thị trường và các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt.

TP.HCM đang tính toán các lĩnh vực có thể mở cửa

Với định hướng trên, lĩnh vực được quan tâm lúc này là đầu tư công, với yêu cầu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nơi nào không giải ngân được, không có dự án thì dứt khoát cắt vốn, tập trung cho các dự án tốt.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải duy trì, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng.

Trong buổi trao đổi với người dân trên mạng xã hội, đề cập đến vấn đề mở cửa nền kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết những thông tin tích cực như, 3 tuần qua, Thành phố dùng một số loại thuốc kháng virus, kháng viêm đã cho kết quả tích cực ban đầu trong điều trị.

Về việc chuẩn bị cho sản xuất trở lại, doanh nghiệp phải chuẩn bị lại nhà xưởng lao động, nguyên liệu, đòi hỏi có thời gian. Thành phố đang tính toán các lĩnh vực có thể mở cửa, các địa phương mở cửa để thông báo cho doanh nghiệp, đi kèm là các hỗ trợ cụ thể.

“Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành trước ngày 15/9/2021 và sẽ truyền thông để các doanh nghiệp và người dân biết cụ thể”, ông Mãi nói.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng giám đốc FIDT nhìn nhận, thị trường chứng khoán đã chuyển biến tích cực, phản ứng trước kỳ vọng mở cửa lại nền kinh tế. Điều này tương đồng với các quốc gia đã trải qua như Thái Lan, Indonesia. Bản thân ông Tuấn và nhiều nhà đầu tư đã chăm chú theo dõi buổi livestream của lãnh đạo TP.HCM.

“Chúng ta có những kỳ vọng đáng kể cho đợt phục hồi kinh tế sau nới lỏng giãn cách. Ba đợt bùng phát trước, Việt Nam chọn chiến lược Zero Covid, đợt này chọn “sống chung với Covid” thông qua đẩy mạnh tiêm vắc-xin, áp dụng các loại thuốc đặc trị”, ông Tuấn nói.

Sức cầu bị nén sẽ bung ra

Theo ông Tuấn, thực thể nền kinh tế hiện nay không phải bị khủng hoảng, mà bị rơi vào trạng thái tạm dừng.

Đó là lý do vì sao thị trường chứng khoán đi ngược với chỉ số kinh tế. Các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán đã tích lũy được nguồn tiền mặt dồi dào, thậm chí như Vinamilk, nguồn tiền mặt lúc nào cũng lên tới mười mấy nghìn tỷ đồng, nên họ vẫn đứng vững trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Chưa kể, trong đại dịch, nhu cầu thị trường bị nén lại do người dân ưu tiên cho chi tiêu thiết yếu nên tới đây, khi nới lỏng giãn cách, nhu cầu tiêu dùng sẽ bung ra, các ngành sẽ rất nóng trở lại.

“Rõ ràng, chúng ta bị nén cầu, chứ không phải sụp đổ kinh tế như năm 2008, các nhà đầu tư cần phân biệt hai giai đoạn là khác nhau. Từ nay đến cuối năm, chúng ta phải đẩy tăng trưởng GDP, đầu tư vào hạ tầng, nó có hệ số lan tỏa lớn. Chưa kể xuất nhập khẩu tăng vọt bởi thị trường bên ngoài đang có nhu cầu lớn”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia, đầu tư vào thị trường chứng khoán trên cơ sở kỳ vọng tương lai, định giá tương lai, chứ không phải hiện tại.

Nhiều tổ chức đưa P/E, EPS để dự báo thị trường có thể xấu, nhưng chúng ta tạm chấp nhận quý III mất đi một quý tăng trưởng, sang quý IV sẽ phục hồi mạnh. Nhà đầu tư cần nhìn nhận rõ các nhóm ngành hưởng lợi từ yếu tố ngoại lai và nhóm ngành từ yếu tố nội tại.

Phong cách đầu tư theo dấu chân dòng tiền là rất rõ ràng ở thời điểm này, ví dụ, logistics có những mã rất ít tiềm năng, nhưng dòng tiền vào ngành khỏe vẫn giúp giá cổ phiếu bật tăng, hay các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp dù doanh thu, lợi nhuận suy giảm nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng. “Đó là sự tăng trưởng nhờ kỳ vọng. Chúng ta buộc phải am hiểu để vận động phù hợp vì thị trường luôn đúng”, ông nói.

