Cần tăng cung tiền gấp cho nền kinh tế

Cần tăng cung tiền gấp cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp và nền kinh tế đang trải qua giai đoạn thanh khoản ngày càng cạn kiệt, thậm chí có thể gây ra đỗ vỡ hàng loạt. Đã tới lúc cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những chính sách đột phá để đảo ngược tình trạng này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay (15/11) chỉ số VN-Index đã giảm thêm 29 điểm (3,1%), lùi về mức 912 điểm. Đã có thời điểm trong phiên giao dịch hôm nay VN-Index nhúng xuống ngưỡng 900 điểm, cột mốc mà chỉ số này chính thức đạt được hồi tháng 10/2020.

Tình hình tồi tệ tới mức ngay từ sáng đã có cả trăm mã giảm sàn trước áp lực bán giải chấp của các công ty chứng khoán đối với các tài khoản vi phạm tỷ lệ vay margin, do giá chứng khoán giảm mạnh nhưng nhà đầu tư không xoay được tiền để bơm thêm vào tài khoản để đưa về tỷ lệ an toàn do công ty chứng khoán qui định.

Nếu so với mức đỉnh đạt được hồi tháng 4/2022, cho tới ngày hôm nay, tức chỉ trong vòng 7 tháng qua, VN-Index đã giảm 40,5%. Đã có hàng trăm cổ phiếu giảm tới 70-80% so với mức đỉnh đạt được cách đây chỉ mới hơn nửa năm, một mức giảm quá nhanh và quá sốc đối với rất nhiều nhà đầu tư, cả cũ và mới.

Nếu tính riêng trong tháng 11 thì trong 11 phiên giao dịch vừa qua VN-Index cũng đã giảm 12%, đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 10/11 chỉ số này giảm tới gần 4%, phá vỡ ngưỡng 950 điểm mà nhiều người tin tưởng là “ngưỡng hỗ trợ cứng”, trong đó có tới 170 mã giảm hết biên độ, trắng bên mua.

Từ chỗ được quốc tế đánh giá là thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới trong năm 2021 thì giờ đây VN-Index lại đang là chỉ số hoạt động kém nhất trên phạm vi toàn cầu. Một số thị trường trên thế giới gần đây đã có tín hiệu phục hồi với hy vọng lạm phát đã đạt đến đỉnh điểm và các ngân hàng trung ương sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ trong những tháng tới. Tuy nhiên, những chỉ dấu lạc quan nói trên lại không xuất hiện trên thị trường Việt Nam khi VN-Index nằm trong số các thị trường giảm sâu nhất thế giới.

Tình hình được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn nữa nếu các cơ quan quản lý nhà nước không nhanh chóng có động thái quyết liệt trấn an tâm lý của nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường nhanh chóng lấy lại cân bằng sau chuỗi ngày lao dốc không phanh.

Vì đâu nên nỗi?

Đã có rất nhiều lý do được các chuyên gia kinh tế và tài chính chỉ ra để lý giải cho mức giảm sốc của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng qua, trong đó có hai lý do lớn nhất ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của nhà đầu tư. Đó là việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp qui mô lớn.

Các cơ quan truyền thông thời gian gần đây đã phản ánh tình trạng căng thanh khoản, gọi một cách nôm na là thiếu tiền, đã và đang xảy ra tại rất nhiều doanh nghiệp lớn có, nhỏ có, trong đó rõ ràng nhất là các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản. Đây là hệ quả trực tiếp của hai nguyên nhân đã đề cập ở trên.

Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tình trạng khan hiếm thanh khoản hiện đã trở thành tình trạng chung của nền kinh tế. Ông Nghĩa mô tả: “Hiện nhiều doanh nghiệp đã "cạn máu", bây giờ chỉ ngồi đấy và chờ đợi. Có những doanh nghiệp thà "bán mình" còn hơn để phá sản”.

Ông Nghĩa cho rằng tăng cung tiền là vấn đề vô cùng cấp bách hiện nay và Chính phủ cần xử lý nhanh việc này.

“Cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải có trách nhiệm trong việc tăng cung tiền cho nền kinh tế ở thời điểm hiện tại”, ông Nghĩa hối thúc.

Trong tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tồn ngân quỹ Nhà nước hiện nay đang ở mức cao, lên tới 1 triệu tỷ đồng, và ngày càng bị tích tụ, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.

Ông Nghĩa cho rằng Bộ Tài chính cần phải tìm cách giải phóng 1 triệu tỷ đồng đang bị "nhốt" trong hệ thống ngân hàng này. Theo đó, một là, phải tạm ứng cho các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư công để có tiền triển khai dự án.

Hai là, trích một nửa trong số 1 triệu tỷ này để thành lập khẩn trương quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu chẳng hạn, như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ này có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo tốt và tài sản đảm bảo này được cầm cố tại quỹ.

Khi trái phiếu đến hạn, quỹ sẽ thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư thay doanh nghiệp. Hoặc ngân hàng hay nhà đầu tư mua trái phiếu đã đến hạn sẽ yên tâm khi có bảo lãnh của Chính phủ. Người đi buôn trái phiếu vừa được hưởng lãi suất cao lại được Chính phủ bảo lãnh sẽ quyết định đầu tư trái phiếu.

Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc phục hồi một cách ngoạn mục trong những ngày gần đây do hàng loạt biện pháp quyết liệt mà cơ quan quản lý tài chính và tiền tệ nước này đưa ra nhằm vãn hồi niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản nước này có lẽ là một ví dụ điển hình, rất đáng được tham khảo đối với Việt Nam vào lúc này.

Tin bài liên quan