Nợ xấu đang tồn tại khá lớn trên các tài sản đảm bảo bất động sản

Nợ xấu đang tồn tại khá lớn trên các tài sản đảm bảo bất động sản

Cần thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp

(ĐTCK) Rào cản lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay vẫn là khâu phát mại tài sản. Vì thế, muốn đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu cũng không dễ dàng như kỳ vọng.

Muốn bán tài sản bảo đảm phải thỏa thuận với con nợ

Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và đánh giá kinh tế vĩ mô, tiền tệ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu, NHNN tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD.

TS. Trần Du Lịch

Việc xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững.

Mục tiêu NHNN đưa ra trong năm 2019, ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 5%; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu...; nhưng muốn đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ không dễ.

Đến nay đã đi được hơn 1/3 chặng đường thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42, có hiệu lực từ 15/8/2017). Kết quả đã đạt được là khá rõ nét, nhưng vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn, qua đó mới đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu đáp ứng yêu cầu đề ra.

Trước hết là quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD - nội dung được xem là một trong những đột phá của Nghị quyết 42, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề đơn giản. Theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản bảo đảm đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ tài sản bảo đảm. Trong khi đó, tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp chưa có điều khoản này. Vì vậy, các TCTD cần đàm phán với bên vay để điều chỉnh hợp đồng. Do đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm xử lý nợ thành công hay không hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay. Muốn bán tài sản, chủ nợ phải thỏa thuận với con nợ, trong trường hợp không thỏa thuận được giá sẽ không bán được.

Cần thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp ảnh 2

Vấn đề này cần phải tháo gỡ, xử lý, vì tài sản đã đưa ra thế chấp phải chấp nhận theo cơ chế thị trường, cần giảm bớt thủ tục hành chính để có thể xử lý được tài sản bảo đảm. Hiện nay, việc phát mại tài sản của các ngân hàng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, khiến quá trình xử lý nợ xấu không thể đẩy nhanh. Do đó, ngân hàng vẫn phải dành nhiều lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro. Thực tế, vấn đề khó khăn nhất trong xử lý nợ xấu mà thời gian qua các ngân hàng thương mại chưa tìm được hướng ra là phát mại tài sản. Việc này đã được Chính phủ ra Nghị quyết 01, Nghị quyết 42, đó là phải sớm giải quyết tắc nghẽn trong việc xử lý các thủ tục hành chính phát mại tài sản bảo đảm, tăng quyền của chủ nợ để có thể giải quyết nhanh hơn trước sự trì trệ trong phát mại do thủ tục hiện phát mại quá nhiêu khê.

Rắc rối thứ tự xử lý tài sản

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 6, Nghị quyết 42, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu với giá bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập, sau đó xử lý, thu hồi nợ và phân chia với TCTD số tiền chênh lệch giữa số tiền thu nợ được và giá mua nợ. Nhưng thực tế triển khai còn rất khó khăn, trong đó nguyên nhân một phần là do Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) chưa được cấp đủ vốn. Mặt khác, VAMC chưa mạnh dạn thúc đẩy phương thức mua nợ này do cơ sở pháp lý bảo vệ cán bộ trong xử lý nợ xấu chưa có. Trong khi đó, theo quy định, đây là phương thức mua - bán nợ duy nhất mà VAMC được phép thực hiện. Điều này làm cho hoạt động mua - bán nợ còn chậm. Bên cạnh đó, các thứ tự ưu tiên xử lý trong vụ việc có nhiều tài sản thi hành án được hiểu và áp dụng khác nhau.

Về nguyên tắc, các hợp đồng bảo đảm có hiệu lực pháp lý như nhau khi phải xử lý để thực hiện nghĩa vụ của các bên. Các tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của người phải thi hành án cần được xử lý đồng thời khi người được thi hành án yêu cầu. Tuy nhiên, một số cơ quan thi hành án có quan điểm phải xử lý xong tài sản của khách hàng vay, rồi mới tiến hành xử lý tài sản thi hành án của bên thứ ba, hoặc có văn bản đề nghị Tòa án xác định thứ tự xử lý tài sản trong bản án. Chính cách làm này khiến quá trình thi hành án, xử lý nợ xấu bị kéo dài.

