Tình hình tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại.
Phần lớn doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, trong đó mới đây nhất là Nghị quyết 63/NQ-CP.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay hoặc trả nợ, trong đó điển hình là Thông tư 01 và các thông tư sửa đổi, bổ sung, như Thông tư 03 và mới đây là Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước ngày càng được thiết kế theo hướng mở rộng, linh động và phù hợp hơn với diễn tiến của dịch bệnh cũng như khó khăn của doanh nghiệp. Đặc biệt, mới đây, 16 ngân hàng thương mại, chiếm khoảng 75% tổng dư nợ trong nền kinh tế, đã đạt được đồng thuận giảm lãi suất cho vay, với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước hơn 20.600 tỷ đồng.
Mặc dù số lãi giảm này vẫn còn khiêm tốn so với quy mô dư nợ tín dụng cũng như doanh thu lãi cho vay của ngân hàng, song đó cũng là nỗ lực đáng trân trọng, thể hiện sự chia sẻ của ngành ngân hàng với khó khăn của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đã tích cực giảm các khoản phí giao dịch cho khách hàng, như phí chuyển tiền, phí thanh toán qua ngân hàng, phí bảo lãnh…
Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng tình hình tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại, cả về thủ tục, các yêu cầu về tài sản đảm bảo và nhất là lãi suất cho vay vẫn khá cao so với khả năng sinh lợi của vốn, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp và bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Một số ngân hàng đã cố gắng giảm lãi suất cho khách hàng, nhưng không đáng kể, chỉ vài số lẻ thập phân gọi là có chia sẻ.
Các doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tài chính lớn có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn và lãi suất cũng thấp hơn do có quan hệ truyền thống và triển vọng hợp tác tốt, nên ngân hàng ưu đãi để giữ chân. Một số tập đoàn lớn cũng có thể tiếp cận được các nguồn vốn từ thị trường vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, kể cả việc huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp) vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn và trả nợ.
Trái ngược với bức tranh đóng cửa, phá sản của hàng vạn doanh nghiệp là bức tranh lợi nhuận "khủng" của nhiều ngân hàng. Thực tiễn cho thấy, trong khi lãi suất huy động đã giảm khá sâu, thì mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn ở mức cao, khiến chênh lệch lãi suất ngân hàng cao. Những năm trước đây, trong điều kiện bình thường, chênh lệch lãi suất khoảng 3-4%, nhưng thời gian qua, ở một số ngân hàng, mức chênh lệch đã lên đến 5-6%. Có ý kiến cho rằng, ngân hàng cho vay rủi ro, nên phải trích lập dự phòng rủi ro lớn do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai. Ở đây cần nói luôn rằng, các khoản lợi nhuận này được tính sau khi đã trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Hơn nữa, việc cho vay lãi suất cao không phải lúc nào cũng là nguồn dự phòng rủi ro, mà đôi khi chính nó là một khoản cho vay chứa đựng rủi ro. Nói khác đi, cho vay lãi suất cao không hẳn là giải pháp, mà là nguồn gốc của rủi ro.
Chúng ta đều biết, trong giao dịch vay vốn, bất cân xứng thông tin là một thách thức mà ngân hàng thường đối mặt. Ngân hàng thường định mức lãi suất cho vay cao và cho rằng để bù đắp rủi ro. Tuy nhiên, khi đó, ngân hàng đối mặt với rủi ro lựa chọn ngược hay còn gọi là lựa chọn bất lợi. Tức là, với những người nghĩ rằng, họ rủi ro hơn mức lãi suất ngân hàng đưa ra thì sẽ chấp nhận vay, trong khi những người nghĩ rằng, họ ít rủi ro hơn thì không chấp nhận mức lãi suất đó.
Như vậy, khi quyết định cho vay với một mức lãi suất nhất định, ngân hàng vô hình trung cho vay người rủi ro, thay vì chọn người vay an toàn. Trong nhiều trường hợp, việc định mức lãi suất cho vay cao đã tạo ra cơ chế chọn lọc người rủi ro cao để cho vay. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai, chứ không phải để bù đắp hay dự phòng cho rủi ro.
