Những lực đẩy giá vàng tăng cao
Trước tiên, có thể thấy, giá vàng quốc tế hiện nay đang bị dẫn dắt bởi nhu cầu đầu tư (và đầu cơ) hơn là bởi yếu tố nhu cầu tiêu dùng thật sự. Trong một phát biểu vào cuối tháng 9, Giám đốc điều hành của AngloGold, một trong ba công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới, cho rằng, với nhu cầu đầu tư gia tăng ngày một nhanh như hiện nay, giá vàng có thể tăng 70 đến 100 USD/ounce mỗi năm trong 5 năm tới. Hãng tin Reuters đánh giá, dự báo này còn tương đối "khiêm tốn" so với dự báo của Barrick Gold, công ty sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Barrick Gold dự báo giá vàng sẽ đạt 1.500 USD/ounce trong năm sau.

Vì sao nhu cầu đầu tư vào vàng lại tăng nhanh như vậy? Đó là vì các sản phẩm đầu tư thay thế vàng như cổ phiếu, trái phiếu, đồng USD hay đồng Euro đang trì trệ hoặc trên đà sụt giảm. Triển vọng của các phương tiện đầu tư này cũng không mấy sáng sủa khi mà một số tín hiệu vĩ mô cho thấy kinh tế thế giới đang phục hồi chậm và ở Mỹ thì FED đang phải tính đến việc kích thích tăng trưởng bằng cách thực hiện nới lỏng số lượng tiền tệ lần 2, thông qua việc mua lại các trái phiếu chính phủ, đồng thời tăng một lượng đáng kể cung tiền ra nền kinh tế. Về mặt lý thuyết, cách làm này của FED sẽ đẩy giá đồng USD giảm, đồng thời làm tăng giá trái phiếu, đồng nghĩa với việc kéo lợi suất trái phiếu xuống. Bên cạnh đó, những biện pháp siết chặt tài khóa và thắt lưng buộc bụng tại châu Âu có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm chạp, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty, khiến chỉ số chứng khoán không thể tăng mạnh.

Như vậy, nhà đầu tư quốc tế bây giờ thực ra không có nhiều lựa chọn: lợi suất trái phiếu giảm, đồng USD giảm giá, thị trường cổ phiếu trì trệ… Chỉ còn vàng là lựa chọn thay thế sáng giá nhất. Trong bối cảnh nhà đầu tư ưa chuộng vàng và nhiều phân tích ủng hộ xu thế tăng giá của vàng, các nhà tư vấn tài chính sẽ không dám đi ngược xu thế mà sẽ chạy theo đám đông, tư vấn khách hàng của mình chuyển danh mục đầu tư sang vàng, tạo ra một hiệu ứng tự đẩy dự đoán trở thành sự thật (self-fulfilling prophecy).
Từ cuối tháng 6, các quỹ đầu tư vàng (trong đó có những quỹ chuyên đầu tư vàng hàng đầu thế giới như SPDR Gold Trust) đã tích lũy đáng kể một lượng vàng để đón đầu việc FED cuối cùng cũng phải lựa chọn giải pháp nới lỏng số lượng tiền tệ để kích thích tăng trưởng cũng như đón đầu mùa tăng giá của vàng. Thông thường, giai đoạn tháng 9 đến tháng 12 là giai đoạn vàng giữ ở mức giá cao trong năm, đặc biệt, tháng 9 thường là tháng vàng tăng giá mạnh nhất.
![]()
|
Như vậy, triển vọng mờ mịt của các phương tiện đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, USD; sự thiếu chắc chắn của tình hình hồi phục kinh tế thế giới đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng tăng nhanh. Các quỹ đầu tư vàng lớn đã tích lũy một lượng vàng lớn và chờ đợi cơ hội. Những thông tin kiểu như Ngân hàng Trung ương mua vàng, FED sẽ phải nới lỏng số lượng tiền tệ vào tháng 11 hay là mùa lễ hội Ấn Độ đang đến,… khiến nhu cầu vàng tăng chỉ là những tin tức châm ngòi cho một khối thuốc nổ đã chuẩn bị sẵn.
Điều gì có thể ngăn đà tăng giá của vàng?
Chính yếu tố quan trọng đứng sau xu thế tăng giá của vàng là lực mua vào của các quỹ đầu tư vàng cũng là yếu tố có thể ngăn đà tăng giá của vàng trong phần còn lại của năm. Các quỹ này không sớm thì muộn sẽ phải bán vàng ra để hiện thực hóa lợi nhuận.
