Ông Trần Tuấn Cường
Theo ông, để đánh giá sự thành công của một đại lý bảo hiểm nhân thọ (BHNT), cần dựa trên các yếu tố nào?
Với vai trò là một nhà kinh doanh độc lập, sự thành công của một đại lý BHNT thông thường sẽ được thể hiện thông qua các chỉ tiêu kết quả kinh doanh, như số lượng khách hàng, số hợp đồng khai thác mới, số phí bảo hiểm, năng suất hoạt động… Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và ngày càng phát triển như hiện nay, để thành công, người đại lý cần có thái độ và suy nghĩ tích cực, liên tục cập nhật các kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực BHNT, kiến thức về thị trường tài chính, cũng như chủ động hoàn thiện các kỹ năng mềm về lập kế hoạch và tổ chức công việc, quản lý thời gian. Có thể nói, tính chuyên nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự thành công bền vững cho các đại lý BHNT.
Có ý kiến cho rằng, BHNT khó chuyên nghiệp với đại lý bán thời gian. Ông nghĩ sao về điều này?
Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp BHNT buộc phải nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp cho hệ thống đại lý, cũng như chú trọng hơn vào chất lượng dịch vụ. Khi khách hàng được tư vấn và chăm sóc bởi các đại lý chuyên nghiệp, sẽ giúp người mua bảo hiểm hoạch định kế hoạch tài chính tốt hơn và như vậy, cũng sẽ giúp chính doanh nghiệp bảo hiểm tồn tại và phát triển ổn định.
Theo quan điểm của tôi, xuất phát điểm của một đại lý bảo hiểm là làm việc bán thời gian hay toàn thời gian không thực sự quan trọng, mà quan trọng hơn là mong muốn, nhu cầu của mỗi người khi đến với nghề đại lý BHNT là gì và môi trường làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm đã đáp ứng đến đâu các mong muốn, nhu cầu đó? Chính các doanh nghiệp BHNT sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng con đường phát triển nghề nghiệp của người đại lý.
Dù đã được kiểm soát khá chặt chẽ, nhưng thời gian qua, trên thị trường vẫn còn xảy ra tình trạng đại lý BHNT lạm dụng tiền của khách hàng, quảng cáo sai sự thật, hay lôi kéo khách hàng hủy hợp đồng từ công ty cũ chuyển qua công ty mới... Vậy đâu là vai trò của doanh nghiệp, vốn được xem như “người mẹ” của các đại lý, thưa ông?
Quả thật, những sai phạm trên hiện vẫn còn đang tồn tại trên thị trường BHNT Việt Nam, thậm chí là khá phổ biến tại một số doanh nghiệp.
Theo quy định hiện hành, các đại lý sẽ ký hợp đồng đại lý với doanh nghiệp BHNT để trở thành đại diện của doanh nghiệp tiếp cận và tư vấn khách hàng (đại lý không phải là nhân viên, không ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp).
Do vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có sự tác động tổng thể từ cả doanh nghiệp và những nhân tố khác từ môi trường kinh doanh vĩ mô (quy định, chế tài của pháp luật trong kinh doanh bảo hiểm, sự nhận thức và hiểu biết của khách hàng…).
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp này là đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ các rủi ro tiềm ẩn từ các sai phạm của đại lý có thể gây ra cho doanh nghiệp, từ đó có các biện pháp ngăn ngừa và giảm thiểu sai sót trong công tác quản lý hoạt động thường xuyên (hiện đại hóa hệ thống giám sát, kiểm tra kết quả hoạt động đại lý, thường xuyên tổ chức huấn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đại lý…). Ngoài ra, cần chú trọng ngay từ khâu lựa chọn và tuyển dụng đại lý, như rà soát hồ sơ, đối chiếu danh sách đại lý đen của Hiệp hội Bảo hiểm, huấn luyện chuyên sâu - định hướng nghề nghiệp cho đại lý mới…
Theo ông, làm thế nào để quản lý hiệu quả đại lý BHNT? Phải chăng cái khó ở đây là do đặc thù có số lượng đại lý lớn?
Với cùng quan điểm trong tổ chức và triển khai hoạt động đại lý như trên, theo tôi, số lượng đại lý có lớn cũng không phải là vấn đề.
Tại Bảo Việt Nhân thọ, hiện số lượng đại lý cũng lên tới con số hơn 40.000, hoạt động trải dài trên cả nước, tuy nhiên, chất lượng đội ngũ đại lý này không ngừng được cải thiện, cả về tính chuyên nghiệp, cũng như đạo đức và niềm đam mê, tận tụy trong công việc, với mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất để phát triển bền vững.