Ông lý giải ra sao về hiện trạng nhiều DN FDI báo lỗ triền miên trong nhiều năm, nhưng lại liên tục tăng vốn, mở rộng phạm vi kinh doanh tại Việt Nam?
Việc các DN FDI liên tục tăng vốn đầu tư cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng lợi nhuận từ thị trường này trong tương lai.
Lợi nhuận/lỗ của một DN thể hiện kết quả hoạt động kinh doanh của DN đó trong quá khứ. Trong điều kiện lý tưởng, một DN mong đợi thành công (có lợi nhuận) trong quá khứ để tăng vốn hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nền kinh tế thế giới và đặc biệt là Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh, như tác động của suy thoái kinh tế, việc gia nhập WTO, cải cách hệ thống ngân hàng, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm. Những thay đổi đó đã làm cho thị trường trở nên khó khăn và ảnh hưởng bất lợi đến tình hình kinh doanh của các DN.
Dù kết quả hoạt động kinh doanh không tốt trong quá khứ, nhưng kỳ vọng tốt vào thị trường Đông Nam Á vẫn cao như cách đây 2 năm, theo kết quả khảo sát niềm tin đầu tư mới nhất của E&Y. Theo đó, 63% đối tượng tham gia khảo sát đều cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á sẽ khởi sắc trong tương lai; 50% xem tăng trưởng là mục tiêu chính và đặt trọng tâm chú ý cùng các nguồn lực vào việc đầu tư vốn.
Vậy nhưng, có ý kiến cho rằng, mở rộng đầu tư trong khi liên tục báo lỗ là một dấu hiệu của chuyển giá?
Rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam xem thực tế nói trên là một trong những dấu hiệu cần phải tiến hành thanh tra về lạm dụng chuyển giá trong các giao dịch liên kết. Nhưng, như đã giải thích ở trên, tình trạng thua lỗ và việc tăng vốn thể hiện các khía cạnh khác nhau trong kết quả hoạt động kinh doanh và niềm tin đầu tư của DN.
Nếu cho rằng các yếu tố trên là dấu hiệu của việc chuyển giá mà không đi sâu phân tích hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh tế, bối cảnh thực tế của các giao dịch và chính sách giá xác lập cho các giao dịch này của DN, thì đây có thể là một kết luận vội vàng.
Ông nghĩ sao về nhận định, chuyển giá đang là một trong những nguồn lợi chính của nhiều DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam?
Chuyển giá đang là một trong những chủ đề được quan tâm nhất, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên quy mô toàn cầu.
Các cơ quan quản lý, bao gồm cả OECD đang trong quá trình ban hành các hướng dẫn chi tiết hơn về cách thức soát xét cấu trúc và giao dịch của công ty, nhằm hỗ trợ cơ quan thuế tại các quốc gia có liên quan đánh thuế một cách công bằng lên các khoản lợi nhuận phân bổ cho quốc gia đó, đồng thời tránh tình trạng lấy lý do “không đánh thuế trùng” nảy sinh từ việc lạm dụng các hiệp định tránh đánh thuế hai lần và chuyển giá.
Về mặt lý thuyết, việc lạm dụng chuyển giá xảy ra là do sự chênh lệch trong mức thuế suất áp dụng và do đó tạo động lực cho các công ty chuyển phần lợi nhuận trước thuế từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam chủ yếu thực hiện các giao dịch (đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, nhập khẩu) với các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Mỹ, Hồng Kông và các quốc gia trong Liên minh châu Âu.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của các nền kinh tế này dao động từ 17% tại Singapore/Đài Loan, 25% tại Nhật Bản/Trung Quốc, đến 35% tại Mỹ và các quốc gia trong Liên minh châu Âu. Ngược lại, thuế suất thuế thu nhập DN của Việt Nam hiện tại là 22% và các công ty mới thành lập còn được hưởng nhiều ưu đãi về thuế (thuế suất 0%) hoặc được giảm thuế đến 50% so với thuế suất hiện hành (cụ thể, 50% của 22% là 11%) trong nhiều năm.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu như sự chênh lệch thuế suất là lý do để các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài định giá các giao dịch liên kết do thuế suất của Việt Nam thấp hơn và việc kiểm soát ngoại hối tại Việt Nam cũng không quá khó khăn.
