Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn khá nhiều so với con số cùng kỳ các năm trước, cũng như mục tiêu chung của toàn ngành trong năm nay là 17%.
Số liệu thống kê cho thấy, đến hết tháng 6/2018, nhóm các ngân hàng đã và đang dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm tăng dần. Thậm chí, tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng đã vượt chỉ tiêu được giao.
Không ít ngân hàng kỳ vọng được nới thêm room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, nhất là trong mùa cao điểm nhu cầu vay vốn cuối năm.
Tuy nhiên, với việc ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2018, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.
Chỉ thị nêu rõ, cần kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra.
Các ngân hàng phải đảm bảo tăng trưởng dư nợ phù hợp. Do đó, một số nhà băng đã và đang phải cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, đáng chú ý là ở những ngân hàng sớm cạn room tín dụng như TPBank đã tăng trưởng ở mức 14%; LienVietPostBank tăng 13% (chỉ tiêu giao đầu năm chỉ có 14%)..., trong khi hàng loạt ngân hàng khác có mức tăng từ 9 - 12% như VIB, Vietcombank...
Do vậy, việc xin thêm room tín dụng đã lặp lại. Thế nhưng, khác với các năm trước, hiện Ngân hàng Nhà nước không cấp theo hạn mức tăng trưởng dư nợ, do sức ép tăng trưởng tín dụng đã giảm so với trước đây.
Vì vậy, với các nhà băng khi không được nới thêm room tín dụng sẽ buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, lợi nhuận thu về. Điển hình như LienVietPostBank, cạn room tín dụng phải điều chỉnh giảm 33% kế hoạch lợi nhuận, do không thể xin NHNN cấp thêm tăng trưởng tín dụng.
Theo đó, Ban lãnh đạo ngân hàng này quyết định giảm 33% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm, từ 1.800 tỷ đồng còn 1.200 tỷ đồng; đồng thời giảm mức cổ tức tối thiểu từ 12% còn 10%.
Ngoài chỉ tiêu lợi nhuận, LienVietPostBank cũng điều chỉnh giảm nhiều chỉ tiêu trên bảng cân đối, trong đó giảm 10.000 tỷ đồng chỉ tiêu tổng tài sản và huy động vốn thị trường 1, trong khi dư nợ thị trường 1 đến cuối năm còn 117.557 tỷ đồng, giảm gần 6.000 tỷ đồng so với mục tiêu ban đầu.
Dư nợ tín dụng của TPBank cũng đạt mức tăng trưởng 14% tính đến cuối tháng 6/2018 đã đem lại nguồn lợi nhuận lớn trên 1.000 tỷ đồng trước thuế trong nửa đầu năm cho Ngân hàng.
Theo giải trình của TPBank gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng trong 2 quý đầu năm nay tăng 112% so cùng kỳ là do đẩy mạnh hoạt động cho vay và thu phí.
Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 695 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng đến 210%.
Dù đã hoàn tất hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm, nhưng mục tiêu lợi nhuận 2.200 tỷ đồng trước thuế cho cả năm 2018 vẫn là thách thức đối với nhà băng này khi room tín dụng gần cạn. Bởi đến thời điểm này và khả năng, TPBank cũng như các nhà băng khác có thể không được cấp thêm room tăng trưởng tín dụng.
Đến 30/6/2018, cho vay khách hàng của VIB cũng tăng 9,3% đạt 86.248 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,49% hồi đầu năm xuống còn 2,33%.
Đồng thời, đến ngày 31/7, VIB đã tất toán toàn bộ trái phiếu tại VAMC nên có dư địa cấp dư nợ mới. VIB lãi trước thuế 6 tháng đầu năm ở mức 1.151 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017 và đạt 57% kế hoạch cả năm.
Đồng thời, VIB dự báo lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 có thể vượt 2.500 tỷ đồng, cao hơn 25% so với chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao đầu năm. Thế nhưng, với room tín dụng còn lại hạn hẹp sẽ là trở ngại cho VIB.
Để đạt được mục tiêu tín dụng 17% năm nay, NHNN đã giao các chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ cụ thể cho từng ngân hàng, phụ thuộc vào khả năng kiểm soát và chất lượng cho vay của những ngân hàng đó.
NHNN liên tục phát đi thông báo nhắc nhở các nhà băng thực hiện theo đúng chỉ tiêu được giao, đầu tiên là Công văn số 5321/NHNN-TTGSNH hồi giữa tháng 7/2018 và mới đây là Chỉ thị 04, nêu rõ sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt là ngân hàng tham gia tái cơ cấu, tổ chức tín dụng yếu kém).
Trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm không đồng đều, một số tăng chưa đến 5%, nhưng nhiều nhà băng tăng trên 10%, tức sắp “cạn” room cho phép.