Như một sự trùng hợp, cùng thời điểm trên, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam với nhận định rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể sẽ phải tăng lãi suất tiền đồng thêm 0,5% vào quý III/2016.
Như vậy, trong hơn hai tháng qua, thông tin về tăng lãi suất đã dồn dập xuất hiện trên thị trường. Dù mức điều chỉnh lãi suất được các ngân hàng áp dụng khá nhẹ, từ 0,2-0,4%/năm (tùy kỳ hạn), song điều này đã tạo cho dư luận cảm giác về một “làn sóng” tăng lãi suất, kéo theo nỗi lo lắng của doanh nghiệp.
Trên bình diện chung, hiện có quá nhiều nguy cơ khiến lãi suất có thể bật tăng trở lại vào năm 2016, đòi hỏi cơ quan điều hành phải theo dõi sát sao và có biện pháp điều hành hợp lý.
Thứ nhất, trước đây, điều hành lãi suất thường dựa trên lạm phát, nhưng từ năm 2015, khi lạm phát giảm mạnh thì lãi suất lại bị chi phối rất lớn bởi tỷ giá. Áp lực tỷ giá là nguyên nhân khiến NHNN không thể giảm sâu lãi suất cho vay và lãi suất huy động, bởi khi đó, tiền gửi có nguy cơ chạy khỏi ngân hàng, chảy vào ngoại tệ và các kênh đầu tư khác.
Năm 2016, áp lực điều chỉnh tỷ giá tiếp tục tăng, nhất là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và việc đồng nhân dân tệ chính thức được đưa vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Chưa kể, tỷ giá còn chịu nhiều áp lực do thặng dư cán cân thương mại ngày càng thu hẹp và quỹ dự trữ ngoại hối đã bị “teo tóp” đáng kể trong thời gian qua.
Thứ hai, cầu nội địa đang tăng và lạm phát có nguy cơ tăng trở lại. Báo cáo về chỉ số giá tỉêu dùng (CPI) tháng 11/2015 cho thấy, lạm phát đang bắt đầu đi lên từ đáy. Trước diễn biến phức tạp của giá dầu, năm 2016, rất có thể lạm phát sẽ chạm ngưỡng dưới 5% như mức mà Quốc hội thông qua. Do đó, không thể chủ quan với lạm phát trong năm 2016. Việc vội vàng giảm lãi suất, sau đó lại phải bật tăng theo thị trường sẽ tác động bất lợi tới môi trường kinh doanh, tạo tâm lý không tốt cho nhà đầu tư.
Thứ ba, trong bối cảnh nền kinh tế đang ấm dần, Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%. Để đạt được mục tiêu này, tín dụng sẽ phải tăng 18-20%. Chưa kể, một lượng lớn trái phiếu chính phủ cũng đang nhắm vào ngân hàng. Với lãi suất trái phiếu chính phủ xấp xỉ 6%/năm và được phát hành ồ ạt như hiện nay, chắc chắn, lãi suất ngân hàng không thể giảm.
Thứ tư, các kênh đầu tư khác đang ấm dần lên. Một khi lãi suất tiền đồng giảm mạnh, thì dòng tiền có thể sẽ chảy ra khỏi ngân hàng, đẩy hệ thống này rơi vào tình trạng khó khăn về thanh khoản.
Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam còn cao so với nhiều nước trong khu vực và việc giảm lãi suất không chỉ là đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp. Vì vậy, trong bối cảnh ngân hàng nhìn nhau tăng lãi suất, doanh nghiệp lo lắng, thấp thỏm như hiện nay, có lẽ NHNN cần sớm đưa ra thông điệp mới về chính sách điều hành lãi suất năm 2016. Theo đó cần nhấn mạnh quyết tâm ổn định mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, dù khó giảm thêm lãi suất, song cơ quan quản lý cần đưa thêm giải pháp cung ứng vốn, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý… không để diễn ra cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng.
Để giảm áp lực về lãi suất, Chính phủ cũng cần có giải pháp phát triển thị trường vốn nhằm giải quyết bài toán nhu cầu về vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp. Đồng thời, tính toán phát hành lượng trái phiếu chính phủ ở mức phù hợp, tránh đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.