Trên thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp không tổ chức bầu lại toàn bộ thành viên HĐQT, mà chỉ bầu lại từng thành viên đơn lẻ mỗi khi có thành viên HĐQT hết nhiệm kỳ.
Khi đó, các cổ đông lớn, cổ đông sở hữu từ 51% vốn sẽ có ưu thế tuyệt đối. Có trường hợp cổ đông phản ánh dù đã tập hợp được tỷ lệ sở hữu 25%, thì họ cũng không thể “chen chân” vào trong HĐQT.
Khi cổ đông phản ứng, doanh nghiệp khẳng định thực hiện đúng quy định pháp luật. Bởi theo quy định tại Khoản 2, Điều 150 - Luật Doanh nghiệp 2014, nhiệm kỳ của thành viên HĐQT, thành viên độc lập HĐQT không quá 5 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên HĐQT phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định. Về cơ bản, điều lệ các công ty cổ phần (CTCP) tương ứng với quy định này.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến luật sư và cổ đông cho rằng, cần quy định rõ về nhiệm kỳ HĐQT.
Một cổ đông của CTCP Bao bì dầu khí Việt Nam (PBP) cho hay, năm 2018, PBP vừa bầu lại 2 thành viên HĐQT.
Năm 2019, Công ty thông báo Đại hội đồng cổ đông bất thường bầu lại 2 thành viên khác. Cổ đông nắm quyền chi phối là CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (tỷ lệ sở hữu 51,03% vốn).
Một số cổ đông khác chỉ nắm giữ 5-6% vốn, còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ. Với cơ cấu cổ đông như vậy, nếu PBP chỉ bầu lại 1, 2 thành viên thì không có cơ hội cho các cổ đông khác để có một ghế trong HĐQT.
Cổ đông trên kiến nghị, cần sửa Luật Doanh nghiệp 2014 theo hướng ghi nhận nhiệm kỳ của HĐQT, nhiệm kỳ của từng thành viên HĐQT tương ứng với nhiệm kỳ của HĐQT.
Trường hợp thành viên được bầu bổ sung, thay thế giữa nhiệm kỳ, thì nhiệm kỳ của thành viên này là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ HĐQT.
Được biết, Luật Doanh nghiệp 2014 đang trong quá trình sửa đổi. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 đang diễn ra, Dự thảo Luật Doanh nghiệp 2014 sửa đổi đang được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến được xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 6/2020.
Theo tìm hiểu Báo Đầu tư Chứng khoán, một thành viên trong Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp có ghi nhận thực tế bầu lại từng thành viên HĐQT. Việc này ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhỏ, những người chỉ tập hợp được tỷ lệ cổ phần hạn chế.
Tuy nhiên, việc sửa đổi về nhiệm kỳ HĐQT, nhiệm kỳ thành viên HĐQT cần phải cân nhắc sự hài hòa của lợi ích cổ đông nhỏ với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. HĐQT cần có sự kế thừa để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Thực tiễn, đã có doanh nghiệp bầu lại toàn bộ HĐQT do thay đổi cổ đông, dẫn đến tình trạng bất ổn do các cổ đông không thể ngồi lại với nhau.
Theo LS. Trần Hoàng Quân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), với quy định hiện hành, có thể hiểu rằng, các thành viên HĐQT không nhất thiết phải có cùng nhiệm kỳ giống nhau.
Có thể, cơ quan xây dựng luật đưa ra quy định này để tạo ra tính “kế thừa” trong HĐQT, sự thay đổi nhân sự không diễn ra đột ngột, mà có sự tiếp nối giữa mới và cũ, việc bầu lại thành viên HĐQT không gây ra xáo trộn bất ngờ đối với bộ máy quản trị công ty.
Dù vậy, cũng theo ông Quân, quy định này có thể dẫn tới việc cổ đông cũ đã bán cổ phiếu, nhưng vẫn còn có đại diện trong HĐQT, trong khi cổ đông mới mua cổ phiếu lại chưa thể có đại diện thay thế.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng thành viên HĐQT không được đề cử hay bầu cử bởi các cổ đông hiện đang sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp, không đại diện cho ý chí của bất cứ nhóm cổ đông nào đang sở hữu cổ phiếu.
Ngoài ra, khi bầu lại từng thành viên HĐQT, nhóm cổ đông sở hữu cổ phần chi phối sẽ giành phần thắng trong bầu cử và có thể nắm trọn HĐQT. Cổ đông nhỏ lẻ sẽ khó có cơ hội tham gia vào HĐQT.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn có ghi nhận về nhiệm kỳ của HĐQT ở Điểm b, Khoản 3, Điều 114 quy định về Quyền của cổ đông phổ thông: “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại Khoản 2 điều này có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây: …b) Nhiệm kỳ của HĐQT đã vượt quá 6 tháng mà HĐQT mới chưa được bầu thay thế”.
Điều 153 - Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Chủ tịch HĐQT sẽ được bầu trong cuộc họp đầu tiên của nhiệm kỳ HĐQT trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc bầu cử HĐQT nhiệm kỳ đó”.
“Có thể thấy, Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về nhiệm kỳ HĐQT, nhưng chưa chặt chẽ”, ông Quân nhận xét.
Hiện Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vẫn giữ nguyên các quy định nói trên. Vì vậy, để đảm bảo quy định thống nhất, dễ thực thi, đảm bảo quyền lợi cổ đông, LS. Hoàng Quân cho rằng, cần quy định về thời hạn nhiệm kỳ HĐQT và nhiệm kỳ thành viên HĐQT.
Trường hợp bầu bổ sung, thay thế, nhiệm kỳ thành viên HĐQT là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ HĐQT.