Nỗ lực đầu tư công nghệ bán hàng
Cuối tuần trước, với lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông Viettel - Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) đã chính thức trình làng dịch vụ bán bảo hiểm trên điện thoại di động (Mobile Insurance). Đây là DN bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên bán bảo hiểm qua điện thoại di động theo hệ thống công nghệ tự động.
Theo ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, trong giai đoạn đầu, Mobile Insurance cung cấp tới khách hàng gói dịch vụ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ xe cơ giới. Thời gian tới, Bảo hiểm PVI và Viettel sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp công nghệ thông tin tích hợp viễn thông trong các gói sản phẩm bảo hiểm khác như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch…
Trong một nỗ lực khác, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng vừa triển khai bản nâng cấp của website: www.baohiem247.vn, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ kênh bán bảo hiểm trực tuyến, hỗ trợ khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức và cả tiền bạc khi mua bảo hiểm. Theo đó, bên cạnh các trình duyệt phổ biến như FireFox, Internet Explorer, Chrome, Opera…, website mới được thiết kế tương thích với giao diện mobile và máy tính bảng. Vì vậy, khách hàng không chỉ dễ dàng tra cứu thông tin mà còn có thể tính phí và mua bảo hiểm một cách nhanh chóng, tiện lợi với tính bảo mật cao.
Trước đó, Tổng CTCP Petrolimex (PJICO) đã chính thức triển khai Dịch vụ bán bảo hiểm trực tuyến, theo đó, khách hàng có thể đặt hàng 24/24 giờ, không phụ thuộc vào các cửa hàng bán bảo hiểm và sẽ nhận được Giấy chứng nhận bảo hiểm trong trong vòng 24 giờ.
Các chương trình khuyến mại khi mua bảo hiểm qua kênh bán bảo hiểm trực tuyến cũng được các DN như Bảo hiểm PVI, PJICO, MIC, BIC… đồng loạt áp dụng, và chứng tỏ những hiệu quả nhất định khi thương mại điện tử ngày càng trở thành xu hướng mua sắm phổ cập hơn.
Thiếu khung pháp lý cho bán bảo hiểm trực tuyến
Dù các DN bảo hiểm đang trên đà đẩy mạnh kênh bán bảo hiểm trực tuyến, nhưng theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), về mặt pháp lý, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện chỉ thừa nhận giao dịch bảo hiểm bằng văn bản. Còn các hoạt động bán hàng qua telemarketing và internet là giao dịch được điều chỉnh bởi Luật Thương mại và Luật Giao dịch điện tử.
Xác định đây lại là một kênh phân phối bảo hiểm hiệu quả, linh hoạt và sẽ phổ biến trong tương lai, AVI kiến nghị các cơ quan quản lý sớm có hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động bán bảo hiểm qua internet và telemarketing.
Theo ghi nhận của ĐTCK, hiện tại, do chưa có hướng dẫn chi tiết đối với nghiệp vụ bán bảo hiểm trực tuyến nên các DN đang làm theo hướng dẫn chung đối với các sản phẩm hàng hóa thông thường. Chẳng hạn như đăng ký với Bộ Công thương website bán hàng trực tuyến (nếu không sẽ bị phạt), cùng với đó là xin ý kiến Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.
Cũng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên các DN bảo hiểm tiết lộ, “mang tiếng” là bán hàng online nhưng sau khi khách hàng thực hiện các thao tác như điền đầy đủ thông tin trên mạng, cuối cùng giấy chứng nhận bảo hiểm vẫn được viết tay, có nhân viên đến giao hàng trực tiếp, chứ chưa in giấy chứng nhận trực tiếp.
Tuy nhiên, theo đại diện một DN bảo hiểm đang triển khai loại hình này, chính vì khung pháp lý cho bán bảo hiểm trực tuyến chưa có nên các DN bảo hiểm không dám bán các sản phẩm bảo hiểm đòi hỏi đánh giá rủi ro trước khi nhận bảo hiểm, bởi thế trước mắt chỉ triển khai với sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự là chủ yếu theo kiểu vừa làm vừa nghe ngóng. Sau đó, mới từng bước triển khai sang các sản phẩm đòi hỏi sự đánh giá rủi ro như bảo hiểm vật chất, bảo hiểm sức khỏe…
Thực tế cũng cho thấy, bán bảo hiểm trực tuyến đơn thuần mà không đi kèm các chương trình khuyến mại cũng không dễ so với các kênh bán hàng truyền thống là đại lý. Thế nhưng, các DN bảo hiểm cho rằng, nên sớm ban hành quy định pháp lý về bán bảo hiểm trực tuyến nhằm tạo sự chủ động cho các bên liên quan, nhất là chủ hàng là các DN cũng như tạo sự an tâm cho khách hàng mua bảo hiểm.