Cần sản phẩm mới và ưu đãi thuế

(ĐTCK) Để tăng tính hấp dẫn cho thị trường trái phiếu, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần ưu tiên triển khai các sản phẩm mới và ưu đãi thuế cho nhà đầu tư.
Cần sản phẩm mới và ưu đãi thuế

“Cần tập trung phát triển sản phẩm mới”

­­­

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)
 

Hiện thị trường TPCP Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực, độ biến động thấp hơn, thanh khoản nhiều phiên đạt hơn 4.000 tỷ đồng/ngày, lợi suất trái phiếu giảm mạnh. Trái phiếu kỳ hạn dài 5 năm, 10 năm đã được thị trường quan tâm đáng kể. Nhiều tổ chức tài chính tích cực tham gia thị trường, NĐT nước ngoài đã quay trở lại.

Tuy nhiên, thị trường cũng đang bộc lộ không ít hạn chế. Thứ nhất, độ phân tán của các trái phiếu phát hành còn lớn. 90 mã hiện tại vẫn là nhiều. Thị trường cần tập trung vào 20 - 30 mã TPCP, với khối lượng từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng/mã hoặc cao hơn, để tăng thêm thanh khoản và tạo cơ sở về thông tin cho giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu. Để làm được điều này, Kho bạc Nhà nước cần có kế hoạch phát hành theo lô lớn tốt hơn.

Thứ hai, hệ thống thanh toán hiện chưa riêng biệt. Các giao dịch trái phiếu được thực hiện trên thị trường chưa niêm yết, nhưng được khớp lệnh và thanh toán giống như cổ phiếu niêm yết theo phương thức thỏa thuận. Để giảm bớt rủi ro, các thanh toán theo giá trị lớn cần được thực hiện theo thời gian thực, chứ không phải phương thức theo lô như hiện tại. Hệ thống lưu ký cần được tập trung, thay vì TPCP đang được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước để có thể tham gia vào giao dịch thị trường mở, phần đáng kể khác được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Các ngân hàng thương mại phải chuyển trái phiếu qua lại giữa hai bên rất bất tiện.

Thứ ba, cơ cấu kỳ hạn trái phiếu hiện tập trung vào kỳ hạn ngắn, nên gây sức ép lên ngân sách và kế hoạch phát hành trong dài hạn. Cần tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn 5, 10 và 15 năm.

Thứ tư, trong cơ cấu NĐT, các quỹ chuyên đầu tư vào trái phiếu vẫn chưa hiện diện, bởi các quỹ hưu trí tự nguyện chưa phát triển. Các NĐT nước ngoài cũng chưa tham gia mạnh, vì chưa có thị trường tương lai trái phiếu để phòng vệ rủi ro lãi suất và chưa có công cụ để phòng vệ tỷ giá với chi phí hợp lý.

Để thúc đẩy thị trường TPCP, cần tập trung vào phát triển và chuẩn hoá sản phẩm; nâng cấp cơ sở hạ tầng của thị trường, gồm hệ thống giao giao dịch và thông tin, hệ thống lưu ký và thanh toán; mở rộng cơ sở NĐT.

“Nên ưu đãi về thuế để thu hút NĐT”

Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương,  Giám đốc khối nguồn vốn, CTCK Sài Gòn (SSI)
 

Thị trường trái phiếu Việt Nam, đặc biệt là thị trường TPCP có những bước tiến đáng kể trong một năm trở lại đây. Điển hình như thanh khoản trên thị trường đang ở mức rất tốt, các kỳ hạn giao dịch ngày một đa dạng. Đặc biệt, gần đây, trái phiếu kỳ hạn dài 10 và 15 năm thu hút sự quan tâm lớn từ NĐT. Các văn bản pháp lý về phát hành, giao dịch trái phiếu đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ, tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường. Hệ thống giao dịch ngày càng được cải thiện nhằm hỗ trợ tối đa cho giao dịch TPCP...

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, vướng mắc nhất định đối với NĐT khi tham gia thị trường TPCP. Đó là phần lớn NĐT tham gia thị trường là các ngân hàng thương mại (chiếm 80 - 90%), mức độ tham gia của các tổ chức tài chính khác còn hạn chế. Sự thiếu đa dạng các thành phần tham gia thị trường có thể tạo ra sự mất cân bằng cung cầu tại một số thời điểm nhất định, dẫn đến lãi suất biến động mạnh.

Ngoài ra, dù đã hình thành cơ chế chào yết giá mua bán 2 chiều từ phía các nhà tạo lập thị trường, nhưng hầu hết các giao dịch vẫn được thực hiện theo hình thức thỏa thuận. Điều này dẫn đến kết quả giao dịch không phản ánh đúng xu hướng lãi suất tại thời điểm báo cáo.

Các giao dịch được thực hiện qua hình thức thỏa thuận, thay vì khớp lệnh, cũng tạo nên những rào cản đối với các NĐT nước ngoài, do khó khăn trong ký kết hợp đồng trước khi thực hiện giao dịch. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu còn thiếu đa dạng về sản phẩm. Hiện trên thị trường chỉ có các giao dịch mua bán hẳn (outright) và các giao dịch mua bán lại (repo), khiến NĐT không có nhiều lựa chọn để đầu tư, thiếu công cụ để quản lý rủi ro cho danh mục.

Để khắc phục những hạn chế trên, ngoài nâng cao tính minh bạch trên thị trường, thúc đẩy việc yết giá mua bán hai chiều, cần tiếp tục hoàn thiện và đưa ra những sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa công cụ đầu tư như: trái phiếu không trả lãi, hợp đồng tương lai trái phiếu…

Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính khác trong và ngoài nước, điển hình như các ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm xây dựng tổ chức đánh giá mức độ tín nhiệm chuyên nghiệp, để tạo tiền đề phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tin bài liên quan