TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Là người tham gia Quốc hội 3 khóa liên tục (khóa XII, XIII và XIV), ông kỳ vọng gì vào kỳ họp này?
Kỳ họp thứ tám diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi chúng ta vừa kiện toàn bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Kỳ họp này cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội mới khôi phục thì bị bão Yagi càn quét 26 tỉnh, thành phố, với tổng thiệt hại “quy ra tiền” có thể cân đo, đong đếm ngay được là khoảng 81.000 tỷ đồng.
Còn thiệt hại về sau như người dân, doanh nghiệp phải bỏ tiền ra khắc phục hậu quả; người dân, doanh nghiệp bị giảm hoặc mất thu nhập; ngân sách nhà nước giảm thu trong một thời gian thì không cân đo được. Đối với những hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhỏ; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tổn thất do bão Yagi gây ra rất lớn so với tài sản hiện có của họ, không ít hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ mất trắng toàn bộ tài sản sau nhiều năm chắt bóp.
Chính vì vậy, các tầng lớp dân cư, cử tri cả nước, nói chung là toàn xã hội kỳ vọng các đại biểu Quốc hội hiểu và chia sẻ với những khó khăn đã xảy ra và đem không khí này vào các phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, cũng như chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này.
Công tác khắc phục bão Yagi đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày trong báo cáo trước Quốc hội, nên chắc chắn nội dung này được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến và chất vấn các thành viên Chính phủ, thưa ông?
Nhìn lại công tác phòng, chống thiên tai, cử tri và nhân dân đều thấy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo sát tình hình, ứng phó từ sớm, từ xa với nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, phòng ngừa ở mức cao nhất, sẵn sàng phương án cho mọi tình huống (Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 công điện về ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3); xử lý bản lĩnh, khoa học, hiệu quả các tình huống khẩn cấp về đê điều, hồ đập; qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Lãnh đạo các cấp, các ngành đã kịp thời động viên thăm hỏi; chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động kinh tế, xã hội, không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở, học sinh sớm được đến trường, người bệnh được cứu chữa.
Tóm lại, chính quyền các cấp đã chủ động, tích cực huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai ngay nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; các cháu học sinh phải được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; hỗ trợ con giống, cây giống, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo việc làm, sinh kế ổn định cho nhân dân.
Trong không khí này, chắc chắn bão Yagi, công tác phòng, chống thiên tai, phương án khắc phục thiên tai sẽ là chủ đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận. Cơ quan hành pháp các cấp đã rất nỗ lực, cố gắng, cử tri và nhân dân ghi nhận và bây giờ cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất do cơn bão mong muốn Quốc hội phải có hành động cụ thể. Còn nếu chỉ chia sẻ, động viên, an ủi, thì theo tôi, có lẽ không còn thiết thực.
Theo ông, điều thiết thực lúc này là gì?
Nếu còn là đại biểu Quốc hội, chắc chắn tôi sẽ đưa ra kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân 6 tháng cuối năm 2024, thậm chí cả 6 tháng đầu năm 2025 cho tất cả cá nhân, doanh nghiệp bị tổn thất ở khu vực bị thiệt hại (12 tỉnh, thành phố) bởi cơn bão lịch sử này.
Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ - đều sử dụng nguồn dự trữ nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2.150 tỷ đồng hỗ trợ người dân - đều là tiền của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tự nguyện hỗ trợ với tinh thần đại đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.
Nhưng đến thời điểm này, Quốc hội cũng chưa giao cơ quan nào xây dựng nghị quyết như ông nói?
Cần phải xây dựng cách làm luật. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến thông qua 18 luật và 3 nghị quyết, cho ý kiến 10 dự thảo luật, trong đó có một luật liên quan đến đầu tư sửa đổi, bổ sung 4 luật và một luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành tài chính sửa đổi, bổ sung 7 luật mà công tác xây dựng luật không thay đổi tư duy thì cứ sửa đi, sửa lại liên tục.
Thời gian để thực hiện và phấn đấu hoàn thành kế hoạch 2021 - 2025 đặt ra cho Kỳ họp thứ tám rất nhiều nhiệm vụ. Trong đó, có lẽ một trong những nhiệm vụ mà xã hội kỳ vọng nhất là Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải thay đổi tư duy làm luật, đừng mất thời gian ngồi tranh luận với nhau về câu chữ, chỗ này là chữ “và” thay cho chữ “với”, chỗ kia thay “dấu phẩy” bằng dấu “chấm phẩy”...
Tư duy làm luật bây giờ là phải đi thẳng, đi trực diện vào bản chất của sự việc; luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế, xây dựng mới chỉ nhằm mục đích duy nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế, cả xã hội phát triển.
Những vấn đề mới phát sinh như Nghị quyết miễn thuế cho người dân, doanh nghiệp bị tổn thất do bão Yagi chẳng hạn, cần phải làm ngay theo hình thức rút gọn, cũng không mất nhiều thời gian, công sức.
Kỳ họp này, Quốc hội ban hành một luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư và một luật sửa 7 luật liên quan đến tài chính. Thưa ông, đây cũng là tư duy đổi mới?
Ngay tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, tôi là một trong số ít đại biểu đã có sáng kiến xây dựng một luật sửa nhiều luật. Nhưng sau hơn chục năm xây dựng luật theo cách thức này, hiệu quả đạt được lại không như kỳ vọng.
Vì vậy sau đó, chúng tôi kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý ngay những bất cập, tồn tại, hạn chế đang cản trở, kìm hãm sự phát triển, không còn phù hợp với thực tế, sau một thời gian triển khai nghị quyết sẽ sửa tổng thể từng luật, thì hệ thống luật pháp đồng bộ hơn, ổn định hơn, phù hợp với thực tế luôn biến động, đỡ phải sửa liên tục rất nhiều luật như lâu nay.
Thay đổi tư duy làm luật, theo tôi, thay vì ban hành một luật sửa nhiều luật, thì Quốc hội ban hành từng nghị quyết sửa từng luật, vì thực ra, mỗi luật sửa không nhiều, nên không mất nhiều thời gian, công sức. Hơn nữa, quy trình xây dựng nghị quyết cũng đơn giản hơn xây dựng luật rất nhiều, nên nghị quyết có thể ban hành ngay, có hiệu lực ngay, tránh tư duy xây dựng luật như lâu nay là những quy định nào chín muồi, được thực tế chứng minh là đúng thì đưa vào luật, quy định nào chưa chín, chưa rõ thì thực hiện thí điểm, nghiên cứu tiếp.
Cách làm luật theo tư duy này là chạy theo thực tế cuộc sống, bởi có những cái hôm nay chín muồi, phù hợp, nhưng thời gian sau thì không và ngược lại có những cái hôm nay chưa rõ, chưa đúng, chưa phù hợp thì thời gian sau lại đúng, lại rõ, lại phù hợp.