Đánh giá trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 diễn ra sáng 24/9 vừa qua.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài do quy mô kinh tế nước ta còn hạn chế, độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động đan xen, tạo áp lực cho công tác điều hành, ứng phó với các biến động trong tương lai.
“Trước sức ép về lãi suất đồng đô la Mỹ, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới, căng thẳng do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước.
Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập..., mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời cũng tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước", ông Phương nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, tại Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mục tiêu chủ yếu năm 2019 là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%.
Kiên định mục tiêu cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các đột phá chiến lược; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2018 và những vấn đề cần quan tâm trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tập trung duy trì tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực; đặc biệt đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động và phục vụ.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nóng của xã hội nhằm củng cố niềm tin của xã hội, ổn định và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông...
Mục tiêu chủ yếu năm 2019 là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định cần tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao nhất để hoàn thành kế hoạch 5 năm, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Bộ trưởng cũng cho rằng cần tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược bao gồm hoàn thiện thể chế, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực.
Đặc biệt, các địa phương cần tập trung cho quy hoạch, chuẩn bị tốt cho mặt bằng, hạ tầng cho dự án: đường, điện, hệ thống thông tin… và nguồn nhân lực cho các dự án.
“Phải nhận diện cho được những khó khăn thách thức của toàn nền kinh tế và từng địa phương cùng với những cơ hội mới để kịp thời nắm lấy để hiện thực hóa nó để phát triển kinh tế đất nước nói chung, địa phương nói riêng. Địa phương cần sớm thấy được cơ hội của mình trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 để bứt phá lên”, Bộ trưởng gợi mở giải pháp.
Để tăng cường thu hút đầu tư cả về chất và lượng, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần phải thay đổi, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.
Thực tế đúc kết từ các hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua được tổ chức, với hàng loạt các dự án lớn được ký kết, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ, nếu không có cách, không tập trung, nỗ lực, thì những cam kết vẫn chỉ là những ký kết trên giấy, chứ không thể thành hiện thực.
Cũng theo Bộ trưởng, các địa phương cần nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, thực hiện đầu tư, tập trung cho quy hoạch, chuẩn bị tốt cho mặt bằng, hạ tầng cho dự án: đường, điện, hệ thống thông tin… và nguồn nhân lực cho các dự án bởi đây chính là làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ.