“Cần ổn định lãi suất”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, với những biện pháp hỗ trợ tỷ giá đang được thực hiện, lãi suất chính sách trong năm nay được kỳ vọng ổn định ở mức 4,5%/năm như một động thái mang tính cân bằng.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

Thời gian gần đây, xuất hiện khá nhiều nhận định từ giới phân tích về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng lãi suất điều hành. Góc nhìn của ông về chính sách lãi suất từ nay đến cuối năm ra sao?

Chính sách tiền tệ của NHNN là vấn đề đáng lưu tâm. Cùng với xu hướng mất giá của VND tính từ đầu năm và lạm phát duy trì ở mức cao, khá gần ngưỡng mục tiêu Quốc hội đề ra đầu năm, đã có những ý kiến từ giới phân tích cho rằng NHNN phải tăng lãi suất điều hành trong nửa cuối năm.

Không loại trừ khả năng này, nhưng đây không phải là kịch bản cơ sở của Nhóm nghiên cứu HSBC đưa ra. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ dao động gần sát mức trần mục tiêu trong thời gian ngắn, trước khi giảm xuống mức dưới 4% so với cùng kỳ trong giai đoạn quý III năm nay. Do đó, áp lực tăng lãi suất đến từ yếu tố lạm phát là không cao.

Hơn nữa, việc tăng lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp sẽ là tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, cũng như không phải là giải pháp tối ưu và duy nhất để hỗ trợ tỷ giá. NHNN đã và đang thực hiện một số biện pháp khác, chẳng hạn như phát hành tín phiếu, hay điều chỉnh lãi suất trên kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) linh hoạt hơn. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong năm nay như một động thái mang tính cân bằng.

Lãi suất dường như vẫn là công cụ chính để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Theo quan điểm của ông, liệu còn biện pháp phi lãi suất nào khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Chúng ta đã chứng kiến dòng vốn FDI đăng ký mới vẫn mạnh mẽ, trong bối cảnh Việt Nam được định vị là quốc gia được hưởng lợi khi chu kỳ thương mại chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể, Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng hai con số về vốn FDI đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2024, dẫn đầu là dòng vốn vào sản xuất và bất động sản. Đầu tư vượt ra ngoài lĩnh vực sản xuất truyền thống cho thấy sự tiến bộ trong đa dạng hóa. Để tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh và vị thế này, Chính phủ cần quan tâm tới các chính sách khuyến khích dòng vốn đầu tư. Ví dụ, với việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia (MNC) có doanh thu hợp nhất hàng năm từ 750 triệu euro trở lên, cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ khác cho nhóm doanh nghiệp này.

Bên cạnh thương mại thì dịch vụ du lịch cũng gặt hái những thành công. Nửa đầu năm 2024, Việt Nam thu hút hơn 8,8 triệu lượt khách du lịch, vượt mức năm 2019, giai đoạn trước dịch Covid. Đặc biệt, ngay cả khi không có chính sách miễn thị thực, sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc đạt 80% trong cùng kỳ. Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu hàng năm là chào đón 17-18 triệu khách du lịch vào năm 2024, vẫn bỏ ngỏ khả năng Việt Nam vượt xa mục tiêu trên. Để làm được việc đó, việc mở rộng thêm danh sách miễn thị thực có thể tiếp tục là một biện pháp hữu hiệu.

Đáng chú ý, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN để thu hút khách du lịch ngày càng gia tăng, cho thấy cần phải thực thi nhiều biện pháp hơn nữa để đạt được mức tăng trưởng cao hơn. Các quốc gia như Malaysia, Singapore và Thái Lan đã mở rộng các chương trình miễn thị thực. Mặc dù Việt Nam đã có những cải thiện về chính sách thị thực kể từ tháng 8 năm ngoái nhưng vẫn còn có thể làm được nhiều hơn nữa.

Ngoài việc nới lỏng các yêu cầu cấp thị thực, việc phát triển hơn nữa các dịch vụ du lịch sẽ là chìa khóa để duy trì khả năng cạnh tranh với các đối tác, đặc biệt là khi hoạt động du lịch tăng vọt sau đại dịch. Bên cạnh đó, việc mở rộng sang các thị trường mới, ví dụ Ấn Độ, cũng là một hướng đi mới.

