Không mặn mà lập mới
DNBH phi nhân thọ được lập mới nhất là từ năm 2010, đó là Cathay. Trước đó 1 năm là Xuân Thành. Ghi nhận từ Bộ Tài chính thì đến thời điểm này cũng chưa có nhà đầu tư nào xin lập mới.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) trong chia sẻ với ĐTCK cho biết, nguyên nhân chính vẫn là cạnh tranh tại khối này khá khốc liệt.
Khoảng 70% doanh thu phí bảo hiểm tập trung trong Top 5, gồm Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO và PTI. Phần còn lại (30%) được phân chia cho 24 DN còn lại.
Trong đó, 3 DNBH đứng ngay sau là Samsung Vina, BIC và MIC cũng nắm tới gần 10% thị phần, nên thực chất chỉ còn 20% thị phần cho 21 DN còn lại. Trong số này, có DN chỉ đạt doanh thu phí vài chục tỷ đồng.
Cạnh tranh bằng hạ phí và trục lợi là tình trạng khá phổ biến và nan giải trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam. Những rủi ro này đã làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư có ý định gia nhập thị trường này.
Theo các chuyên gia, trục lợi bảo hiểm đồng nghĩa với việc kẻ trục lợi đã ăn cắp một cách công khai số tiền bồi thường được lấy từ tiền quỹ bảo hiểm do người tham gia bảo hiểm chân chính đóng, khiến doanh nghiệp bảo hiểm lỗ nghiệp vụ, buộc phải ngừng triển khai sản phẩm bảo hiểm theo quy định. Nếu muốn đủ tiền quỹ bảo hiểm để bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm thì DNBH phải tăng phí bảo hiểm, ảnh hưởng đến người mua bảo hiểm. Về lâu dài, việc này sẽ khiến người tham gia bảo hiểm mất lòng tin vào DNBH, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng như việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính bảo hiểm.
Cũng bởi thế, ý tưởng giảm số lượng doanh nghiệp đang được các chuyên gia trong ngành quan tâm.
“Nhìn sang thị trường các nước lân cận, Hàn Quốc chẳng hạn, họ chỉ có khoảng 10 DN, trong khi doanh thu phí gấp ta hơn 10 lần (khoảng hơn 10 tỷ USD)” lãnh đạo một DNBH phi nhân thọ lớn nói.
Cần tính đến việc loại bỏ doanh nghiệp yếu
Không thể phủ nhận, dù rất nỗ lực trong tâm thế của “tân binh” nhưng nhiều DNBH vẫn không thoát ra khỏi một thực tế là bắt chước sản phẩm, bắt chước mô hình quản trị điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm đi trước. Không bứt lên nổi, các doanh nghiệp này chỉ hoạt động cầm chừng và trở thành nguồn lây nhiễm các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành.
Theo ông Lộc, DN cần tìm lối đi riêng nhờ thế mạnh cổ đông lớn, định vị trên thị trường để lựa chọn phân khúc thị trường và sản phẩm phù hợp.
“DNBH cần thiết kế cho mình sản phẩm bảo hiểm chủ lực. Đã đến lúc từng DN sau nhiều năm hoạt động mà vẫn chưa phát triển lên được thì phải tính đến khách hàng mục tiêu và thị trường mục tiêu phù hợp. Số lượng DN như hiện nay vừa thừa mà cũng vừa thiếu, thiếu DNBH chuyên ngành như DNBH của khu vực (Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Bộ…), DNBH cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho nông nghiệp, cho tiểu thương…”, ông Lộc nói và khẳng định, nếu mãi theo lối mòn của người đi trước, DNBH mới sẽ không bao giờ theo kịp.
Đáp án gỡ khó cho DNBH yếu luôn được cho là phải sáng tạo nhưng thực tế không dễ với khối phi nhân thọ, khi sản phẩm của khối này đơn giản, khó làm mới. Ngoài sản phẩm bảo hiểm sức khỏe thì các sản phẩm còn lại vẫn được xem là khó đột phá về phí, nghĩa là giảm phí (hạ giá sản phẩm) hay mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tăng chi phí bán hàng và khai thác các mối quan hệ thân quen.
Việc cứu DNBH yếu bằng hình thức sáp nhập DN cũng được giới quan sát cho là hợp lý tại thời điểm này.
“Giống như khối ngân hàng, cũng nên xem xét sáp nhập DNBH yếu vào DNBH mạnh hơn”, ông Lộc nói.