Nguồn: Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ). Đồ họa: Đan Nguyễn |
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Với khó khăn tiếp cận vốn của doanh nghiệp, thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước cần liên tục rà soát để cởi mở hơn nữa các chính sách đang áp dụng, nhất là quy định về tái cơ cấu thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, chứ không phải do không có triển vọng tăng trưởng, tăng cường khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ, giảm lãi vay thực chất hơn. Với dư nợ tín dụng lên đến 10 triệu tỷ đồng, chỉ cần giảm 1 điểm phần trăm lãi suất là đã giúp rút được gánh nặng tài chính lên đến 100.000 tỷ đồng khỏi vai nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước nên có quy định hướng dẫn các ngân hàng xem xét định giá lại tài sản đảm bảo, tăng hạn mức cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo, nới công thức 7x7 trong định giá khoản vay; khuyến khích các khoản cho vay tín chấp, cho vay theo hợp đồng xuất khẩu, tài trợ tín dụng thư L/C, hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ, đấu thầu, xây lắp; tăng cường tài trợ các khoản phải thu, phải trả, bao thanh toán… Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc bảo lãnh cho các hội viên có uy tín vay vốn, cho vay các doanh nghiệp mắt xích trong các chuỗi cung ứng. Đây cũng là thời điểm cần phát huy hơn nữa vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ tài chính khác.
Trần tín dụng cũng là một lý do khiến các ngân hàng không có dư địa và cả động cơ giảm lãi suất cho vay. Những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hoặc đã gần chạm trần thì thường có động cơ cho vay lãi suất cao. Một số ngân hàng yếu kém, bên cạnh bị giới hạn tăng trưởng tín dụng thấp, cũng có thiên hướng định lãi suất cao với tâm lý "gỡ gạc".
Theo thống kê đến tháng 6/2021 có hơn 10 ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quyết định cấp tăng hạn mức tăng trưởng cho một số ngân hàng đáp ứng các điều kiện về an toàn vốn và quản trị rủi ro. Đây là một động thái rất kịp thời và phù hợp của Ngân hàng Nhà nước.
Trong định hướng chính sách tiền tệ sắp tới, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc tiếp tục nới thêm tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng có chất lượng tài sản và năng lực quản trị tốt, gắn với định hướng tái cơ cấu kinh tế và hỗ trợ phục hồi các ngành sản xuất quan trọng mang tính chiến lược của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cường tái cấp vốn lãi suất thấp gắn với địa chỉ vốn cụ thể, cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với các khoản vay mục tiêu, các dự án trọng điểm quốc gia; cho vay lãi suất ưu đãi và chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên như công nghiệp chủ lực, xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hoạt động đổi mới công nghệ…
Ngân hàng Nhà nước cũng nên yêu cầu các ngân hàng minh bạch hơn trong việc xác định lãi suất tiền gửi làm tham chiếu ấn định lãi suất cho vay. Trong một số trường hợp, có thể xem xét thiết lập giới hạn biên lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngoài danh mục ưu tiên cho vay trong ngắn hạn.
Đặc biệt, cần phát huy hơn nữa vai trò của hai định chế tài chính chính sách quan trọng của Nhà nước là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP). Trong đó, VDB có thể xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu để tài trợ cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, giảm tiêu hao năng lượng, phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu… Còn VBSP có thể nghĩ đến các khoản cho vay "ứng trước" tiền lương của người lao động để khuyến khích nối lại nguồn cung lao động.
Cuối cùng, cần phát huy vai trò của thị trường vốn sơ cấp, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đủ điều kiện phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn, giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng cũng là một cách giảm chèn lấn cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có một số ý kiến lo ngại áp lực lạm phát, song chúng ta phải phân biệt lạm phát chi phí đẩy rất khác với lạm phát cầu kéo. Chúng ta chỉ lo ngại lạm phát khi dòng tiền đi vào khu vực phi sản xuất, đầu cơ tạo bong bóng giá tài sản.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt khoảng 7,17%, trong khi tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) chỉ tăng 4,95% so với cuối năm 2020, tức tăng trưởng cung tiền thực chỉ khoảng 3% do lạm phát chưa tới 2%. Cùng với đó, lạm phát cơ bản 9 tháng chỉ tăng 0,88% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, không có sức ép đáng kể của yếu tố tiền tệ lên lạm phát. Sức ép lạm phát cầu kéo trong những tháng còn lại của năm là không lớn do sức cầu kinh tế khó tăng đột biến bởi thu nhập của người dân và doanh nghiệp đã bị bào mòn nghiêm trọng.
Do vậy, tiêm "vắc-xin" vốn cho doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn giúp thúc đẩy tái mở cửa kinh tế, phục hồi sản xuất và việc làm, đưa nền kinh tế sớm lấy lại động lực tăng trưởng, tránh bỏ lỡ cơ hội so với các nước trong khu vực và thế giới.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt khoảng 7,17%, trong khi tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) chỉ tăng 4,95% so với cuối năm 2020, tức tăng trưởng cung tiền thực chỉ khoảng 3% do lạm phát chưa tới 2%.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!