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này, liệu sau khi dịch bệnh được kiểm soát, dòng tiền có rút mạnh ra khỏi thị trường để chảy vào hoạt động sản xuất – kinh doanh. Ông Tuấn cho biết: “Bạn bè tôi kinh doanh đi xuống, cũng đâu dám bỏ tiền vào chứng khoán. F0 là tầng lớp trung lưu có thặng dư để đầu tư.

Những người bị tạm ngưng kinh doanh, họ cắt giảm chi phí, đóng băng kinh doanh, có một phần nhảy vào chứng khoán nhưng không nhiều. Bởi vậy, sau khi mở cửa nền kinh tế trở lại, thị trường chứng khoán còn sôi động hơn nữa”.

Mở cửa phải đồng bộ mới tạo sự thông suốt

Càng sớm có giải pháp nối liền sản xuất ngày nào càng tốt.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol

Theo dõi nền kinh tế từ bên ngoài, ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh Quốc cho rằng, càng sớm có giải pháp nối liền sản xuất ngày nào càng tốt. Việt Nam phải có kế hoạch cho một số doanh nghiệp có thể khôi phục sản xuất khi họ có phương án hoạt động tương ứng tỷ lệ tiêm vắc-xin.

"Bởi chính doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất bao nhiêu người đã tiêm vắc-xin thì họ có thể sản xuất được và họ sẽ muốn khôi phục sản xuất nhanh nhất có thể. Họ có thể không đạt được 50-100% công suất nhưng ít ra phải sản xuất được đơn hàng và phải giao được hàng", ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cho rằng, nếu chỉ mở một số doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ đóng cửa thì chuỗi cung ứng bị đứt. Do vậy, kế hoạch mở cửa cần được tính toán cụ thể để chuỗi cung ứng nguyên liệu và vận tải hàng hoá được thông suốt trong nội bộ và giữa các địa phương với nhau thì việc mở cửa mới hiệu quả và thực chất.

Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ các nước, một vấn đề về tư duy các địa phương cần phải thay đổi là nếu ai bệnh người đó nghỉ, những người được xét nghiệm âm tính vẫn được tiếp tục làm việc.

Theo ông Tuấn, "xác định khi mở lại sản xuất việc số ca bệnh tăng là chuyện đương nhiên sẽ xảy ra và xem đó là việc thiếu may mắn hơn là vấn đề về trách nhiệm. Vì nếu chúng ta tập trung vào việc quy trách nhiệm, nhiều doanh nghiệp sẽ thấy gánh nặng quá lớn thì họ thà đóng cửa, phá sản, chứ không làm".

Các chuyên gia cũng lo ngại, nếu không gỡ bỏ dần việc giãn cách vào mốc 15/9/2021, một lượng lớn đơn hàng từ khối FDI sẽ bị chuyển đi nước khác do họ không thể chờ. Chưa kể các nguồn lực mà khối doanh nghiệp này dự tính tăng đầu tư tại Việt Nam cũng có nguy cơ sẽ bị chuyển đi.

“Bạn tôi làm tư vấn cho doanh nghiệp Mỹ đã tư vấn toàn bộ khách hàng (doanh thu khoảng gần 500 triệu USD) trở lại Trung Quốc. Trong báo cáo mới đây, ANZ đề cập đến tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ năm của các nước, Việt Nam bị tô đỏ. Trong khi nhu cầu của thị trường toàn cầu vẫn đang mạnh, nhất là tại hai thị trường Mỹ và châu Âu, khi các nhà bán lẻ có vẻ đang hối hả tích trữ hàng hoá để chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và đón năm mới”, những chia sẻ của ông Tuấn cũng là thông tin mà Việt Nam cần tham khảo rất kỹ.

“Sự bùng phát của biến chủng Delta ở khu vực Đông Nam Á có thể dẫn tới việc đơn hàng dịch chuyển về phía Trung Quốc. Nhu cầu sẽ còn mạnh cho đến tháng 11”, Xing Zhaopeng, Chiến lược gia tại ANZ, nhận định.

Tin bài liên quan