Nhu cầu đầu tư vàng tăng vì các chính sách nới lỏng tiền tệ và sự phục hồi chậm chạp của kinh tế thế giới khiến các công cụ đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD trở nên kém hấp dẫn. Một khi kinh tế thế giới quay lại tăng trưởng nhanh, cổ phiếu tăng giá mạnh thì một dòng tiền đầu tư sẽ chuyển lại cổ phiếu với quan điểm "đa dạng hóa đầu tư". Khi đó, giữa một cổ phiếu có giá ở mức thấp so với vài năm trước và được dự đoán sẽ tăng nhanh trở lại và một ounce vàng đang ở mức giá cao nhất trong lịch sử, thì nhiều nhà đầu tư sẽ không chọn vàng. Chẳng phải chúng ta đã nhìn thấy vào khoảng nửa đầu năm nay, giá vàng quốc tế có một giai đoạn sụt giảm và khi đó báo chí cho rằng nhà đầu tư đang "ưa thích rủi ro hơn" và lựa chọn những sản phẩm đầu tư có rủi ro cao hơn như cổ phiếu đó sao?
Nếu tín hiệu tăng trưởng kinh tế khả quan trở lại, cổ phiếu sẽ được ưa chuộng. Những giải pháp nới lỏng tiền tệ của Mỹ cũng chính là nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng hiện nay của nước này. Giải pháp này sẽ không được thực hiện mãi và sẽ sớm chấm dứt khi mà Mỹ bắt đầu tăng trưởng khả quan trở lại và bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Chỉ cần các nền kinh tế lớn có thể dừng chính sách nới lỏng tiền tệ kịp thời và quay qua kiểm soát lạm phát đúng lúc thì lãi suất thực của các đồng tiền sẽ tăng, củng cố lại niềm tin đối với các đồng tiền dự trữ quốc tế chính và điều này sẽ bất lợi cho vàng. Tất nhiên, nếu các chính phủ thất bại trong việc kịp thời điều chỉnh chính sách tiền tệ, thì lạm phát sẽ có thể tăng nhanh trở lại trong 2, 3 năm tới, và khi đó thì người ta lại đề ra một luận điểm khác để giữ vàng: để chống lại mất giá do lạm phát. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài hạn hơn, và do đó, một dự báo quá lạc quan như kiểu vàng sẽ tăng về 2.000 USD/ounce trong năm tới thì có lẽ là đã đánh giá quá thấp phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn.
Những rủi ro của mua vàng ở giá cao, nhìn ở góc độ phân tích kỹ thuật
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, các tín hiệu cho thấy, giá vàng quốc tế đang đi vào khu vực mua vào quá nhiều trong ngắn hạn và có thể sắp phải điều chỉnh giảm trở lại. Một số nhà đầu tư và quỹ đầu cơ cũng có thể xem xét chốt lời ngắn hạn và chờ cơ hội mua vào mới. Mức hỗ trợ kỹ thuật quan trọng mới của giá vàng ở vào khoảng 1.260 USD/ounce, nghĩa là cũng ở tương đối xa mức hiện tại, do đó, việc mua vàng ở mức giá hiện nay là tương đối rủi ro. Hơn nữa, nếu như nhà đầu tư vàng thế giới đang chờ chốt lời thì một số nhà đầu tư vàng của Việt Nam cũng như vậy. Vì vậy, nhà đầu tư trong nước có thể chờ đợi một đợt điều chỉnh giá vàng về mức thuận lợi hơn cho việc mua vào tích lũy.
Một điều nữa mà các nhà đầu tư vàng trong nước cũng thường quan tâm, đó là biến động tỷ giá USD/VND. Cho dù giá vàng thế giới có điều chỉnh giảm trở lại, nhưng nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu sức ép tăng thì mức giảm của giá vàng trong nước có thể cũng không cao như giá vàng thế giới. Tuy nhiên, một rủi ro khác đối với nhà đầu tư trong nước là khi có những điều chỉnh mạnh của giá vàng thế giới thì chênh lệch giá mua vào và bán ra của vàng trong nước có thể mở ra rất rộng, vì vậy, cho dù tỷ giá USD/VND có thể làm tấm đệm giảm bớt tác động khi vàng thế giới giảm giá thì chênh lệch giá mua - giá bán lại có thể khiến tổn thất tăng lên. Vì lẽ đó, chờ đợi giá vàng thế giới điều chỉnh giảm về mức thuận lợi rồi mới mua vào có lẽ vẫn là một chiến lược tốt hơn là chiến lược cố đuổi theo con sóng tăng giá hiện tại. Với việc thị trường thế giới vẫn còn chờ đợi những quyết định cuối cùng của FED về việc nới lỏng tiền tệ (được dự đoán diễn ra trong tháng 11 tới), thị trường vàng trong vòng một tháng tới có lẽ vẫn còn nhiều "sóng ngầm".