Đó là một trong những kiến nghị của ông Chris Razook, Trưởng bộ phận Quản trị công ty Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) để củng cố quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế. IFC là đối tác hỗ trợ chuyên môn cho Cuộc bình chọn BCTN tốt nhất.
Ông đánh giá thế nào về Cuộc bình chọn BCTN tốt nhất mà HOSE và Báo ĐTCK tổ chức?
Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất là một sáng kiến xuất sắc và hết sức quan trọng đối với TTCK Việt Nam. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến xu hướng tích cực về nội dung công bố thông tin của DN Việt Nam và những DN giành giải thưởng năm nay là tấm gương tốt để các DN khác học tập. Tuy nhiên, dựa trên kết quả chung của cả cuộc bình chọn này và từ kết quả khảo sát về thẻ điểm quản trị công ty do IFC thực hiện, còn có tỷ lệ rất lớn các công ty niêm yết ở Việt Nam chỉ đạt mức dưới trung bình về nội dung công bố thông tin.
Minh bạch là một thách thức chung ở các thị trường vốn trong khu vực; tuy nhiên, các công ty Việt Nam có thể thấy những ví dụ tích cực ở các quốc gia ASEAN như Singapore, Thái Lan... Khi các thị trường khu vực ngày càng hội nhập, DN Việt Nam nhất thiết phải nâng cao chuẩn mực về thông lệ quản trị để có thể cạnh tranh và thu hút nguồn vốn đầu tư hết sức cần thiết.
Theo ông, trong một năm vừa qua, quản trị công ty ở Việt Nam đã có tiến bộ ở điểm nào và điểm nào vẫn là điểm yếu nhất cần ưu tiên cải thiện ngay?
Trong một vài năm qua, IFC và Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tích cực thúc đẩy quản trị công ty ở Việt Nam thông qua nhiều hoạt động khác nhau và từ phía mình, chúng tôi cảm thấy được khích lệ khi nhận thấy xu hướng tích cực chung trên khắp thị trường. Ví dụ, một nền tảng vững chắc đã được thiết lập thông qua những thay đổi cơ bản trong môi trường pháp lý và thể chế, với nhiều mục tiêu, trong đó có tăng cường bảo vệ đối với nhà đầu tư và quyền của cổ đông.
Nhận thức chung trên thị trường đã được cải thiện mạnh mẽ. Nhưng cho dù đã có tiến bộ như vậy, vẫn còn nhiều việc cần làm. Cụ thể, cần tăng cường hoạt động và sự độc lập của HĐQT, thủ tục giải quyết xung đột, trách nhiệm của thành viên HĐQT và kiểm soát nội bộ, cũng như cải thiện liên tục về minh bạch và công bố thông tin. Sở hữu chéo và sở hữu tập trung vẫn ở mức cao ở nhiều DNNN cũng như DN tư nhân và thường khó nhận biết chủ sở hữu thực chất cuối cùng.
Khi Việt Nam tiếp tục mở cửa và hội nhập sâu hơn với các thị trường khu vực, nhà đầu tư và các bên có quyền lợi liên quan khác sẽ chờ đợi DN Việt Nam có chuẩn mực quản trị tốt hơn. Vì vậy, để có được khả năng cạnh tranh và bền vững, điều quan trọng là Việt Nam phải tiếp tục giữ vững tiến độ tốt như đã thực hiện được cho tới nay.
Việt Nam nên thực hiện những hoạt động gì để tiếp tục củng cố quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế?
Có một số hoạt động có thể được thực hiện ở các cấp, đều với mục tiêu giúp các DN Việt Nam duy trì được sự bền vững và khả năng cạnh tranh với các công ty trong khu vực và trên thế giới.
Để bắt đầu, chúng tôi tin rằng cần thành lập một Học viện thành viên HĐQT (Institute of Directors) độc lập và có uy tín ở Việt Nam, để hỗ trợ việc liên tục cải thiện các thông lệ quản trị công ty áp dụng tại các công ty.
Từ kinh nghiệm làm việc với nhiều học viện như vậy trên toàn cầu, chúng tôi tin rằng, đây chính là mắt xích còn thiếu ở Việt Nam và là bước đi quan trọng tiếp theo của quốc gia.
Ngoài ra, các công ty niêm yết và đặc biệt là khu vực ngân hàng cũng cần thực hiện nhiều hoạt động, như tiếp tục cải thiện về quy định và đào tạo chung về thông lệ hoạt động của HĐQT, quyền lợi của cổ đông, và giao dịch của các bên liên quan và các nội dung khác.
Hơn nữa, với số lượng lớn DNNN đã và dự kiến sẽ gia nhập thị trường vốn Việt Nam, cần chủ động phối hợp với những DN này để họ nhận thức được về vai trò cổ đông của Nhà nước và hỗ trợ để những DN này có được khung quản trị vững mạnh. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp là một thay đổi quan trọng khác đang được thực hiện, và cần áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất một cách phù hợp.
Nhìn chung, cần tiếp tục đào tạo và nâng cao nhận thức trên toàn thị trường để đảm bảo rằng, các DN hiểu rõ lý do tại sao điều này lại hết sức quan trọng đối với khả năng cạnh tranh và sự bền vững lâu dài của DN khi Việt Nam tiếp tục mở cửa và hội nhập với các thị trường khác.