Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng)
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, sửa Luật kiểm toán lần này là tăng thêm trách nhiệm, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta mới tăng nhiệm vụ, quyền hạn, còn trách nhiệm tôi cảm thấy chưa rõ, chưa tương xứng. Bởi vì kiểm toán xong một đơn vị nhưng mấy hôm sau người ta bị bắt, anh không chịu trách nhiệm gì.
Thứ hai, kiểm toán một đơn vị đưa lên sàn chứng khoán một thời gian người ta bể tan nát ra thì hậu quả pháp lý ở đây, tiền bạc, tài sản nhà nước của dân mất đi nhiều lắm thì chịu trách nhiệm như thế nào.
Thứ ba, một doanh nghiệp mới kiểm toán và chấp hành ý kiến và sau đó đến thanh tra vào xuất toán, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hết, chứ kiểm toán chẳng chịu trách nhiệm gì.
“Tôi đề nghị trách nhiệm của kiểm toán phải rõ ràng, ví dụ ở Lâm Đồng, có Công ty xổ số mà thường xuyên thấy kiểm toán, năm nào cũng kiểm toán nhưng cuối cùng công an vào bảo làm sai, tham nhũng và họ phát hiện đúng. Còn làm sai, cố ý làm trái thì chắc chắn thì kiểm toán phải biết rất rõ điều này. Bây giờ nếu như người ta bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm hay không, phải nói rõ như thế mới được, chứ không quyền lực rất mạnh, kiểm toán đến đâu người ta rất sợ, rất lo. Bây giờ kiểm toán như thế nào đó thì phải chịu trách nhiệm. Về những vấn đề này tôi đề nghị chúng ta nên nghiên cứu kỹ để quy trách nhiệm cho kiểm toán, nếu như kiểm toán thì nhiệm vụ, quyền hạn lớn như thế thì phải gắn với trách nhiệm. Nếu người ta làm sai nhưng anh bảo đúng, đến lúc người ta đi tù thì kiểm toán phải là đồng phạm, dứt khoát như thế mới quy rõ trách nhiệm được”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, đại biểu Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) cũng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của kiểm toán.
“Trong luật chúng ta nói quyền của kiểm toán thì rõ, nhưng trách nhiệm của kiểm toán tôi thấy chưa rõ. Trong luật quy định khi người ta có đề nghị đến ông Tổng kiểm toán thì chỉ có quy định là đề nghị. Ví dụ, bao nhiêu ngày thì ông phải trả lời, ông giải quyết người ta như thế nào thì luật phải thỏa mãn ở điều này. Đây là điều cần phải được xem xét, bổ sung”.
Đại biểu Bùi Đức Thụ, tỉnh Lai Châu thì cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng của dự án luật, cần một số vấn đề sau:
"Vấn đề thứ nhất, giá trị pháp lý của báo cáo Kiểm toán nhà nước, điều này đã được quy định trong luật hiện hành và việc sửa đổi lần này đề nghị vẫn duy trì giá trị pháp lý của báo cáo Kiểm toán Nhà nước. Có ý kiến cho rằng Kiểm toán nhà nước không phải là cơ quan quản lý nhà nước, chỉ là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, làm nhiệm vụ kiểm tra từ bên ngoài đối với tài chính, tài sản công. Báo cáo của kiểm toán nhà nước có giá trị pháp lý không? Tôi cho đó là việc quy định này là luật quy định, tức là Quốc hội quyết định phải thực hiện kết luận trong báo cáo kiểm toán nhà nước chứ không phải đây là thẩm quyền của kiểm toán nhà nước vì vậy nó không mâu thuẫn gì đối với kiểm toán nhà nước có là cơ quan quản lý nhà nước hay không là cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, nếu như chúng ta không quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán nhà nước thì vấn đề sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, phải chờ các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, xem xét thừa nhận cái đó mới có giá trị thi hành. Điều này cũng làm chậm lại việc thực thi, khắc phục những khuyết, nhược điểm, những sai phạm và để đảm bảo cho kỷ luật tài chính nghiêm minh, kịp thời.
Tôi đề nghị quy định giá trị pháp lý của kiểm toán như dự thảo luật hiện hành cũng như luật sửa đổi là phù hợp. Tuy nhiên, trong điều này có quy định Khoản 2 là báo cáo kiểm toán nhà nước còn là một căn cứ sử dụng để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương xem xét trong việc quản lý thì tôi cho đó không cần thiết. Bởi vì, đây chỉ là một trong những căn cứ để xem xét. Vì vậy, nó không có giá trị trong việc điều chỉnh các mối quan hệ này, đề nghị bỏ Khoản 2 của điều này.
Vấn đề thứ ba, đó là nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước. Tại kỳ họp trước, tôi đã phát biểu về nhiệm kỳ Tổng kiểm toán nhà nước, Luật hiện hành quy định nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước là 7 năm và quy định như vậy trong thời gian qua cũng không có vấn đề gì vướng mắc.
Trong trường hợp cần thiết phải điều chuyển công tác đối với đồng chí Tổng kiểm toán nhà nước thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể thực hiện được.
Việc quy định nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán Nhà nước tôi đồng tình với ý kiến của đồng chí Vương Đình Huệ, vì nó góp phần tạo ra địa vị pháp lý để thực hiện tính độc lập, khách quan của kiểm toán nhà nước chỉ tuân theo pháp luật.
Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế vì hầu hết các nước trên thế giới nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước đều dài hơn nhiệm kỳ của Quốc hội, điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa khi năm tới 2016 Việt Nam sẽ tiếp quản làm chức Chủ tịch của Hiệp hội kiểm toán Đông Nam Á, tôi cho đó là quy định như thế phù hợp.
Tôi cũng đề nghị nhiệm kỳ của Phó tổng kiểm toán nhà nước, luật hiện hành quy định 7 năm, lần này chúng ta sửa 5 năm, tôi cho đó chưa thật hợp lý và để đồng bộ về mặt tổ chức tôi đề nghị quy định nhiệm kỳ của Phó Tổng kiểm toán 7 năm cho phù hợp".
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, sáng nay (27/5/2015), Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.