Cần nhìn nhận Đồng bằng sông Cửu Long ở góc độ cơ hội phát triển

0:00 / 0:00
0:00

Để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả cao, cần nhìn nhận khu vực này ở góc độ cơ hội phát triển, chứ không phải một vùng đầy rẫy khó khăn.

Cần nhìn nhận Đồng bằng sông Cửu Long ở góc độ cơ hội phát triển

Hạn chế về nhân lực

Kết luận Hội thảo tham vấn về Định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức tại TP. Cần Thơ cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Các vấn đề lớn về quy hoạch phát triển vùng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các chuyên gia tư vấn ghi nhận, báo cáo tại Hội nghị trong tuần tới giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với lãnh đạo các tỉnh, thành phố ĐBSCL trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho quy hoạch cảng nước sâu hay các vấn đề liên quan”.

Trước đó, chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (SISP) cho rằng, do nằm kề cận khu vực kinh tế phát triển nhất là TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, nên ĐBSCL có thuận lợi lớn nếu liên kết tốt với hai vùng. Ngược lại, ĐBSCL sẽ gặp bất lợi không nhỏ khi nguồn nhân lực có chất lượng sẽ di cư theo sức hút kinh tế, xã hội của vùng có sức mạnh phát triển lớn hơn.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho rằng, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chính là hạn chế của ĐBSCL trong giai đoạn vừa qua. Đây được xem là vùng có nguồn lao động dồi đào, nhưng trình độ, năng lực và năng suất lao động còn thấp, tình trạng di cư khỏi vùng để tìm việc làm là vấn đề xã hội rất đáng báo động… Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch ĐBSCL cần dự báo nhu cầu lao động từng thời kỳ, đề xuất giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ nghề đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế chính của vùng.

Nhìn chung, ĐBSCL còn nhiều thách thức cho quá trình phát triển liên quan đến nước, sức ép biến đổi khí hậu, cơ cấu sản xuất phát triển của vùng đang làm cho tốc độ phát triển của vùng chậm lại so với các khu vực khác…, nhưng Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, cần nhìn nhận khu vực này ở góc độ cơ hội phát triển, chứ không phải một vùng đầy rẫy khó khăn.

Cần cơ chế đặc thù cho ĐBSCL

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó thu hút, ưu đãi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư công nghệ vào ngành công nghiệp chế biến… Lý do là, tăng trưởng kinh tế vùng trong các năm qua đang chậm lại, nếu không muốn nói là đang tụt hậu so với các vùng trên cả nước; ĐBSCL là vùng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Quy hoạch là định hướng phát triển tương lai và chỉ có liên kết, hợp tác xuyên suốt từ bộ, ngành đến các địa phương mới có thể cùng nhau giải quyết, cùng phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư vốn đã rất hạn chế trong thời gian qua của ĐBSCL.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá, bản chất quy hoạch tích hợp là quy hoạch tập hợp nhiều nội dung mâu thuẫn, nên vấn đề giải quyết các mâu thuẫn, đánh đổi giữa các ngành, địa phương phải được xem xét và giải quyết trong nội dung quy hoạch. Do đó, nội dung của quy hoạch phát triển ĐBSCL cần nhấn mạnh đến mục tiêu đạt được, lượng hoá các rủi ro và xây dựng kịch bản để đánh đổi.

Tin bài liên quan