Người ta thường nhắc tới đảo nợ ngân hàng với cảm giác “xấu”. Vậy, đảo nợ là gì và liệu đảo nợ có thực sự xấu như vậy không? Có khi nào nhu cầu đảo nợ là chính đáng và cần thiết? Thực tế tại các ngân hàng, đảo nợ đang như thế nào?
Với nhiều vụ án lừa đảo xảy ra ở các ngân hàng, người ta thường thấy chủ doanh nghiệp bị quy kết lừa đảo, tạo dựng hợp đồng khống, đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng và hàng loạt cán bộ ngân hàng bị quy kết vi phạm quy định cho vay hoặc thiếu trách nhiệm do đã không làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực chất các khoản vay này là nhằm mục đích đảo nợ. Tức là khi khoản vay cũ đến hạn, doanh nghiệp không có nguồn trả nợ, để khoản nợ không bị đẩy xuống nhóm 2, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều mong muốn giải ngân khế ước mới để trả nợ cũ. Khi thiệt hại xảy ra, chủ doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng đều có nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự.
Đảo nợ hiểu một cách cơ bản nhất là cho vay mới để trả nợ cũ. Về mặt hồ sơ giấy tờ thì sau khi đảo nợ, một khoản nợ đang ở nhóm nợ xấu có thể trở thành nợ tốt, nhưng xét về bản chất thì đảo nợ chỉ là động tác làm đẹp sổ sách, còn bản chất thì khoản nợ đó vẫn xấu, khó có khả năng hoặc không thể thu hồi. Đó là lý do vì sao chúng ta thường cảm giác “xấu” khi nhắc đến đảo nợ.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời về tài chính, nếu được ngân hàng tiếp tục tài trợ để có thể trả nợ cũ rồi sau đó tiếp tục phương án kinh doanh có tính khả thi, thì việc cho vay đảo nợ cũng là một giải pháp phù hợp cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Luật sư Bùi Thị Mai
Luật pháp hiện hành quy định về đảo nợ như thế nào, thưa bà?
Hiện tại, pháp luật chưa có quy định cụ thể về khái niệm đảo nợ. Nghị quyết 13/NQ-CP năm 2012 của Chính phủ có quy định là cho phép thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ…) và các giải pháp khác cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Chỉ thị 06/2012 và 03/2013 của Ngân hàng Nhà nước thì quy định được cơ cấu lại nợ, nhưng không nhằm mục đích che giấu nợ xấu. Trong Luật Quản lý nợ công cũng có nhắc đến đảo nợ, nhưng cũng chưa thực sự rõ ràng.
Vì sao quy định về đảo nợ lại lửng lơ như vậy, không hẳn là cấm nhưng cũng không được phép làm?
Thực chất thì đảo nợ cũng là một biện pháp cơ cấu lại nợ, mục đích của cơ cấu lại nợ là để giúp cho doanh nghiệp có thêm cơ hội hoạt động kinh doanh và sau đó trả được nợ cho ngân hàng. Vì vậy, nếu cấm đảo nợ sẽ không thực sự phù hợp và khó khả thi, vì trên thực tế các ngân hàng vẫn thực hiện.
Tuy nhiên nếu sử dụng đảo nợ như một phương thức làm đẹp hồ sơ, nhằm che giấu tình trạng xấu của khoản nợ thì sẽ nguy hiểm. Càng để lâu thì càng có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi khoản nợ xấu bị vỡ và gây ra thiệt hại cho ngân hàng.
Theo bà, nên có quan điểm ứng xử như thế nào đối với đảo nợ? Nếu thừa nhận đảo nợ là hợp pháp, vậy có gì cần lưu ý để các ngân hàng không lạm dụng?
Như đã nói, thực tế, việc đảo nợ có thể xét theo 2 cách: một là đảo nợ với nghĩa để che giấu nợ xấu; hai là đảo nợ nhằm giúp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không thể trả nợ vay, nhưng có triển vọng phát triển, ngân hàng cho đảo nợ để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thu lại nợ sau này. Nếu là cách thứ nhất thì cần cấm, còn cách thứ hai thì vẫn cần cho áp dụng, vì đó cũng là bản chất của ngành ngân hàng, cho vay hết vay món này lại trả món kia. Vấn đề quan trọng là ngân hàng phải tự đánh giá được khách hàng có khả năng hoạt động tốt hay không sau khi đảo nợ, có phương án khả thi để chắc chắn trả được nợ cho ngân hàng hay không.
Ranh giới giữa đảo nợ để che giấu nợ xấu với đảo nợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thường rất khó phân biệt. Vì vậy, việc sử dụng biện pháp đảo nợ như thế nào còn phụ thuộc vào quan điểm, mục đích của từng ngân hàng. Tuy nhiên, xét về lâu dài, ngân hàng và cả doanh nghiệp cần nhìn nhận vấn đề đảo nợ theo hướng thực chất hơn, nếu chỉ vì làm đẹp con số tạm thời thì nguy cơ thiệt hại trong tương lai sẽ rất lớn.