Chênh lệch giá và trong và ngoài nước đang rất lớn.

Chênh lệch giá và trong và ngoài nước đang rất lớn.

Cần sớm sửa đổi cơ chế quản lý kinh doanh vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ chế quản lý vàng hiện tại đang tạo ra chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, mức chênh gần đây rất lớn, từ 6 - 9 triệu đồng/lượng. Vì mức chênh lệch này, hiện tượng gom ngoại tệ nhập lậu vàng cũng tồn tại dai dẳng, không chỉ đẩy tỷ giá USD chợ đen nhiều thời điểm lên rất cao, mà còn tạo hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ.

Trước hiện tượng trên, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 24, đây là văn bản đã được ban hành khá lâu, từ tháng 4/2012, có nhiều điểm cần sửa đổi. Ngoài việc khắc phục tình trạng bất cập về cung - cầu, còn cần có những quy định mới để phù hợp với những hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết gần đây, trong đó có quản lý về thị trường vàng.

Bất cân xứng cung - cầu

Cùng chiều đi xuống với giá vàng quốc tế, song giá vàng ở thị trường Việt Nam lại có độ vênh quá lớn khi cao hơn đến 8,5 - 9 triệu đồng/lượng trong thời gian gần đây. Vàng trong nước cao hơn thế giới chủ yếu do bất cân xứng cung - cầu. Do cầu vàng trong nước tăng mạnh những tháng đầu năm 2021, nhất là trong ngày vía Thần Tài.

Ông Huỳnh Trung Khánh,Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.
Ông Huỳnh Trung Khánh,Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.

Doanh số tại DOJI, PNJ... đều tăng mạnh trong tháng 1/2021, cho dù đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương. Qua đó có thể thấy, cầu về vàng trong nước, trong đó có nữ trang và vàng nhẫn vẫn rất lớn.

Đáng chú ý, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam tăng cường kiểm soát đường biên nên vàng lậu khó có thể chảy mạnh vào thị trường trong nước càng đẩy chênh lệch cung - cầu lên cao.

Tuy nhiên, khi mức chênh lệch lên tới 8 - 9 triệu đồng/lượng, thì vàng lậu vẫn tìm được cách len lỏi vào thị trường nội địa. Chính điều này đã khiến tỷ giá tự do tăng mạnh lên 23.900 - 24.000 đồng/USD trong đầu năm 2021.

Hiệp hội cho rằng, cần thành lập sàn giao dịch vàng, bởi hiện nay các kênh đầu tư khác đã có sàn giao dịch từ chứng khoán tới sàn hàng hóa, trong khi vàng không có sàn giao dịch.

Việc thành lập sàn giao dịch vàng dưới sự quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết, giúp thị trường có thanh khoản, người dân nắm giữ vàng có thể mua bán qua sàn tiện lợi thay vì hình thức mua tại tiệm/cửa hàng truyền thống, giá cả được các nhà kinh doanh vàng quyết định. Người hưởng lợi không ai khác là giới buôn lậu vàng và chính các đơn vị kinh doanh vàng.

Lập sàn giao dịch vàng còn giúp Nhà nước có thể phát triển các công cụ tài chính để huy động vàng trong dân, theo ước đoán có giá trị hàng chục tỷ USD.

Người mua vàng chỉ thiệt

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận những tác động tích cực của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã mang lại cho nền kinh tế, đặc biệt ở khía cạnh giảm tâm lý tích trữ vàng, chuyển dòng vốn vào các kênh đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế thị trường hơn 9 năm kể từ khi Nghị định 24 được ban hành cho thấy, nhu cầu nắm giữ vàng của một bộ phận người dân vẫn luôn tồn tại như thói quen truyền thống. Việc đảm bảo quyền lợi trong mua bán vàng của bộ phận này cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Hiện tại, người dân mua/bán vàng chỉ có cách duy nhất đến các các điểm giao dịch của các công ty kinh doanh vàng. Do vậy, việc mua bán được áp giá luôn theo hướng bất lợi cho người dân. Chẳng hạn, vào thời điểm tháng 8/2020, khi giá vàng quốc tế lập đỉnh 2.087 USD/ounce, giá vàng trong nước có tăng, song các tiệm vàng niêm yết giá mua vào thấp hơn nhiều so với giá bán ra lên đến 4,5 - 4,7 triệu đồng/lượng, khiến không chỉ người mua chịu thiệt vì giá cao hơn giá quốc tế, mà người giữ vàng muốn bán ra cũng chịu thiệt vì phải bán giá rất thấp.

Chính yếu tố trên khiến những người mua vàng luôn thiệt, mua giá cao và bán giá thấp. Chỉ có các tiệm vàng được cho là bội thu trong những ngày vàng tăng giá ở tuần đầu của tháng 8/2020, hoặc các đợt giá vàng biến động mạnh.

Do coi vàng không phải là kênh đầu cơ, nên Nhà nước đưa tài sản này vào quản lý chặt chẽ, hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng được cơ quan quản lý đưa về một mối là Ngân hàng Nhà nước.

Thế nhưng, cơ chế này đang bộc lộ những bất cập trong điều tiết thị trường và đảm bảo quyền sở hữu của người dân, chưa kể những hệ lụy như đã đề cập là nhập lậu vàng và chảy máu ngoại tệ.

Tin bài liên quan