Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, qua nghiên cứu và rà soát cho thấy có những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật, có sự sai sót của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định. Đồng thời với đó cũng phát sinh nhiều vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp còn rất khác nhau.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo |
Cụ thể hơn ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho biết, chưa có sự thống nhất, như xác định người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, việc áp dụng quy định về lãi suất, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án; về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn; về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự…
“Về việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm, đặc biệt liên quan đến bảo vệ người thứ ba ngay tình. Đây là vướng mắc mà các TCTD đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hỗ trợ có ý kiến bảo vệ quyền lợi hợp pháp nhiều nhất”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng |
Ông Long viện dẫn các căn cứ quy định pháp luật cho thấy, quy định về xác định, bảo vệ người thứ ba ngay tình đã được quy định tại Điều 133, Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao đã có hướng dẫn, giải thích tại văn bản số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính; đồng thời ban hành Án lệ số 43/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp. Công văn số 64 của TAND Tối cao đã lập luận và đưa ra quan điểm giải quyết được hiện trạng trên.
Tuy nhiên, Tòa án các cấp áp dụng Công văn này vào giải quyết các vụ án có quan điểm khác nhau, do đây chỉ là công văn nội bộ của ngành tòa án không phải là một loại văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành quy phạm pháp luật. Đồng thời, Công văn số 64 mang tính chất đưa ra giải đáp nghiệp vụ cho các Tòa án các cấp.
Đáng chú ý, ngày 2/8/2021, TAND Tối cao có văn bản số 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử, trong đó đối với việc xác định yếu tố ngay tình… Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn này không phù hợp thực tế và quy định pháp luật tín dụng ngân hàng, gây vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định tài sản bảo đảm khi xem xét cho vay đối với khách hàng, thậm chí làm rủi ro, gia tăng trách nhiệm cá nhân của cán bộ Ngân hàng khi thực hiện nhiệm vụ được giao”, ông Long nói.
Cụ thể, ông Long cho biết, theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng như quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng nói chung, Ngân hàng nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sẽ căn cứ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp để từ đó xác định chủ sở hữu và thông tin về tài sản.
Pháp luật không quy định ngân hàng phải xác minh thông tin nguồn gốc hình thành tài sản, đồng thời thực tế ngân hàng không thể xác định được toàn bộ những người sinh sống tại nhà đất đó (nhất là trong trường hợp họ cố tình che dấu thông tin với Ngân hàng). Do vậy, hồ sơ thẩm định tài sản bảo đảm của ngân hàng (căn cứ quy định pháp luật cũng như quy định nội bộ của ngân hàng) không bắt buộc phải có các tài liệu làm việc với những người sinh sống trên nhà đất nhận thế chấp.
“Theo đó, hướng dẫn tại Văn bản số 02 là chưa phù hợp về cả căn cứ pháp lý cũng như thực tiễn, gây rủi ro cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, cũng như trách nhiệm cá nhân của cán bộ ngân hàng", ông Long nói.
Ông Long cho biết, vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng nhận được phản ánh của tổ chức tín dụng hội viên liên quan đến việc một số tòa án khi xét xử đã tuyên ngân hàng phải trả lại Giấy chứng nhận đã được thế chấp hợp pháp và khoản vay đã được thẩm định theo đúng quy định, vì theo quan điểm của thẩm phán khi xét xử cho rằng, khi ký Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay, các tổ chức tín dụng không tiến hành thẩm định tài sản thế chấp theo đúng quy định, chính vì vậy, tổ chức tín dụng không xác định được tài sản thế chấp là của ai…, trên cơ sở đó tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp đồng thời với tuyên vô hiệu Hợp đồng chuyển nhượng…
Cũng có trường hợp tòa án đã tuyên buộc tổ chức tín dụng có nghĩa vụ hoàn trả số tiền khách hàng đã thanh toán cho tổ chức tín dụng để tất toán khoản vay, vì cho rằng số tiền trên là tiền khách hàng chiếm đoạt từ người khác. Trên thực tế, việc nộp tiền mặt vào tài khoản tiền gửi, tiền vay của khách hàng để thu nợ, các tổ chức tín dụng không có khả năng, điều kiện và trách nhiệm để xác minh, hơn nữa không có quy định của pháp luật yêu cầu tổ chức tín dụng phải kiểm tra nguồn tiền trả nợ của khách hàng.
Theo quan điểm của Toà thì mọi giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng (tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán) đều cần có ý kiến định đoạt của bên vợ hoặc chồng nên khi có khiếu kiện của vợ hoặc chồng về tài sản, Tòa tuyên hợp đồng thế chấp hợp pháp của ngân hàng là vô hiệu...
Tòa án nhận định ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng không đúng quy định pháp luật, tuyên hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp vô hiệu, bác bỏ quyền được bảo vệ của người thứ ba ngay tình là ngân hàng khi giấy tờ, tài liệu khách hàng cung cấp cho ngân hàng không đảm bảo tính pháp lý (làm giả chữ ký, giả giấy tờ, tài liệu,…) mặc dù theo quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì Khách hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng.
“Ngân hàng không biết, không có nghĩa vụ phải chứng minh những giấy tờ, tài liệu mà khách hàng cung cấp là giả, họ cố tình thực hiện một cách tinh vi để qua mặt ngân hàng. Trong trường hợp này ngân hàng phải được xác định là người thứ 3 ngay tình”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Long đề nghị TAND Tối cao xét xem về việc nâng các nội dung hướng dẫn trong Công văn số 64 để ban hành thành Nghị quyết; có đính chính/hủy bỏ tình huống về xác định “người thứ ba ngay tình” tại Văn bản số 02.
Áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình (thông qua văn bản hướng dẫn hoặc ban hành Án lệ) trong các tình huống cụ thể như: Giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền/đại diện; Mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó;Trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn.
“Ban hành án lệ về việc bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng trong các vụ án hình sự hoặc việc xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến tài sản bảo đảm”, ông Long nói.