Thị trường trái phiếu và VBMA đã có những đóng góp ra sao trên chặng đường 20 năm phát triển của ngành Chứng khoán, thưa ông?
VBMA được thành lập vào tháng 8/2009 từ tiền thân là Diễn đàn thị trường trái phiếu Việt Nam (VNBF), với 64 thành viên, bao gồm các ngân hàng thương mại trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các công ty bảo hiểm, tư vấn luật và kiểm toán, với mục đích thúc đẩy các hoạt động giao dịch trái phiếu thông qua phổ biến, chia sẻ các thông tin thị trường, tiêu chuẩn hóa các hoạt động thương mại đối với thị trường trái phiếu Việt Nam.
Sứ mệnh của VBMA là bảo vệ quyền lợi của các thành viên thông qua các hoạt động tham vấn chính sách và xây dựng các thông lệ thị trường, xây dựng một cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực trái phiếu chuyên nghiệp có đẳng cấp cao, tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa thị trường, là nơi thu thập các nguồn thông tin thị trường và là tổ chức đối thoại chính sách với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.
Ông Phạm Thanh Hà
Với sứ mệnh hoạt động đó, VBMA đã triển khai các hoạt động trên 4 trụ cột sau:
Thứ nhất, về phát triển thị trường: VBMA triển khai thành công thỏa thuận các nhà tạo lập thị trường (MMA) cung cấp giá tham chiếu trái phiếu chuẩn cho thành viên thị trường để hạch toán kế toán theo giá thị trường (mark-to-market) danh mục trái phiếu hàng ngày, xây dựng hợp đồng khung trái phiếu cho giao dịch outright, xây dựng và ban hành quy ước thị trường, đạo đức nghề nghiệp, cẩm nang hoạt động tác nghiệp phía sau (back office).
Thứ hai, các hoạt động về đối thoại chính sách, tham vấn chính sách được tổ chức thường xuyên, liên tục, cụ thể là tổ chức tham gia các chương trình đối thoại chính sách phản ánh vấn đề của thị trường lên cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp, tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật mới mà cơ quan quản lý nhà nước lấy ý kiến.
Thứ ba, hoạt động đào tạo, sự kiện của VBMA: các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu được tổ chức đều đặn và có chất lượng cao góp một phần vào sự chuyên nghiệp hóa của thành viên trên thị trường.
Thứ tư, xây dựng và cung cấp phục vụ thành viên các thông tin về thị trường hàng ngày, nỗ lực xây dựng Trung tâm Thông tin trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Các đóng góp của VBMA đã góp phần vào sự phát triển của thị trường trái phiếu thông qua các kết quả như: quy mô thị trường trái phiếu chính phủ chiếm 21% GDP, tăng gần gấp 2 lần trong 3 năm vừa qua. Cụ thể, đến ngày 30/9/2016, tổng giá trị danh mục trái phiếu chính phủ đang lưu hành đạt xấp xỉ 931.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với giá trị danh mục cuối tháng 6/2013 (500.000 tỷ đồng).
Thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện, giá trị giao dịch trái phiếu chính phủ bình quân trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 3.839 tỷ đồng/phiên so với 1.463 tỷ đồng/phiên năm 2013. Số lượng và mức độ tham gia thị trường của các ngân hàng, tổ chức tài chính tăng nhanh.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những bước tiến rõ rệt, tổng khối lượng phát hành trên thị trường sơ cấp trong 3 năm gần nhất lần lượt: năm 2015 đạt 54.313 tỷ đồng; năm 2014: 63.546 tỷ đồng và năm 2013: 57.649 tỷ đồng.
Đóng góp của VBMA vào sự phát triển của thị trường vốn đã được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao và ghi nhận tại Đại hội nhiệm kỳ III của VBMA diễn ra vào cuối tháng 10/2016.
Các thành viên của VBMA đều là các nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu, điều gì đã giúp họ gắn kết, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường này phát triển, thưa ông?
Sứ mệnh của VBMA ngay từ những ngày đầu thành lập và đi vào hoạt động là đi theo các tiêu chí rất rõ ràng: thực hiện vai trò của một hiệp hội nghề nghiệp đại diện cho tiếng nói của các thành viên xây dựng Hiệp hội với các tiêu chí: xây dựng và phát triển một cộng đồng chuyên nghiệp trên thị trường; tiên phong trong xây dựng và phát triển thị trường; trở thành trung tâm thông tin về trái phiếu cung cấp thông tin thị trường phục vụ thành viên; đại diện thành viên trong việc đối thoại chính sách với cơ quan quản lý nhà nước.
Các thành viên khi tham gia Hiệp hội, một mặt chung tay vào xây dựng và phát triển thị trường thông qua cùng nhau thống nhất các quy ước thị trường, áp dụng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, xây dựng các đường cong lãi suất chuẩn… phục vụ chính hoạt động kinh doanh của mình, mặt khác cũng là quyền lợi của thành viên vì VBMA là diễn đàn chính thống, chuyên nghiệp để các thành viên trao đổi, phản ánh các vướng mắc, đề xuất liên quan đến các hoạt động trên thị trường trái phiếu và các lĩnh vực liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước. Kết quả hoạt động của VBMA trong thời gian qua đã đi vào thực chất, đáp ứng được nhu cầu của thành viên.
