Đánh giá của ông về diễn biến tỷ giá thời gian vừa qua?
Bức tranh kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh và dự trữ ngoại hối dồi dào đã giúp VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực trong nửa đầu năm 2018. Thậm chí, VND đã tăng giá nhẹ so với USD trong tháng 4-5.
Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam
Tuy nhiên, diễn biến thị trường ngoại hối đã đảo chiều trong đầu quý III/2018, khi tiền đồng có những đợt mất giá tương đối nhanh. Nguyên nhân được đánh giá xuất phát từ những biến động có tính khách quan trên thị trường tài chính quốc tế, cụ thể là sự suy yếu của đồng nhân dân tệ (CNY) do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc thời gian vừa qua.
Trong vòng 3 tháng qua, CNY đã mất giá gần 7% so với USD, gây tác động trực tiếp lên tiền đồng, tạo ra sức ảnh hưởng lớn hơn việc Mỹ áp đặt hàng rào thuế quan lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như máy giặt, nhôm, thép từ tháng 2 và tháng 3 vừa qua.
Kết quả này hoàn toàn dễ hiểu khi Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia.
Đáng chú ý, Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Khi CNY rẻ hơn sẽ khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh so với các nhà sản xuất nội địa tại thị trường Việt Nam.
Điều này cũng có khả năng mở rộng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc khi nhu cầu đối với hàng xuất khẩu rẻ hơn của Trung Quốc.
Đứng trước bối cảnh đó, vào đầu tháng 7/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ giá bán USD hỗ trợ thị trường, cùng với việc bán ra gần 2 tỷ USD trong khoảng 3 tuần để kìm hãm đà mất giá nhanh của VND.
Sau đó, NHNN chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt bằng cách niêm yết tỷ giá bán thấp hơn giá trần 50 đồng, thay vì 20 đồng như trước kia, cũng như nới rộng chênh lệch lãi suất VND-USD để hạn chế xu hướng đầu cơ.
Áp lực mất giá quá nhanh của VND có thể gây ra một số tác động lên tình hình lạm phát, triển vọng tái đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khi biến động VND ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Do vậy, điều quan trọng là tìm sự cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu.
Dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất USD trong tháng 9 này, theo ông, sẽ có tác động như thế nào đối với VND?
Về rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ khi Fed tăng lãi suất sẽ tác động tới sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu và thị trường tài chính là nơi hứng chịu tác động trực tiếp. Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Argentina… cũng liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và bảo vệ đồng nội tệ khỏi sự trượt giá nhanh.
Do đó, Việt Nam cũng khó tránh khỏi những tác động từ thị trường thế giới, đồng thời nằm trong xu hướng lạm phát tăng nhanh và đồng nội tệ bị mất giá.
Hiện nay, tuy áp lực tăng lãi suất chưa lớn, nhưng rõ ràng, việc USD tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá trong nước. Áp lực tăng lãi suất từ Fed cùng sự mất giá của tiền đồng có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) vào Việt Nam chậm lại trong thời gian tới.
CNY có thể tiếp tục mất giá trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang. Theo ông, điều này tác động lên hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam như thế nào?
Khi CNY suy yếu thì Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Từ đó, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có cùng nhóm hàng với Trung Quốc như dệt may, da giày... sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về phía Mỹ, với việc chuẩn bị áp dụng hàng rào thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như thép, đồ điện tử..., Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi đây là những ngành có mức tăng trưởng ấn tượng trong cơ cấu xuất khẩu vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các mối đe dọa về thuế quan tăng thêm từ Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất trong các lĩnh vực như lắp ráp điện tử - vốn đang là xu hướng cạnh tranh của quốc gia trong thời gian qua. Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút tích cực hơn các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh "đồng bạc xanh" đang mạnh lên, tỷ giá VND/USD được dự báo sẽ có những biến động. Theo ông, doanh nghiệp cần chuẩn bị thế nào để đối phó với những biến động này?
Sự biến động của tỷ giá trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào những diễn biến địa chính trị và thương mại trên thị trường quốc tế. NHNN có thể tiếp tục để VND thay đổi nhằm thích ứng với những biến động đó, nhưng về mặt tốc độ cũng như biên độ dao động vẫn sẽ trong tầm kiểm soát khi NHNN tiếp tục áp dụng cơ chế điều hành linh hoạt để ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo sẽ diễn biến phức tạp. Để chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro.
Trong bối cảnh NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kinh tế vĩ mô ổn định, ngân hàng luôn đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp được đáp ứng kịp thời, đầy đủ và đưa ra những giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro thị trường.