Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho rằng thành phố sẽ kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản

Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cho rằng thành phố sẽ kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản

Cần Thơ sẽ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã chia sẻ những cảm nhận, đánh giá của mình về tiềm năng, lợi thế cũng như những vấn đề cần sớm cải thiện của môi trường đầu tư TP. Cần Thơ.

Ngày 17/6, UBND TP.Cần Thơ phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM tổ chức “Hội thảo Xúc tiến Đầu tư, thương mại dành cho đối tác Nhật Bản”.

Sự kiện được tổ chức nhằm tăng cường mối quan hệ, kết nối giao thương với các đối tác Nhật Bản; cập nhật, giới thiệu những thông tin về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách và định hướng thu hút đầu tư vào TP. Cần Thơ; từ đó mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực TP. Cần Thơ đang có nhu cầu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - Nguyễn Văn Hồng cho rằng, Cần Thơ là 1 trong 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương của Việt Nam, nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, được xác định là thành phố động lực phát triển cho cả Vùng. TP. Cần Thơ cũng mong muốn được góp phần vun đắp thêm cho mối quan hệ tốt đẹp của hai nước. Thời gian qua, trong quá trình hội nhập quốc tế của mình, chính quyền và nhân dân TP. Cần Thơ luôn xác định Nhật Bản là người bạn, là đối tác tin cậy và quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Hồng bày tỏ: “Hy vọng buổi Hội thảo hôm nay sẽ làm tiền đề, tạo dựng sự kết nối, trao đổi, xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại giữa các nhà đầu tư/doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới… Thay mặt chính quyền TP. Cần Thơ, tôi xin cam kết với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản, Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản”.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã chia sẻ những cảm nhận, đánh giá của mình về tiềm năng, lợi thế cũng như những vấn đề cần sớm cải thiện của môi trường đầu tư TP. Cần Thơ.

Bà Ogawa Megumi - Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM đánh giá cao nguồn nhân lực của TP. Cần Thơ

Bà Ogawa Megumi - Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM đánh giá cao nguồn nhân lực của TP. Cần Thơ

Trả lời cho câu hỏi: đối với các doanh nghiệp Nhật Bản thì nét hấp dẫn của TP. Cần Thơ là gì?, bà Ogawa Megumi, Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM nói: “Đối với tôi, trước tiên là nguồn nhân lực chất lượng cao có được từ Đại học Cần Thơ, đại học bậc nhất của cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường. Tôi cũng nghe rằng có rất đông nguồn nhân lực đã từng có kinh nghiệm học tập hoặc lao động tại Nhật Bản ở các tỉnh lân cận TP. Cần Thơ. Một điểm thu hút doanh nghiệp Nhật Bản nữa đó chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú về nông sản và thủy sản từ sông Mekong. Hiện tại có một vài doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào TP. Cần Thơ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm”.

Bà Ogawa Megumi nhận định, trong tương lai, hy vọng với sự cải thiện hơn khi các tuyến đường cao tốc được hoàn thành thì việc lưu thông hàng hóa (từ Cần Thơ- PV) về TP.HCM, thị trường lớn nhất của Việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó, hiện nay ngày càng khó để có thể tìm kiếm các khu đất lớn còn trống xung quanh TP.HCM để đầu tư, thì Cần Thơ với những lợi thế như nêu trên chính là cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Là doanh nghiệp có dự án đang hoạt động tại khu công nghiệp Trà Nóc (TP. Cần Thơ), ông Noriyasu Onoma, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Takesho Việt Nam chia sẻ: “Về kết nối giao thông so với trước đây, khoảng thời gian di chuyển đường bộ từ TP.HCM tới Cần Thơ đã giảm rõ, chỉ còn khoảng chừng hơn 3 giờ. Liên quan đến đường hàng không thì không có chuyến bay thẳng nào từ Nhật tới Cần Thơ và đường bay quốc tế vẫn còn rất ít. Tôi cũng hy vọng rằng thời gian tới nếu có nhiều nhà đầu từ Nhật Bản đầu tư vào thì sẽ cải thiện được vấn đề này. Về cuộc sống sinh hoạt, sự tiện lợi trong mua sắm, ăn uống hay đời sống sinh hoạt tại Cần Thơ còn hạn chế. Tuy nhiên, tại khu vực ĐBSCL, tôi cảm nhận Cần Thơ phát triển nhanh chóng, và là một thành phố an toàn và dễ sống”.

Còn ông Tomoyuki Kawata, Phó Tổng giám đốc sản xuất, chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ - Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (trụ sở đặt quận Ninh Kiều, Cần Thơ) đánh giá cao nguồn nhân lực của TP. Cần Thơ khi cho rằng: “Gần đây có vẻ như các khu vực đô thị lớn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động, nhưng ở khu vực sông Mê Kông, gần như có thể đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cần cù và siêng năng. Trên địa bàn có các trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y Dược.... Thêm một lợi thế nữa là Cần Thơ có thể đảm bảo nguồn nhân lực quản lý giỏi. Tại Công ty của chúng tôi, có rất nhiều người tốt nghiệp từ các trường đại học này và yếu tố con người là một trong những lý do khiến Taisho Pharmaceutical quyết định đầu tư”.

Tuy nhiên, ông Tomoyuki Kawata cũng khuyến nghị TP. Cần Thơ nếu có thêm những lựa chọn sau đây thì sẽ càng là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư: các căn hộ dịch vụ phù hợp người nước ngoài sinh sống; các trường học dành cho con em chuyên gia nước ngoài; các siêu thị với nhiều lựa chọn về nguồn nguyên liệu thực phẩm Nhật Bản và các cơ sở y tế với trang thiết bị và dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến.

Nhật Bản hiện đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn nhất về hợp tác viện trợ phát triển chính thức và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 trên tổng số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.

Tính đến ngày 20/4/2023, Nhật Bản có 5.091 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 69,63 tỷ USD. Đồng thời, trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD.

Riêng đối với Cần Thơ, hiện trên địa bàn thành phố tuy chỉ có 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Nhật Bản nhưng tổng vốn đăng ký lên tới 1,35 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng vốn FDI, dẫn đầu về số lượng vốn FDI tại thành phố.

Về quan hệ thương mại, trong 4 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp TP. Cần Thơ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản đạt kim ngạch 40,6 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, may mặc, nông sản và nông sản chế biến, thép và các sản phẩm từ thép, dược phẩm, hóa chất, lông vũ và một số mặt hàng khác (vật tư nguyên liệu). Kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản ước 9,8 triệu USD, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, vải và một số mặt hàng khác (da, vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị).

Những hạn chế về kết cấu hạ tầng giao thông của TP. Cần Thơ mà các đối tác Nhật Bản nêu ra sẽ được sớm cải thiện khi hàng loạt công trình, dự án quy mô lớn, trọng điểm quốc gia đã và đang triển khai đầu tư trên địa bàn thành phố.

Về giao thông đường bộ, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2023, khi đó sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM - Cần Thơ còn khoảng 2h.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng ĐBSCL vừa được khởi công sáng nay (ngày 17/6), dự kiến hoàn thành trong năm 2026 sẽ kết nối thuận lợi TP. Cần Thơ với cảng biển nước sâu Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (đã được quy hoạch xây dựng) và cửa khẩu quốc tế giáp Campuchia, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và kết nối, giao thương giữa Cần Thơ với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Về hàng hải, Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP. Cần Thơ cũng đang được xúc tiến…

Tin bài liên quan