Có nhiều lý do để giải thích cho việc này. Một phần là do yêu cầu bảo mật thông tin trong quá trình đàm phán, song còn có lý do khác, theo ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, nhiều nhà đầu tư quốc tế đang xem xét rất kỹ việc bỏ vốn vào Việt Nam.
Với Vietnam Airlines, 25% vốn bán cho nhà đầu tư chiến lược, nếu theo giá trúng bình quân đợt đấu giá cổ phần vừa qua, sẽ tương ứng với khoảng 7.400 tỷ đồng.
Một nguồn tin từ doanh nghiệp này cho biết, trước khi roadshow IPO, doanh nghiệp gửi thư chào tới các nhà đầu tư quan tâm và nhận trả lời từ phía họ. Không ít nhà đầu tư kỳ vọng, tên tuổi những tập đoàn có phúc đáp lại thư chào của Vietnam Airlines sẽ được công bố tại buổi roadshow, tuy nhiên, điều này đã không diễn ra. Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện có 3 nhà đầu tư đang theo đuổi quá trình này, trong đó có 2 hãng hàng không nước ngoài và 1 nhà đầu tư tài chính.
Đây mới là bước khởi đầu, hai bên còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn tiến xa hơn, trong đó có quá trình thẩm định chi tiết hoạt động doanh nghiệp. Nếu mọi việc thuận lợi, đến tháng 3/2015, hai bên mới có thể hoàn tất việc đàm phán và lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược. Để có thể ký kết được hợp đồng, thời gian còn lâu hơn. Từ nay cho đến khi có kết quả, mọi thông tin về tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines đều trong vòng bảo mật.
Với trường hợp của Đạm Cà Mau, với quy mô doanh nghiệp và vai trò trong nền kinh tế, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược dường như đơn giản hơn rất nhiều. Song thực tế cũng không hề đơn giản.
Bên lề buổi roadshow tại Hà Nội, ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, thời điểm này chưa thể chia sẻ bất cứ thông tin nào về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, ngoài việc doanh nghiệp tin tưởng sẽ hoàn tất việc này trong năm 2015.
Theo phương án được phê duyệt, Đạm Cà Mau sẽ bán 129 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Giá bán dự kiến đạt được mức thấp nhất bằng với giá khởi điểm của đợt đấu giá qua HOSE vào ngày 11/12 tới, tương ứng với 1.547 tỷ đồng sẽ rót vào đợt đấu giá này.
Đây không phải là số tiền quá lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sẽ có không ít vấn đề khiến họ phải cân nhắc khi doanh nghiệp chỉ được điều tiết giá khí đầu vào, đồng nghĩa với việc “bảo hiểm” lợi nhuận trong 4 năm kể từ 2015, trong khi đó thị trường ure trong nước đang dư cung khoảng 300.000 tấn mỗi năm, và giá phân bón ure trên thị trường thế giới còn giảm đến năm 2018 theo dự báo của các tổ chức nước ngoài.