Từ đó, các thành viên đều nhận thấy việc tham gia vào hoạt động của Hiệp hội, thì trong nghĩa vụ và lợi ích chung lại có cả cái riêng và ngược lại, nên VBMA thực sự là một tập thể đoàn kết, thống nhất chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước vì một thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển.
Cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ hiện khá đơn điệu khi vẫn quá phụ thuộc vào các ngân hàng. Giai đoạn tới, VBMA sẽ làm gì để đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, thưa ông?
Các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu Việt Nam, với tỷ trọng vốn ngắn và trung hạn tương đối lớn và duy trì một danh mục đầu tư an toàn phù hợp với cơ cấu dòng vốn. Các công ty bảo hiểm cũng có nhu cầu đầu tư vào trái phiếu, nhưng thường đầu tư vào các trái phiếu kỳ hạn dài, có khối lượng chào thầu ít hơn để cân đối dòng vốn trong dài hạn của họ.
Trong nhiệm kỳ mới, VBMA sẽ tiếp tục tư vấn cho Bộ Tài chính xây dựng, ban hành chính sách, quy định nhằm đa dạng hóa loại hình nhà đầu tư trên thị trường như: cho phép thành lập quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư trái phiếu...
Kèm với đó, VBMA tiếp tục đề xuất Bộ Tài chính trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu các loại kỳ hạn từ 3 - 30 năm trong các năm tiếp theo và dưới nhiều hình thức nhằm đa dạng hoá sản phẩm, thu hút thêm nhà đầu tư, giảm phụ thuộc vào ngân hàng thương mại.
Nhiều ý kiến than phiền cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam kém hấp dẫn so với nhiều thị trường lân cận. Theo ông, Việt Nam cần có giải pháp nào để thu hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường trái phiếu trong giai đoạn tới?
VBMA sẽ đề xuất xây dựng chiến lược, mục tiêu thu hút nhiều hơn dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, từ đó đưa ra các chính sách ưu đãi như miễn giảm các loại thuế, phí khi đầu tư trái phiếu chính phủ, xây dựng phương án quảng bá hình ảnh và chính sách mở tài khoản, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài là miễn thuế nhà thầu, cho phép triển khai các sản phẩm phòng ngừa rủi ro.
Có ý kiến nhìn nhận thị trường trái phiếu Việt Nam chậm lớn do thiếu "nhạc trưởng" trong hoạch định một kịch bản tổng thể ở cấp Chính phủ. Để khắc phục hạn chế này, nên thành lập Ban chỉ đạo phát triển thị trường vốn, do một Phó thủ tướng Chính phủ đứng đầu, để điều phối liên bộ triển khai các giải pháp đồng bộ, nhất là trong bối cảnh việc tiến hành tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán, tài chính đang thiếu sự phối kết hợp. Ông nghĩ sao về ý tưởng này?
Thị trường trái phiếu những năm vừa qua đã đạt được kết quả tích cực, nhưng quy mô thị trường còn nhỏ, thanh khoản chưa ổn định, cơ sở nhà đầu tư chưa đa dạng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nhìn từ kinh nghiệm phát triển thị trường của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia…, thì việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển thị trường vốn có thể là một lựa chọn phù hợp, cần thiết đối với sự phát triển toàn diện của thị trường.
Ban chỉ đạo sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng, từ đó đưa ra các kế hoạch hành động và có sự chỉ đạo sát sao. Trong một hội thảo gần đây về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đã nêu về việc cần thiết thành lập Ban chỉ đạo nói trên.
Về phần mình, trường hợp Ban chỉ đạo được thành lập, VBMA sẵn sàng cử đại diện tham gia.
Ngoài các giải pháp trên, ông có đề xuất gì để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển năng động hơn, gia tăng quy mô để tương đương mức trung bình các nước ASEAN?
Trên cương vị Chủ tịch VBMA, tôi sẽ tập trung vào triển khai các giải pháp nhằm phát hành đa dạng sản phẩm trái phiếu, trước mắt là hoàn thiện các quy định về cho phép bán khống và sản phẩm hợp đồng tương lai; đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các công ty quản lý quỹ, quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư trái phiếu, đặc biệt là từ nhà đầu tư nước ngoài, xây dựng nền tảng hệ thống nhà đầu tư thứ cấp, nhà tạo lập thị trường nhằm giảm phụ thuộc vào ngân hàng thương mại.
Cùng với đó là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện các chính sách về phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phù hợp hơn với thực tế thị trường; nghiên cứu các chính sách phí, thuế linh hoạt, các giải pháp quảng bá hình ảnh nhằm tăng mức độ hấp dẫn cho thị trường.