Cũng liên quan đến chính sách tiền tệ là vấn đề tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã biến động gần 5%. Theo ông, tỷ giá biến động tác động như thế nào đến doanh nghiệp? Để phòng ngừa rủi ro của tỷ giá, doanh nghiệp và ngân hàng cần có những kịch bản thế nào?

Nằm trong xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD tính từ đầu năm đến nay. Nhu cầu USD tăng cao, tăng trưởng tín dụng chậm và một số rủi ro dòng vốn vào Việt Nam do khác biệt trong chính sách điều hành là một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến xu hướng này.

Chúng tôi đánh giá một số điều kiện để tỷ giá tương đối ổn định những tháng cuối năm như nhu cầu USD sụt giảm, phục hồi tăng trưởng tín dụng để giảm bớt tình trạng thanh khoản dồi dào và dòng vốn vào mạnh mẽ từ cả tài khoản vãng lai và FDI. Tuy nhiên, các điều kiện kinh tế vĩ mô, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới cũng như câu chuyện bầu cử có thể ảnh hưởng trực tiếp tới diễn biến tỷ giá USD/VND theo hướng VND vẫn có thể chịu áp lực mất giá thêm từ nay tới cuối năm.

Tỷ giá USD/VND tăng sẽ tác động bất lợi đến các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu như linh kiện máy móc, sắt thép, hóa chất, sữa bột, thức ăn chăn nuôi… Các doanh nghiệp vay nợ, thanh toán bằng USD và các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh thông qua mua sắm từ nước ngoài cũng trực tiếp chịu tác động. Ở chiều ngược lại, VND yếu sẽ là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ví dụ như các mặt hàng nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ… Các doanh nghiệp có hợp đồng được thanh toán theo USD cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và lợi ích của mỗi doanh nghiệp là rất khác nhau. Để đảm bảo biến động tỷ giá không ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp cần có phương án phòng ngừa rủi ro tỷ giá thông qua các công cụ phòng vệ tỷ giá (hedging) được pháp luật cho phép.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Lãi suất tiền gửi tăng 0,5 - 1%/năm từ đầu năm đến nay, nhưng lãi suất cho vay cơ bản ổn định. Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng ước tăng 5,2% so với cuối năm 2023, cải thiện khá mạnh so với mức 2,41% cuối tháng 5/2024, cao hơn mức tăng 3,36% của cùng kỳ năm ngoái nhờ đà phục hồi của hoạt động đầu tư, tiêu dùng, thị trường bất động sản. Tín dụng dự báo cả năm tăng 13 - 14%, phù hợp với diễn biến vĩ mô, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 4/2024 ở mức 4,93%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022; dư nợ xấu tăng 8,61% so với đầu năm. Nếu bóc tách nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Dù vẫn trong tầm kiểm soát song nợ xấu là thách thức lớn khi Luật Các TCTD 2024 hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các TCTD.

Tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,9% với đầu năm do cộng hưởng nhiều yếu tố: Một là, USD tăng giá (chỉ số DXY tăng 4,1% so với cuối năm 2023); hai là, chênh lệch lãi suất VND - USD giảm so với đầu năm những vẫn ở mức âm (khoảng 1 - 1,5/năm đối với kỳ hạn qua đêm); ba là, nhu cầu nắm giữ vàng vẫn ở mức cao và tình trạng buôn lậu vàng chưa được xử lý triệt để khiến nhu cầu USD tăng, đặc biệt trên thị trường tự do. Dự báo áp lực tỷ giá sẽ giảm dần từ này đến cuối năm 2024 cũng như đầu năm tới khi chênh lệch lãi suất VND và USD thu hẹp trong bối cảnh Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất (trong tháng 9/2024 và có thể thêm một lần nữa cuối năm 2024), cung - cầu ngoại tệ được cân đối và thị trường vàng ổn định hơn.

Với thị trường vàng, dù giá vàng trong nước đã hạ nhiệt và chênh lệch giá vàng SJC và giá vàng thế giới được thu hẹp đáng kể song vẫn cần quyết liệt, nhất quán hơn và có giải pháp căn cơ hơn như bỏ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng miếng, sửa đổi Nghị định 24/2012, minh bạch hóa giao dịch vàng, có chế tài nghiêm minh với các hành vi vi phạm, buôn lậu… để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Để nâng cao hiệu quả trong điều hành, cần phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính sách tài khóa giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ đóng vai trò hỗ trợ, theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp cận tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro và xử lý nợ xấu; quyết tâm thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK trong năm 2025 và quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống (liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản).

Tin bài liên quan