Cần thiết phát triển bảo hiểm an ninh mạng trong bối cảnh bùng nổ chuyển đổi số?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới. Song song với đó là sự gia tăng các rủi ro an ninh mạng, khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân đối diện với nguy cơ tấn công bởi tin tặc và các hình thức lừa đảo trực tuyến.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, khi hoạt động tấn công mạng trở nên phổ biến, việc ứng phó phức tạp hơn, bảo hiểm an ninh mạng được cho là giải pháp để hạn chế và phòng ngừa rủi ro.

Tội phạm tấn công mạng tiếp tục gia tăng, bảo hiểm an ninh mạng được cho là giải pháp để hạn chế và phòng ngừa rủi ro.

Tội phạm tấn công mạng tiếp tục gia tăng, bảo hiểm an ninh mạng được cho là giải pháp để hạn chế và phòng ngừa rủi ro.

Thúc đẩy an toàn môi trường mạng

Bảo hiểm an ninh mạng gồm 2 loại chính: bảo hiểm tài sản an ninh mạng, nhằm bảo vệ những tổn thất do sự cố an ninh mạng và chi phí dịch vụ kỹ thuật phát sinh; và bảo hiểm trách nhiệm an ninh mạng, chủ yếu bảo đảm trách nhiệm bồi thường cho các cá nhân hoặc tổ chức do sự cố an ninh mạng gây ra.

Một trong những vai trò quan trọng nhất của bảo hiểm là chuyển giao rủi ro và phân tán tổn thất. Khi không may một doanh nghiệp, cá nhân bị tấn công mạng, gây thiệt hại kinh tế, gián đoạn kinh doanh, số tiền được công ty bảo hiểm chi trả sẽ phần nào hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân khắc phục tổn thất, giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, bảo hiểm an ninh mạng cũng góp phần nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro trên môi trường mạng. Theo cơ chế khuyến khích kinh tế, các công ty bảo hiểm sẽ chủ động thực hiện các hoạt động cảnh báo, tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống đối với doanh nghiệp cũng như nâng cao đề phòng, cảnh giác đối với các khách hàng cá nhân. Qua đó, tăng cường trách nhiệm, sự chủ động phòng ngừa rủi ro của khách hàng nói riêng và cộng đồng nói chung.

Phát triển thị trường bảo hiểm an ninh mạng tại Việt Nam

Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh các hình thức thương mại điện tử, nhu cầu bảo hiểm an toàn khi giao dịch trực tuyến được người dân, doanh nghiệp quan tâm hơn. Các công ty bảo hiểm cũng tích cực mở rộng các dòng sản phẩm này như một xu hướng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng. Có thể kể ra một số sản phẩm tiêu biểu như: bảo hiểm Cyber Risk của Bảo hiểm VietinBank (VBI); bảo hiểm quản lý rủi ro mạng của Chubb; bảo hiểm Cyber Liability Insurance của Bảo Việt; CyberGuard của BSH, BIC Cyber Risk của BIC và Bảo hiểm an ninh mạng của Vietel Money…

Là một sản phẩm khá mới mẻ trên thị trường, các sản phẩm bảo hiểm an ninh mạng được các doanh nghiệp bảo hiểm tung ra thị trường trong thời gian gần đây tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa với giá bán khá hấp dẫn. Chẳng hạn, bảo hiểm an ninh mạng của Vietel Money được giới thiệu bán trực tuyến trên ứng dụng di động với các gói từ 36.000 - 120.000 đồng/năm với mức bảo hiểm chi trả tối đa 25 triệu đồng/vụ và 50 triệu đồng/năm. Bảo hiểm Cyber Risk của Bảo hiểm VietinBank có giá 3.000 đồng/tháng với mức chi trả tối đa 50 triệu đồng/năm. Bảo hiểm an ninh mạng cá nhân của BIC được bán với giá 500 đồng/ngày (bồi thường tối đa 135 triệu đồng) cho các rủi ro xảy ra khi mua sắm trực tuyến, gian lận chuyển tiền và trộm cắp trực tuyến.

Các tổ chức tài chính, ngân hàng tham gia triển khai bảo hiểm an ninh mạng cũng ngày càng nhiều. Agribank kết hợp Bảo hiểm Agribank tung sản phẩm "Bảo an tài khoản" để bảo vệ tài khoản cá nhân của khách hàng có sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến với chi phí 77.000 đồng/năm; SeaBank cũng giới thiệu khi tham gia bảo hiểm rủi ro an ninh mạng, khách hàng sẽ được bảo vệ với quyền lợi bồi thường lên tới 200 triệu đồng.

Theo dự báo mới nhất từ Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm Máy tính Mỹ (CCRC), thiệt hại do tội phạm mạng sẽ đạt 12.000 tỷ USD vào năm 2025. Nghiên cứu của GlobalData (Anh) cho thấy, hoạt động tống tiền và tấn công mạng sẽ tiếp tục tăng khoảng 30-50% hàng năm.

Để thị trường bảo hiểm an ninh mạng tại Việt Nam có thể phát triển, phát huy vai trò là một giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu rủi ro mất an toàn trên không gian mạng, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị công nghệ và các doanh nghiệp bảo hiểm cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của bảo hiểm an ninh mạng; ban hành các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển các sản phẩm phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng; xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu để cải thiện hoạt động quản trị rủi ro, quy trình triển khai sản phẩm…

Tin bài liên quan