Cần Thơ tập trung các nguồn lực đầu tư, kiến tạo động lực phát triển, phát huy hiệu quả các lợi thế để trở thành thành phố phát triển năng động của vùng ĐBSCL và cả nước Ảnh: Nguyễn Văn Dương.

Cần Thơ tập trung các nguồn lực đầu tư, kiến tạo động lực phát triển, phát huy hiệu quả các lợi thế để trở thành thành phố phát triển năng động của vùng ĐBSCL và cả nước Ảnh: Nguyễn Văn Dương.

Cần Thơ tập trung đầu tư hạ tầng, thu hút dự án tạo động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian gần đây, TP. Cần Thơ thu hút các dự án đầu tư có quy mô vốn lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển không chỉ tại địa phương, mà cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đón dự án đầu tư lớn

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ tiếp tục phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 17,57%, đứng thứ 3 cả nước, cao nhất trong các tỉnh ĐBSCL và các thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên đà phục hồi tích cực đó, tính chung 10 tháng đầu năm nay, nhiều chỉ tiêu kinh tế của Thành phố tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như Chỉ số Phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 31,88%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 96.494,71 tỷ đồng, tăng 44,4%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 1.908,83 triệu USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Về du lịch, Thành phố đón hơn 4,599 triệu lượt khách du lịch, tăng 123%; tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.380 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2021.

Ảnh tác giả

TP. Cần Thơ cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Trong công tác xúc tiến đầu tư, bên cạnh việc quan tâm tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, TP. Cần Thơ đã tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng của địa phương đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua nhiều kênh khác nhau, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư khảo sát, tìm hiểu cơ hội kinh doanh đầu tư trên địa bàn.

Thời gian gần đây, TP. Cần Thơ đã đón các dự án có quy mô vốn lớn, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển không chỉ tại địa phương, mà cho toàn Vùng. Cuối tháng 10/2022, UBND TP. Cần Thơ đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - Giai đoạn 1 (Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ). Dự án được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư: Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam -

Singapore. Dự án có quy mô diện tích giai đoạn I là 293,7 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.718 tỷ đồng (tương đương gần 160 triệu USD). Đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô vốn lớn thứ 3 tại Cần Thơ tính đến thời điểm hiện tại.

Ông Anthony Tan, Phó tổng giám đốc VSIP bày tỏ: “Chúng tôi rất cảm kích lãnh đạo TP. Cần Thơ vì đã mạnh mẽ tin tưởng VSIP và trao giấy phép cho chúng tôi. Chúng tôi cam kết, VSIP sẽ đặt mọi nỗ lực nhằm mang lại thành công cho Dự án và đây sẽ là dự án mà TP. Cần Thơ có thể tự hào khi nhắc đến…”.

Về phần mình, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ là dự án trọng điểm của Thành phố, có sức lan tỏa trong khu vực, được quy hoạch theo tiêu chí công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, quản lý thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, giải quyết vấn đề lao động - việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP. Cần Thơ.

Trước đó, tháng 8/2022, UBND TP. Cần Thơ cũng đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III (phường Phước Thới, quận Ô Môn), với tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 27.596 tỷ đồng (tương đương 1.190,5 triệu USD). Dự án sẽ khởi công trong quý I/2025, bắt đầu tiếp nhận khí vào quý III/2027 và phát điện thương mại vào quý IV/2027.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III, khi đi vào hoạt động, sẽ cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung, đảm bảo an ninh năng lượng vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ, lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư mới 5 dự án đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng. Đồng thời, cấp mới 4 dự án FDI, với có tổng vốn đăng ký 174 triệu USD.

Trong cùng thời gian này, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cũng đã cấp 6 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 34,14 triệu USD.

Bên cạnh thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng có những chuyển biến tích cực. Trong 10 tháng đầu năm 2022, Thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.512 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 11.248 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp tăng 54,3% và số vốn tăng 68,7%.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng

TP. Cần Thơ đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Trong đó, trọng tâm là thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trên cơ sở phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế không chỉ của Thành phố, mà của cả vùng ĐBSCL. Đồng thời, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, nhằm phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Về quy hoạch, Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện lập Quy hoạch Phát triển TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kịp thời trình thẩm định, phê duyệt, bảo đảm đúng tiến độ. Quy hoạch là công cụ pháp lý quan trọng để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, phát huy hiệu quả các lợi thế để xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố phát triển năng động của vùng ĐBSCL và cả nước.

Liên quan phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ngoài các công trình Trung ương đầu tư trên địa bàn, như Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…, trong giai đoạn 2021-2025, TP. Cần Thơ tập trung các nguồn lực để đầu tư các dự án giao thông mang tính đột phá như Dự án đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C), Dự án Đầu tư xây dựng và Nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 923, Đường tỉnh 917, 918 (Giai đoạn II), Dự án đường tỉnh 921 - đoạn tuyến thẳng (điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt - điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Ðốc), các cầu Cờ Đỏ, Tây Đô… Ðây là các dự án giao thông trọng điểm của Thành phố, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ của TP. Cần Thơ, kết nối với hệ thống giao thông khu vực ÐBSCL.

Về đầu tư phát triển các khu công nghiệp, hiện nay, các cơ quan, sở, ngành chức năng của Thành phố đang hỗ trợ nhà đầu tư lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ. Đồng thời, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư triển khai thực hiện Dự án. Dự kiến trong quý I/2023, Dự án sẽ được cấp phép xây dựng, tạo cơ sở để nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.

Đối với Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ (quy mô 500 ha), Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đang tổ chức lập và trình phê duyệt quy hoạch xây dựng phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000.

Bên cạnh đó, Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cho ngành thương mại dịch vụ, trọng tâm là hoàn thiện quy hoạch xây dựng Trung tâm Logistics hạng II đặt tại cảng Cái Cui (Khu công nghiệp Hưng Phú, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), với diện tích trên 242 ha, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển lưu thông hàng hóa của Thành phố và các tỉnh lân cận, đưa Cần Thơ thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, TP. Cần Thơ cũng đang khẩn trương hoàn thành đề xuất phương án bố trí không gian khu chức năng phù hợp với hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ, phủ hợp với Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ; kêu gọi đầu tư vào thành phố sân bay; trung tâm logistics hàng không tại TP. Cần Thơ…

Cùng với tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kết nối, TP. Cần Thơ còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Tin bài liên quan