Theo thông lệ quốc tế, việc chống chuyển giá được thực hiện ra sao, thưa ông?
Nhìn chung, quy định pháp luật về xác định giá thị trường của Việt Nam (chi tiết trong các Thông tư 117/2005 và Thông tư 66/2010 của Bộ Tài chính) và việc ban hành quy định cho phép áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) có hiệu lực vào ngày 1/7/2013 đã phù hợp với các quy định mà các quốc gia khác đang áp dụng.
Theo ông, Việt Nam cần áp dụng những biện pháp nào để chống chuyển giá hiệu quả?
Mặc dù khung pháp lý điều chỉnh vấn đề xác định giá thị trường tại Việt Nam đã được xác lập từ năm 2007, nhưng việc thực thi các quy định này trong quá khứ chưa được triệt để. Tuy nhiên, vấn đề này đã được chú trọng hơn trong những năm gần đây.
Bằng chứng là Chương trình hành động quốc gia kiểm soát về chuyển giá giai đoạn 2012 - 2015 đã nhấn mạnh việc tiến hành thường xuyên thanh tra, kiểm tra về chuyển giá, tiếp tục xây dựng và nâng cao năng lực về xác định giá thị trường cho cơ quan thuế (tăng cường cán bộ thanh tra chuyên về chuyển giá, OECD, Ủy ban Châu Âu và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đào tạo về chuyển giá cho cán bộ thuế) và gia tăng các cuộc thanh tra, kiểm tra về chuyển giá. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã và đang thực hiện các bước đi đúng hướng nhằm thực thi pháp luật và đảm bảo việc tuân thủ từ phía các doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc ban hành quy định cho phép áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) là một động thái đáng được hoan nghênh. Cơ chế này được xem là sự lựa chọn nhằm giải quyết các tranh chấp về xác định giá thị trường khi người nộp thuế có thể ký kết một thỏa thuận với cơ quan thuế về việc xác định trước về giá thị trường.
Việt Nam đang áp dụng cơ chế tự khai, tự nộp thuế, cụ thể là người nộp thuế tự kê khai thuế dựa trên các quy định pháp luật, thông lệ và tiền lệ về thuế có liên quan. Do các cuộc thanh tra, kiểm tra về chuyển giá mới được tiến hành tại Việt Nam và không có nhiều tiền lệ để người nộp thuế tham khảo, do đó, sẽ rất hữu ích nếu như cơ quan thuế tiến hành thông báo định kỳ các hoạt động thanh tra, bao gồm các phương pháp, cách thức được áp dụng và được chấp nhận.
Điều này sẽ làm cho môi trường thực thi pháp luật về xác định giá thị trường được minh bạch hơn và hỗ trợ người nộp thuế chủ động tuân thủ các quy định pháp luật và tiền lệ về thuế.
Điểm cần lưu ý là, việc xác định giá thị trường không dễ, không phải là một khoa học chính xác. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, gắn liền với tình huống và bối cảnh cụ thể của giao dịch.
Do đó, cần phải xem xét đầy đủ về tình huống và thực tiễn của giao dịch, hoạt động kinh doanh và bối cảnh kinh tế cho từng trường hợp. Thậm chí, các khác biệt dù là rất nhỏ trong thực tiễn và bối cảnh của giao dịch cũng có thể dẫn đến các kết luận khác nhau cho những trường hợp khác nhau.
Kinh nghiệm cho thấy, người nộp thuế sẽ rất hoan nghênh cơ quan thuế trong việc nỗ lực tìm hiểu hoạt động kinh doanh, thực tiễn và bối cảnh của giao dịch liên kết trước khi đưa ra kết luận, thay vì chỉ tuân theo và áp dụng luật một cách cứng nhắc mà không xét đến thực tế hoạt động kinh doanh và bối cảnh kinh tế của DN.
Cách thức thực thi như vậy của cơ quan thuế sẽ được DN hoan nghênh hơn và giúp hình thành nên thái độ chủ động tuân thủ các quy định pháp luật về xác định giá thị trường của DN về lâu dài.
>>“Ông lớn” kiểm toán tiếp tay chuyển giá?