Điều quan trọng hiện nay là tập trung xử lý để gỡ ách tắc, tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản, nhất là khi thị trường đang ấm lên, từ đó việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ nhanh hơn, giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết bài toán nợ xấu. Điều này đã được chứng minh trong thời gian qua. Do vậy, việc cần giải quyết hiện nay là hình thành được thị trường mua - bán nợ một cách đúng nghĩa. Nếu để nợ xấu kéo dài sẽ rất nguy hiểm bởi dễ gây tác động dây chuyền. Mối nguy này cần sớm được gỡ bỏ, nếu không sẽ ngày càng di căn, gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Việc xử lý nợ xấu năm 2019 có tiến triển hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khối tài sản bảo đảm khổng lồ bằng bất động sản mà hiện nay đang nằm bất động, trong đó phần quan trọng nhất vẫn nằm ở các khoản nợ mà ngân hàng đã bán cho VAMC trong những năm qua.

Còn nhớ tháng 10/2013, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động ngân hàng Việt Nam có một đầu mối xử lý nợ xấu đặc thù ra đời - VAMC, mua lại nợ xấu các TCTD nhưng không trả bằng tiền mặt, mà bằng trái phiếu đặc biệt với kỳ hạn 5 năm. Tính từ tháng 10/2013 đến 31/12/2018, VAMC đã mua tổng dư nợ gốc nội bảng là trên 340.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ mới xử lý được hơn một nửa. Từ năm 2018, công ty này đã hạn chế mua thêm, chuyển dần sang mua theo giá thị trường… Tuy nhiên, chúng ta thiếu vắng một thị trường mua - bán nợ thực sự.

Điều 5, Nghị quyết 42 quy định TCTD được bán các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo liên quan một cách công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật và giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Tuy nhiên, việc bán nợ vẫn tương đối hạn chế do TCTD vẫn chủ yếu bán nợ cho VAMC và DATC (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam).

Việc mua - bán nợ giữa các TCTD với VAMC, DATC vẫn diễn ra lâu nay, nhưng rõ ràng là chưa có hoạt động mua - bán nợ giữa các TCTD với nhau và nhất là chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân (kể cả các nhà đầu tư nước ngoài). Một phần do điều kiện kinh doanh dịch vụ mua - bán nợ khá cao, chẳng hạn yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và tối thiểu 500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp thành lập sàn giao dịch nợ, yêu cầu về quản lý nội bộ…

Về khuôn khổ pháp lý, đã có Nghị định 69/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua - bán nợ. Tuy nhiên, hướng dẫn triển khai nghị định này rất sơ sài và chưa có đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ. Đồng thời, thông tin liên quan đến khách hàng (bên nợ), đến khoản nợ còn thiếu công khai, minh bạch, gây khó khăn cho các bên có nhu cầu mua nợ trong việc tiếp cận, tìm hiểu để đánh giá và mua nợ.

Việc giải quyết, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian qua chỉ chống được sự đổ vỡ, nhưng làm thế nào để nâng cao năng lực quản trị và làm sạch dứt điểm nợ xấu trong sổ sách của các ngân hàng mới là vấn đề quan trọng. Một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng thực chất vẫn không thay đổi nhiều, Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ lớn. Sở hữu chéo trong ngành ngân hàng từng bước được giải quyết, song chưa triệt để…

Công cuộc xử lý tồn đọng và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mới đi được hơn nửa chặng đường, nên mục tiêu 5 năm tới là phải giải quyết hết các vấn đề căn bản của hệ thống, kể cả với khung pháp lý, đặc biệt là việc thành lập thị trường mua - bán nợ. Bởi một khi thị trường này chưa hình thành, muốn giải quyết được nợ xấu là vô cùng khó khăn.

Năm 2018, các TCTD đã xử lý được 149.220 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và 1,99% cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm dưới 2% - ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết 01 vừa ban hành hồi đầu năm. Trong năm 2019, NHNN tiếp tục giám sát việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Tin bài liên quan