Vấn đề bài toán nguồn vốn đã dừng lại
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của May 10 cho các thị trường truyền thống trong nửa đầu năm giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2022. Để vượt qua cơn bĩ cực đó, Ban lãnh đạo Công ty đã sử dụng mọi biện pháp, nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đồng thời tập trung vào thị trường trong nước với 100 triệu dân.
“Cũng chính bởi cầu trong nước và thế giới yếu dẫn đến đơn hàng giảm sút nên mặc dù ngành ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, tổ chức tín dụng tạo điều kiện trong việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nhưng chúng tôi không có nhu cầu vay vốn, mà linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm thiểu tối đa vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính cho đến khi nào tình thị trường hồi phục trở lại. Các đơn hàng mở ra thì khi đó doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng”, ông Việt chia sẻ.
May 10 được thị trường đánh giá là đơn vị uy tín trong ngành, nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, được xếp vào khối doanh nghiệp lớn và các tổ chức tín dụng tạo điều kiện trong việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng mà còn không có nhu cầu vay vốn, vậy các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác thì sao?
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, lĩnh vực sản xuất công nghiệp không nằm ngoài tình hình chung đó. Giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 chỉ tăng 1,56% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm khó bởi chuỗi giá trị cung ứng bị đứt gãy, hàng tồn kho cao, mất bạn hàng, đối tác, chưa kể gần đây có những thời điểm thiếu nguồn điện sản xuất.
“Vấn đề đối với doanh nghiệp hôm nay không còn dừng ở bài toán nguồn vốn, mà điều quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, là vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Điều doanh nghiệp cần hiện nay là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm. Đặc biệt, với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới…”, ông Vân nói.
Nhận định về diễn biến trên, TS. Lê Duy Bình, Economica Vietnam cho rằng, việc giảm lãi suất có ý nghĩa thiết thực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời là biện pháp để kích thích nhu cầu tín dụng, nhưng giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Chính sách tiền tệ quá sức
Trong bối cảnh hiện nay cần phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ.
Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu quan điểm, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao trong môi trường nhu cầu yếu có thể đồng nghĩa với việc chuyển tín dụng sang các lĩnh vực hoặc hoạt động phi sản xuất, từ đó có nguy cơ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn, thậm chí bất ổn tài chính.
Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình khuyến nghị, tăng trưởng tín dụng chỉ nên ở mức phải để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng kinh tế, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Vốn tín dụng quá nhiều, vượt quá năng lực hấp thụ của nền kinh tế sẽ gây rủi ro về nợ xấu, rủi ro bong bóng tài sản, tình trạng đầu cơ.
Theo thống kê, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam năm 2015 là 89,7%, năm 2016 là 97,6%, năm 2017 là 103,5%, năm 2018 là 102,9%, năm 2019 là 110,2%, năm 2020 là 114,3%, năm 2021 là 113,2%, năm 2022 là hơn 125%. Điều này cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng.
Với tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP của Việt Nam hiện nay nằm trong nhóm cao nhất ASEAN, nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam không nên để mức tín dụng trên GDP ở mức quá cao, do điều này có thể ảnh hưởng tới các chỉ số an toàn về kinh tế vĩ mô, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn.
“Tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn gấp 2 hoặc gấp 3 tốc độ tăng trưởng GDP như những năm vừa qua và có thể năm 2023 cũng như các năm tới có thể khiến dư nợ tín dụng trên GDP sớm vượt qua mức 125%. Tỷ lệ quá cao rõ ràng không có lợi cho sự ổn định vững chắc và năng lực chống chọi cao của kinh tế vĩ mô”, TS. Lê Duy Bình nhận xét.
“Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm như hiện nay là do sức cầu yếu, nên được giải quyết bằng các chính sách kích thích tổng cầu. Điều này đạt được tốt nhất thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng hơn. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam có dư địa tài khóa để làm được điều này”, ông Ketut Ariadi Kusuma nói.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Trong thời điểm hiện nay, chính sách tiền tệ không phải là giải pháp tăng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Chúng ta hay nói đến kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa hài hòa ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng thực tế đang có sự lệch pha trong hai chính sách”.
Cụ thể, theo ông Cung, trong khi ngành ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí thì chính sách tài khóa triển khai rất chậm, thậm chí là còn tăng thu ngân sách. Lúc này, đáng lẽ cần nhấn mạnh hơn chính sách tài khoá nhưng lại đang tập trung quá nhiều đến chính sách tiền tệ. Cần xem xét lại cách tiếp cận chính sách như hiện nay, bởi chính sách tiền tệ đã quá sức.
“Theo tôi, điều đầu tiên và cũng rất quan trọng đó là cần phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ. Tôi lưu ý thêm, một trong những giải pháp nữa là không nên đề cập đến tăng thu ngân sách. Vì trong nền kinh tế ảm đạm không thể tăng thu, đẩy doanh nghiệp vào thế khó chồng khó”, ông Cung nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Minh Cường, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam chia sẻ, ở nhiều quốc gia, khi nợ công tăng đồng nghĩa với việc chính phủ chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế, điều này phần nào hạn chế được gánh nặng nợ lên doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, ở Việt Nam, nợ công được kiểm soát tốt, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, nhưng ngược lại thì nợ doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng và nợ của người dân lại tăng lên.
“Điều đó cho thấy, dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn và do vậy, vai trò của chính sách tài khóa cần tăng cường hơn nữa để chia sẻ bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân”, TS. Nguyễn Minh Cường nói.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, doanh nghiệp không hào hứng vay gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, mà kỳ vọng vào chính sách tài khoá, với các quy định rõ ràng, mạch lạc. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động hậu kiểm cần tránh thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý, thay vì hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn.