Trong bối cảnh Fed và một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cắt giảm lãi suất, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam nên nới lỏng hơn nữa. Ông có cùng quan điểm này?
Trước tiên, tôi cho rằng, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện đã ở mức thấp và khó giảm thêm nữa.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) |
Nhìn ở góc độ thị trường, có thể thấy lãi suất thực không bám quá sát với lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ, lãi suất chính sách ở ngưỡng 3 - 4,5%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 năm của các ngân hàng thương mại hiện vào khoảng gần 5 - 6%/năm, chi phí vốn của ngân hàng cao lên nên lãi suất cho vay cũng buộc phải đẩy cao. Nói cách khác, không gian để giảm thêm lãi suất điều hành là rất nhỏ.
Ở góc độ tỷ giá, nửa đầu năm nay, khi có sự chênh lệch lãi suất của USD và VND, cộng thêm áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài đã tạo áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất trong nước. Còn hiện tại, khi Fed bước vào lộ trình hạ lãi suất, áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt.
Theo quy luật, cuối năm thường là giai đoạn cần một lượng ngoại tệ lớn cho việc thanh toán hàng hoá nhập khẩu nên tạo chút áp lực, nhưng bù lại là cung ngoại tệ đến từ việc chuyển tiền từ nước ngoài về cũng tăng lên. Do vậy, áp lực thị trường ngoại hối chỉ mang tính thời điểm và trong tổng thể vĩ mô, biến động cung - cầu là không đáng kể. Nói cách khác, áp lực tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều.
Thực tế, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã nới lỏng từ năm ngoái và nay muốn nới lỏng thêm nữa là rất khó. Giả sử Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ 4,5%/năm xuống còn 4%/năm thì phản ứng của thị trường cũng không đáng kể, có chăng chỉ tác động một chút đến chi phí vốn của các ngân hàng thương mại.
Nếu đòi hỏi lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm mạnh là không thể, bởi ngay lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước giảm không nhiều. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cầu tín dụng hiện nay yếu không phải vì lãi suất cao, mà là nhu cầu sử dụng vốn còn yếu khi nền kinh tế đang khó khăn.
Theo ông, có giải pháp mới nào cho vấn đề này?
Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Nhà điều hành đã kéo dài thời hạn áp dụng quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, các ngân hàng tiếp tục tái cấu trúc khoản vay của khách hàng gặp khó khăn, trong khi vẫn giữ nguyên các khoản vay này trong cùng nhóm phân loại như trước khi tái cấu trúc.
Nhờ sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường ngoại hối và nghiệp vụ thị trường mở, VND sau khi giảm giá 5% so với USD trong nửa đầu năm 2024 đã ổn định trở lại, chỉ giảm khoảng 1,4% so với đầu năm 2024. Song, rủi ro về các khoản nợ xấu gia tăng do chu kỳ suy thoái kinh tế hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
"Thực tế, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã nới lỏng từ năm ngoái và nay muốn nới lỏng thêm nữa là rất khó."
Các biện pháp kích thích tài khóa nên được ưu tiên trong bối cảnh Việt Nam còn dư địa ngân sách. Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, bởi điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Chính phủ tăng chi tiêu sẽ trực tiếp kích cầu nội địa và doanh nghiệp khi nhìn thấy cơ hội sản xuất - kinh doanh sôi động thì sẽ có nhu cầu sử dụng, vay thêm vốn, từ đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô với sự kết hợp cân bằng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa là hết sức quan trọng, đi kèm với các cải cách quản lý nhà nước toàn diện.
Một vấn đề nóng đang được đặt ra bên cạnh việc giảm lãi suất cho khách hàng, người dân chịu thiệt hại do cơn bão số 3 là cho vay lãi suất 0% và xoá nợ. Ông có bình luận gì?
Trước hết, cần lưu ý các ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, doanh nghiệp kinh doanh tiền và an toàn hệ thống ngân hàng là rất quan trọng. Một trong những bài học là duy trì lòng tin của khách hàng để hạn chế rủi ro với hệ thống ngân hàng. Bản thân các ngân hàng cũng chịu nhiều thiệt hại trực tiếp, khi các tài sản bị ảnh hưởng do bão có thể được dùng để đảm bảo các khoản vay trước đây, hoặc các đối tượng chịu thiệt hại khiến khả năng trả nợ giảm đi.
Trở lại câu chuyện ngân hàng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn bằng hình thức nào, tôi cho rằng, trong phạm vi dự phòng có thể làm được thì ngân hàng có thể giãn, giảm hay xóa nợ trong mức độ phù hợp. Ví dụ, ngân hàng cho vay 10 đồng, dự phòng 2 đồng thì có thể có biện pháp hỗ trợ với chi phí không quá khoản dự phòng 2 đồng, chứ giảm hay xoá nợ cả 10 đồng thì hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ trở thành kém hiệu quả.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chịu thiệt hại sẽ cần một khoảng thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đối với một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nếu sau 3 - 6 tháng có thể phục hồi thì chưa chắc đã cần xóa hết nợ, mà chỉ cần giãn nợ trong khoảng 6 tháng và bổ sung vốn trong thời gian này. Sau khi phục hồi sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nợ. Theo đó, ngân hàng tạo thuận lợi cho khách hàng thông qua chính sách giãn nợ và được quyền linh hoạt trong phạm vi nguồn lực cho phép trên cơ sở đánh giá từng doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp với ngân hàng vốn đồng hành với nhau. Doanh nghiệp mà chết thì ngân hàng cũng mất tiền, nên ngân hàng cũng phải có động lực để “nuôi” doanh nghiệp sống.
Ông có cho rằng, nên hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 bằng tiền tươi thóc thật?
Sau thiên tai, thông thường, một trong những nguồn tiền quan trọng cho phục hồi tài sản là bảo hiểm. Hay nói cách khác, nếu doanh nghiệp và người dân mua bảo hiểm, họ có thể yêu cầu bảo hiểm chi trả để có nguồn tiền khôi phục đời sống cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Một nguồn hỗ trợ nữa là ngân sách nhà nước dành cho các vùng bị ảnh hưởng. Theo tôi, nguồn này không nên dành riêng cho doanh nghiệp, mà nên tập trung hỗ trợ người dân khôi phục nhà cửa để ổn định cuộc sống và đầu tư phục hồi, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng sức chống chịu. Việc hỗ trợ có thể được cung cấp trực tiếp như phát tiền cho người dân để chi tiêu duy trì cuộc sống sẽ mang lại hiệu quả cao hơn bởi nguồn tiền này sẽ thúc đẩy tiêu dùng tại chỗ. Đối với các doanh nghiệp, tuỳ theo mức độ thiệt hại, việc hỗ trợ theo hình thức giãn nợ và bổ sung tín dụng ưu đãi phục hồi hoạt động sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.