Dự kiến, giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo

Dự kiến, giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo

Cần tăng mức độ xử phạt đối với hành vi rửa tiền

(ĐTCK) "Việc nhận biết khách hàng là yếu tố quan trọng để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và là điểm khởi đầu để khởi động quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố".

Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Văn Ngọc phát biểu tại hộii thảo về quản trị rủi ro vận hành hiệu quả với nội dung luận bàn về các vấn đề pháp lý và lộ trình triển khai phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố tại các ngân hàng ngày 8/5 diễn ra ở TP. HCM.

Tăng mức độ xử phạt để răn đe

Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định là khó khăn, lâu dài. Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng cao nhất thực tế, còn phải nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế để từng bước đáp ứng các chuẩn mực này.

Trước hết, cần sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền, tài trợ khủng bố phù hợp với quy định tại Công ước Vienna năm 1988, Công ước Palermo năm 2000 và Công ước Chống tài trợ khủng bố năm 1999 của Liên hiệp quốc trong đợt sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự dự kiến được thực hiện trong năm 2015. Đồng thời, nghiên cứu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

“Việc này được xem là cần thiết nhằm thu hồi tài sản liên quan đến tội rửa tiền, tài trợ khủng bố, ngăn chặn các pháp nhân được thành lập với mục đích rửa tiền, lợi dụng hoạt động của pháp nhân để rửa tiền, thu lợi bất chính”, ông Ngọc nói.

Mặt khác, cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong việc tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền áp dụng chung cho tất cả các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền ở mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, theo hướng tăng nặng mức độ xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe, tương thích với rủi ro.

Ông Aub Chapman, Giám đốc điều hành Aub Chapman Consulting (chuyên xây dựng quy trình, chính sách trong lĩnh vực kiểm soát đối với tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố và tham nhũng cho các ngân hàng) cho rằng, các ngân hàng cần tuân thủ pháp luật của nước sở tại đang hoạt động. Đồng thời, dựa trên cấu trúc khuôn khổ quản lý rủi ro hiện tại để tìm ra nơi mà quản lý rủi ro phòng, chống rửa tiền áp dụng phù hợp nhất.

Điều quan trọng nhất đó là các ngân hàng phải xem xét rủi ro phòng, chống rửa tiền ở các mặt gồm: rủi ro pháp lý (nguy cơ vi phạm rủi ro pháp lý) và rủi ro kinh doanh (nguy cơ tạo điều kiện cho hoạt động rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố).

Theo ông Aub Chapman, các chính sách tuân thủ là chưa đủ, sự tuân thủ cần phải được hỗ trợ bởi một nền văn hóa tuân thủ của ngân hàng mới có thể hạn chế rủi ro.

Các ngân hàng phải nhận thức rằng, để không bị phạt, bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền, tài trợ cho khủng bố, bị giảm uy tín trên thị trường trong và ngoài nước thì phải triển khai ngay các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Việc triển khai hiệu quả hoạt động này có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng trong hoạt động quốc tế, được xem như có visa để mở rộng hoạt động ngân hàng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là mở chi nhánh ở các nước châu Âu, Mỹ.

Lọc khách hàng khỏi danh sách “đen”

Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, các ngân hàng cần tăng cường đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cán bộ, nhân viên, ưu tiên đào tạo cho đối tượng là nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng. Đồng thời, thực hiện quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng.

“Việc nhận biết khách hàng là yếu tố quan trọng để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và là điểm khởi đầu để khởi động quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố”, ông Ngọc nói và cho rằng, việc quy định các ngân hàng được phép thực hiện chuyển tiền điện tử quốc tế phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử và phải có hệ thống phần mềm để lọc, phân tích giao dịch cũng là nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền và ngăn ngừa các rủi ro khác.

Ông Jeremy Chan, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực của FircoSoft cho biết, 4 yêu cầu chung cho ngành tài chính trong quản trị rủi ro vận hành bao gồm: lọc danh sách khách hàng theo dõi, lọc tất cả các giao dịch đến và đi, nhận biết khách hàng và giám sát giao dịch.

Với phần mềm sàng lọc, ngân hàng có thể phát hiện khách hàng nằm trong danh sách “đen”, danh sách cảnh báo khi mở tài khoản hoặc thiết lập mối quan hệ kinh doanh. Việc sàng lọc để phát hiện khách hàng và các bên liên quan đến giao dịch của khách hàng nằm trong danh sách “đen” của Liên hiệp quốc hoặc danh sách cấm vận của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trước khi thực hiện thanh toán quốc tế. Phần mềm sàng lọc sẽ phân tích giao dịch, tài khoản cho phép ngân hàng có được danh sách cảnh báo về khách hàng, giao dịch, tài khoản để rà soát xác minh, phát hiện giao dịch đáng ngờ.

Theo quy định pháp luật hiện hành, các ngân hàng phải báo cáo hàng ngày về giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử. Giao dịch có giá trị lớn là 300 triệu đồng đối với nộp, rút tiền mặt thông thường và 500 triệu đồng đối với gửi, rút tiền tiết kiệm bằng tiền mặt.

Đối với báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử, bao gồm cả chuyển tiền quốc tế và trong nước, các ngân hàng đã và đang báo cáo Ngân hàng Nhà nước không giới hạn giá trị, nên những giao dịch có giá trị nhỏ không có nhiều ý nghĩa trong đấu tranh chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Để khắc phục hạn chế này và để tiết kiệm công sức, năng lực của hệ thống công nghệ thông tin, NHNN đang xem xét quy định ngưỡng giá trị phải báo cáo. Đối với chuyển tiền điện tử quốc tế, dự kiến từ 1.000 USD trở lên sẽ phải báo cáo. Còn với giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, dự kiến từ 500 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo.

Được biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2014 - 2020.

Tin bài liên quan